Mối nguy hại từ làm đẹp siêu tốc

00:00 | 29/12/1999

679 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đến thời điểm này dường như việc làm đẹp của các chị em đang ở tình trạng quá đà: người người, nhà nhà đua nhau đi làm đẹp song lại thiếu sự hiểu biết, lựa chọn, cân nhắc. Với nhiều người, ngay cả bộ phận cơ thể định “sửa sang”, phương tiện, kỹ thuật, chuyên gia thẩm mỹ… đều chỉ đơn thuần là nghe theo sự tư vấn “bảo sao làm vậy”. Và nhiều người chỉ thích được làm đẹp siêu tốc.

Đừng nghĩ gây tê là đơn giản

Bệnh nhân Trần Thu H, Việt kiều Hongkong vừa tử vong ngay đầu năm 2013 do đến xóa sẹo môi tại Thẩm mỹ viện Linh Nhung ở 255 Xã Đàn, Hà Nội, mà nguyên nhân ban đầu được cho là sốc thuốc, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những người có nhu cầu chỉnh sửa nhan sắc.

Theo nhân viên của Thẩm mỹ viện Linh Nhung tường thuật lại: khoảng 11 giờ ngày 4/1/2013, chị H đến cơ sở làm đẹp Linh Nhung để xóa sẹo trên mặt. Sau khi xem xét, thăm khám, đến 17 giờ 30, chị H được đưa lên tầng 4 để gây tê. Nhưng sau khi gây tê, chị H bị ngất và hôn mê, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai. Đến 1 giờ 30 ngày hôm sau thì chị tử vong.

Thẩm mỹ viện Linh Nhung, nơi phụ nữ chưa kịp làm đẹp đã tử vong

Theo TS Vũ Quang Vinh, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia, đối với thuốc gây tê được phép sử dụng thì ít khi gây phản ứng. Tuy nhiên, nếu đã gây phản ứng thường rất nặng, thậm chí làm bệnh nhân tử vong nếu không được cấp cứu hoặc cấp cứu không kịp thời. Bởi vậy, chị H có thể rơi vào trường hợp như vậy.

TS Vũ Quang Vinh cho biết thêm: “Tác dụng phụ của thuốc gây tê làm hạ huyết áp, nhịp tim chậm, đặc biệt thuốc có thể gây dị ứng, nhất là gây sốc phản vệ, dẫn đến tai biến chết người. Đối với trường hợp có bệnh lý đi kèm, tai biến này càng diễn ra nhanh, dù thuốc tiêm vào người chỉ với liều lượng nhỏ”. Được biết, chị ở Hải Phòng lên Hà Nội nên khi đến Thẩm mỹ viện Linh Nhung, em trai chị là người đưa đến, còn những thông tin cần biết về cơ sở làm đẹp này chị cũng chưa biết rõ.

Tiêm trắng ở… hàng gội đầu

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Hùng, Bệnh viện Quân đội 108, cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Philipines vừa công bố kết quả nghiên cứu về thuốc làm trắng da có chất glutathione:

“Lạm dụng glutathione làm trắng da có thể gây suy thận, nhiễm độc máu, hoại tử biểu bì da, thậm chí dẫn đế tử vong. Bởi bản chất đây là một protein có ở mọi tổ chức cơ quan trong cơ thể, chuyên tạo các sợi mô làm da căng mịn.

Song cho tới nay, sản phẩm này chỉ được dùng theo đường uống và bôi trên da, không được tiêm”.

Chị Nguyễn Kim H, ở quận Ba Đình, Hà Nội, sau khi đọc trên mạng thấy quảng cáo thuốc tiêm trắng da, chị quyết “lùng” bằng được địa chỉ để được “lột xác” như Micheal Jackson. Oái oăm thay, địa chỉ chị tìm đến thay vì là cơ sở y tế chính quy lại là một… cửa hàng làm đầu nhỏ nằm trên phố Khâm Thiên, việc bán và tiêm thuốc do chính nhân viên cửa hàng thực hiện.

Theo quảng cáo của họ thì có hàng chục loại thuốc tiêm trắng da, trong đó toàn hàng “xách tay” từ Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ, Thái Lan… với giá rất “mềm”: từ 3,5-7,5 triệu đồng/hộp, tùy theo xuất xứ từng nước và tùy theo thành phần có trong thuốc.

Vì thuốc chỉ có collagen hoặc vitamin C thì chắc chắn rẻ hơn loại thuốc có cả hai chất ấy cùng với glutathione, một chất chống ôxy hóa mạnh, chống gốc tự do bằng việc tái tạo vitamin C và E…

Để hiệu quả hơn trong việc thay đổi màu da, có thể tiêm kết hợp collagen với giá 5,6 triệu đồng, thuốc chiết xuất từ nhau thai cừu có giá 15 triệu đồng. Tất cả “liều” chỉ tiêm 5 lần trải đều trong 5 tuần và đều tiêm tĩnh mạch. Điều đáng “kinh ngạc” hơn là tiêm đến đâu sẽ thấy ngay hiệu quả đến đấy.

Nghe tiếp thị như vậy, chị H đồng ý ngay và trả gần 30 triệu đồng để được tiêm loại thuốc hiệu quả nhất. Nhưng mới tiêm được 3 lần, vừa thấy không hiệu quả vừa phát hoảng bởi da xuất hiện những đốm đỏ, chị “bỏ của chạy lấy người”. Chị kể: “Tự mình dẫn xác đến rồi tự mình “phá hợp đồng” nên chẳng “bắt đền” được gì. Số tiền đã mua thuốc coi như “của đi thay người”. May mắn nhất là mình chưa bị làm sao”.

Bôi kem để nâng ngực, trắng da và… đi viện

Hiện có rất nhiều người đi làm đẹp nhưng không biết gì về cơ sở mình đến làm đẹp, hay kỹ thuật làm đẹp mà bác sĩ thực hiện với mình nên phải chứng chịu những hậu quả khôn lường. Người ta, rỉ tai nhau loại thuốc chỉ… bôi mà nâng được ngực, là hồng nhũ hoa… lại còn giá rẻ bất ngờ. Nhưng hậu quả tiền mất tật mang thì chẳng mấy ai nói ra.

TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Bỏng Quốc gia cho biết: Do trong hầu hết thành phần các loại kem làm trắng da… đều có hóa chất lột, tẩy nhiều do đó gây nguy cơ cao về tổn thương da. Có rất nhiều trường hợp sau khi dùng các loại kem này đã phải đi bệnh viện điều trị các triệu chứng: bỏng da do hóa chất, tổn thương các tế bào da, tia tử ngoại xâm nhập. Nặng hơn nữa là suy da, nghĩa là bị tổn thương da kéo dài sau dị ứng, làm giảm sức đề kháng của da…

Nói chung có rất nhiều cách “làm đẹp” mà người có nhu cầu chỉ cần được truyền tai là thực hiện ngay, bất luận hệ lụy ra sao. Theo bác sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, sở dĩ hình thành trào lưu thẩm mỹ như trên trước hết là do thói quen “mách nhau” của người Việt không chỉ trong làm đẹp mà điều trị bệnh tật, trọng bệnh cũng vậy.

Thứ hai là, do trong quá trình phát triển từ “không” đến “có”  bao giờ giai đoạn ở giữa hay còn gọi là thời kỳ quá độ thường hình thành một cách bộc phát những trào lưu… Và càng “trăm hoa đua nở” thì trào lưu bộc phát này càng mạnh để đến thời kỳ phát triển, nó sẽ được kiểm soát và quản lý từ tất cả những đối tượng liên quan.

Phong trào làm đẹp trong xã hội có thể nói đang ở giai đoạn này. Do đó, việc ngày càng nhiều người có nhu cầu làm đẹp mà lại không hiểu biết, thêm nữa không chịu tìm tòi vô hình trung sẽ hình thành miếng đất màu mỡ cho những cơ sở làm đẹp, bác sĩ làm đẹp thiếu lương tâm, thiếu chuyên môn kỹ thuật…

Cho nên rất cần một sự cẩn trọng ở những người có nhu cầu làm đẹp, phải tìm hiểu kỹ trước khi đến một bác sĩ, trung tâm thẩm mỹ viện nào để xem chuyên môn kỹ thuật của họ ra sao, uy tín như thế nào, cơ thể, sức khỏe của mình có phù hợp với phương pháp làm đẹp ấy không. Nếu làm được như vậy, không những người có nhu cầu thẩm mỹ tránh được rủi ro mà còn loại trừ được những cơ sở, bác sĩ thiếu uy tín, thiếu lương tâm…

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Hùng, Bệnh viện Quân đội 108, cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Philipines vừa công bố kết quả nghiên cứu về thuốc làm trắng da có chất glutathione: “Lạm dụng glutathione làm trắng da có thể gây suy thận, nhiễm độc máu, hoại tử biểu bì da, thậm chí dẫn đế tử vong. Bởi bản chất đây là một protein có ở mọi tổ chức cơ quan trong cơ thể, chuyên tạo các sợi mô làm da căng mịn. Song cho tới nay, sản phẩm này chỉ được dùng theo đường uống và bôi trên da, không được tiêm”.


Xuân Bách

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.