Tiểu thương TP HCM:

Mối lo tăng thuế

13:59 | 02/10/2015

778 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng chục ngàn tiểu thương tại TP HCM đang lo lắng thuế suất sẽ tăng với cách tính mới của ngành thuế áp dụng từ ngày 1-1-2016.

Thuế chồng thuế!

Gần đây, nhiều tiểu thương trên địa bàn TP HCM được các chi cục thuế địa phương mời lên họp để phổ biến cách tính thuế mới theo Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2016. Theo đó, ngoài mức thuế khoán mà các tiểu thương đóng hằng tháng như hiện nay thì tiểu thương phải nộp thêm thuế là 1,5%/doanh thu nếu xuất hóa đơn. Đa số các tiểu thương đều không đồng tình với cách tính này của ngành thuế, vì họ sẽ phải đóng thuế cao hơn so với trước đây.

Chị Kim Anh, sạp 30, chợ vải Soái Kình Lâm (quận 5) phân trần, hiện nay chợ rất ế ẩm, tiểu thương làm ăn khó khăn, nên nghe nói năm sau sẽ tăng tiền thuế ai cũng lo lắng. Với sạp chỉ hơn 1m2 của mình chị đang phải nộp mức thuế hơn 8 triệu đồng/tháng, chưa kể còn tiền thuê mặt bằng, nhân viên, điện, nước... Nếu theo cách tính thuế mới thì ngoài khoản 8 triệu đồng phải nộp hằng tháng còn bị thu thêm thuế nếu xuất hóa đơn. Như vậy khác nào tiểu thương phải nộp thuế 2 lần vừa nộp thuế khoán cho hoạt động kinh doanh, vừa nộp thuế theo tình hình kinh doanh thực tế.

moi lo tang thue
Nhiều tiểu thương không đồng tình với cách tính thuế mới theo Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính

Tương tự, chủ sạp Hoa Dũng, chợ Soái Kình Lâm cho hay, mỗi ngày tổng chi phí sạp của chị tính ra là 2 triệu đồng. Trong đó có tính chi phí cho đóng thuế khoán là 10 triệu đồng/tháng. Với thuế khoán này, tiểu thương được xuất hóa đơn đến 500 triệu đồng/tháng sẽ không bị nộp thêm tiền. Nhưng với cách tính mới thì chỉ cần xuất hóa đơn là đóng thêm 1,5%/doanh thu theo hóa đơn. Cụ thể, cứ 100 triệu đồng xuất hóa đơn thì phải đóng thêm 1,5 triệu đồng tiền thuế. Tình hình này làm tiểu thương thêm khó khăn bởi hiện nay kinh doanh cạnh tranh rất gay gắt, bán thì ế ẩm, bỏ vốn lớn nhưng lãi không được bao nhiêu.

Mặc khác, các tiểu thương cũng cho rằng cách tính thuế mới là không công bằng cho các hộ kinh doanh bởi nếu các hộ kinh doanh có doanh thu tương đương nhau, nhưng hộ nào bán hàng mà xuất nhiều hóa đơn chứng từ thì lại bị thu thuế cao hơn. Vậy khác nào Nhà nước khuyến khích tiểu thương bán hàng không có hóa đơn chứng từ.

Tại TP HCM, hiện có hơn 50.000 các hộ kinh doanh đang sử dụng mức thuế khoán nhưng có sử dụng hóa đơn. Như vậy với cách tính thuế mới sẽ tác động trực tiếp đến các tiểu thương này. Tại nhiều chợ các tiểu thương đã tổ chức lấy ý kiến và có kiến nghị bằng văn bản đến ban quản lý chợ, chi cục thuế địa phương để kiến nghị lên Cục Thuế TP HCM và Bộ Tài chính đề nghị xem lại cách tính thuế cho phù hợp, giúp tiểu thương yên tâm kinh doanh.

Theo chị Kiều Hạnh, tiểu thương chợ Bình Tây (quận 6), tại cuộc họp với Chi cục thuế Quận 6 cuối tháng 9 vừa qua có sự tham dự của gần 1.200 tiểu thương trên địa bàn rất nhiều tiểu thương đã bày tỏ sự không đồng tình với cách tính thuế mới. Trước ý kiến của tiểu thương, đại diện Chi cục Thuế quận 6 cũng giải thích đây là chủ trương của Bộ Tài chính, các chi cục thuế chỉ là người thừa hành pháp luật và hứa sẽ ghi nhận ý kiến của tiểu thương gởi lên cấp trên.

Một cán bộ ngành thuế cũng đồng tình là cách tính thuế mới chưa hợp lý, ở chỗ nếu vừa tính thuế khoán vừa tính thuế trên doanh thu xuất hóa đơn thì xem như là chỉ khoán một phần. Như vậy phải xem xét để giảm mức thuế khoán cho tiểu thương chứ không thể giữ nguyên mức cũ và thu thêm.

Chị Mỹ Oanh, kinh doanh quần áo tại chợ Tân Bình cho rằng, trong tình hình buôn bán khó khăn như hiện nay, ngành thuế nên xem xét để giảm thuế cho các tiểu thương, hoặc nếu không cũng giữ mức cũ chứ tăng nữa tiểu thương sẽ không kham nổi. Nếu mức khoán doanh thu xuất hóa đơn hằng tháng cho tiểu thương hiện nay 500 triệu đồng là quá cao thì ngành thuế có thể xem xét, điều chỉnh giảm xuống cho phù hợp.

Khuyến khích lập doanh nghiệp?

Theo Bộ Tài chính, cách tính thuế mới không phải là tiểu thương phải nộp thuế 2 lần, bởi thuế khoán là thuế là thuế tính trên doanh thu không sử dụng hóa đơn. Nếu muốn sử dụng hóa đơn thì các hộ kinh doanh nên chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH để kê khai thuế.

Tuy nhiên, nói về việc thành lập công ty đa số các tiểu thương đều “lắc đầu”.  Chị Kim Anh chợ Soái Kình Lâm chia sẻ, ngành thuế chủ trương khuyến khích tiểu thương thành lập công ty nhưng thành lập công ty chắc chắn sổ sách, giấy tờ thu, chi rất nhiều, mà tiểu thương đa phần những người kinh doanh theo kiểu “cha truyền con nối”, không nhiều chữ nghĩa, không rành pháp luật nên không dám thành lập. Từ trước đến nay tiểu thương chỉ xem thuế như một khoản chi phí, nếu thấy có khả năng thu lãi với mức thuế đó thì làm chứ không hiểu nhiều về ghi chép, sổ sách!

Khi được hỏi về ý định thành lập doanh nghiệp, chị Mỹ Oanh, sạp 32 chợ Soái Kình Lâm cũng cho rằng, không có ý định thành lập công ty, chỉ chờ xem cơ quan thuế xem xét giải quyết ý kiến của tiểu thương như thế nào. Tiểu thương đã quen với việc tính thuế khoán nếu lên thành doanh nghiệp thì không quen quản lý, kế toán, báo cáo thuế… Khi đã không hiểu, làm sai bị phạt càng phiền phức hơn.

Không thể thành lập doanh nghiệp nhưng các tiểu thương lại có nhu cầu trong sử dụng hóa đơn xuất cho khách hàng vì với đối tượng khách hàng rất đa dạng sẽ có một lượng khách hàng doanh nghiệp yêu cầu phải có hóa đơn mới mua hàng. Đây là vướng mắc mà đa số các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều gặp phải.

Một tiểu thương bán rau củ quả ở chợ đầu mối phân trần: “Ngoài cung cấp hàng cho các tiểu hương ở chợ lẻ tôi còn cung cấp hàng cho một số công ty để nấu ăn cho công nhân và các công ty này đều yêu cầu phải có hóa đơn VAT nếu không sẽ không mua hàng. Nhưng tôi không thể thành lập công ty vì khi thành lập công ty phải có hóa đơn đầu vào đầu ra, trong khi đó đầu vào tôi mua trực tiếp của bà con nông dân lấy đâu ra hóa đơn! Với thuế khoán từ trước đến nay chúng tôi vẫn nghĩ là mức cố định “lời ăn lỗ chịu” và Nhà nước đã căn cứ vào doanh thu trung bình hàng tháng của tiểu thương để đưa ra mức khoán thì tại sao lại còn tính thuế trên doanh thu khi xuất hóa đơn”.

Ở khía cạnh khác, theo Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, muốn thành lập công ty thì hộ kinh doanh phải có trên 10 nhân sự, trong khi đó các tiểu thương ở chợ đa phần chỉ có vài ba lao động phụ việc rất khó thành lập công ty. Nếu muốn thành lập công ty buộc họ phải kê khai thêm nhân sự, tổ chức lại bộ máy quản lý, hệ thống sổ sách…

Trước nguy cơ bị tăng tiền thuế và cũng không thể chuyển lên thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, đặc biệt là tiểu thương ở các chợ đang rất lo lắng và kiến nghị ngành thuế xem xét lại cách tính thuế cho phù hợp, không tạo thêm gánh nặng cho tiểu thương trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Theo ông Nguyễn Đình Tấn, Chi cục trưởng Cục Thuế TP HCM, Cục Thuế TP HCM đã nhận được phản ánh từ các chi cục thuế quận, huyện về triển khai Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính và sẽ tổng hợp các kiến nghị gửi Bộ Tài chính xem xét.

Mai Phương

Năng lượng Mới 462

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank

Giá vàng

Tỉ giá