Miền Nam đối mặt với dịch cúm A/H5N1

18:23 | 23/04/2013

1,572 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang đã thông báo dịch. Đặc biệt, trong tháng 4 đã có 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1, một trường hợp ở tỉnh Đồng Tháp đã tử vong và một trường hợp ở Long An đang được điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM.

Ngày 23/4, TS.BS Trần Quang Bính - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết: Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc D. (SN 1993, ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) đang được điều trị tại Bệnh viện với triệu chứng viêm phổi nặng do virus cúm A/H5N1. Sau thời gian điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã hết sốt, chỉ còn hơi ho, đi lại bình thường, bệnh viện đang đợi kết quả xét nghiệm lại, nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ cho bệnh nhân ra khỏi khu vực cách ly.

Theo TS.BS Trần Quang Bính, khi nhập Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 15/4, bệnh nhân mệt, bứt rứt, sốt cao 39oC, tràn dịch màng phổi… Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng các BS đã nghi ngờ bệnh nhân nhiễm cúm A nên đã cho điều trị theo phác đồ điều trị cúm của Bộ Y tế là dùng thuốc kháng virus Tamiflu 75mg, kháng sinh Ceftriaxon, Levofloxacin, Hydrocortison, thở oxy qua mặt nạ có túi khí,…

Do đang là cao điểm của các bệnh cúm A nên các BS đã dùng phương pháp ngoáy mũi họng của bệnh nhân để làm PCR xác định cúm A/H1N1, H5N1 và H7N9; xét nghiệm tại khoa Vi sinh Bệnh viện Chợ Rẫy và gửi mẫu đến Trung tâm Cúm quốc gia, Viện Pasteur TP HCM, cả 3 mẫu đều xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1.

Một bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 được điều trị cách ly.

Anh Nguyễn Thanh T., anh trai bệnh nhân Ngọc D. cho biết: Trước khi nhập viện 1 tuần bệnh nhân có làm thịt 4 con vịt sống trong hai ngày 8 và 9/4. Đến ngày 10/4 thì bệnh nhân sốt, ho, tức ngực. Sau đó đi khám tại ở trạm y tế xã, có tiêm thuốc nhưng không thấy bớt; khám ở phòng mạch tư cũng không khỏi. Ngày 14/4 bệnh nhân vẫn mệt, khó thở, tức ngực và nhập bệnh viện huyện Tân Hưng. Đến ngày 15/4, bệnh nhân được chuyển nhập viện Bệnh viện Đa khoa Long An, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cùng ngày.

BS Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM cho biết: Ngay sau khi biết tin có ca cúm A/H5N1 của tỉnh Long An đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, Sở Y tế đã chỉ đạo cho Trung tâm Y tế Dự Phòng TP HCM đi điều tra dịch tể về ca bệnh, thực hiện báo cáo theo đúng qui định.

Trước đó, vào đầu tháng 4, một bé trai 4 tuổi, ngụ tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tử vong do cúm A/H5N1. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên ở Đồng Tháp do nhiễm vurus cúm này trong năm 2013.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết: Tất cả các bệnh cúm A/H1N1, H3N2, H5N1, H7N9… đều là do virus cúm lây qua đường hô hấp. Bệnh đều có khởi phát giống nhau, ho, sốt nhưng nếu là cúm gia cầm (H5N1, H7N9) thì sẽ diễn tiến nặng, tùy vào sức đề kháng của mỗi người mà bệnh tiến triển nhanh hay chậm. Những người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người béo phì, những người có bệnh nội khoa đi kèm như tiểu đường, tim mạch,… dễ bị trở nặng hơn.

Hiện nay, phác đồ điều trị cúm A/H5N1, H7N9, H1N1 do Bộ Y tế hướng dẫn cũng chỉ có sử dụng thuốc viên Tamiflu, Oseltamivir. Do đó, điều quan trọng là BS ở tuyến cơ sở phải phát hiện sớm để điều trị cho bệnh nhân, tránh để lâu diễn tiến nặng; phát hiện sớm, điều trị sớm sẽ khỏi bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa cúm A/H7N9, A/H5N1 cần phải tránh giết mổ, vận chuyển, buôn bán, ăn thịt hoặc tiết canh, tiếp xúc gần với gia cầm, chim hoang dã không rõ nguồn gốc. Cách thức đơn giản và hiệu quả là giữ bàn tay sạch và vệ sinh hô hấp. Dù bị cúm thường hay cúm gia cầm thì khi có biểu hiện của ho, sổ mũi, sốt cao..., bệnh nhân cũng nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Mai Phương