Miễn học phí - Bất công giữa công lập và dân lập

08:27 | 25/12/2017

1,130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thực tế chứng minh, sau khi miễn học phí ở cấp tiểu học, các trường lại “sáng tạo” ra các khoản thu xã hội hóa, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Chính vì thế, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu thực hiện miễn học phí đến cấp THCS, liệu tình trạng lạm thu có tiếp tục gia tăng?

Thiếu công bằng trong chính sách

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành vừa trình Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí tới cấp THCS ở trường công lập. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý... Đề xuất này đang thu hút được sự chú ý của dư luận xã hội về tính khả thi cũng như nguồn ngân sách phục vụ cho giáo dục sau khi miễn học phí.

Sau đó, tại “Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-2017, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho rằng, từ trước tới nay, chúng ta đã áp dụng miễn học phí cho học sinh bậc tiểu học, nhưng chỉ áp dụng cho trường công lập, dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các học sinh.

Trong khi đó, nhiều học sinh phải học trường ngoài công lập. Hiện nay ngành GD&ĐT thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm đạt tỷ lệ 15% học sinh tiểu học, 15% học sinh THCS và 60% học sinh THPT học ngoài công lập.

mien hoc phi bat cong giua cong lap va dan lap
Học sinh mẫu giáo tại Hà Nội

Thêm một thực tế nữa là trường công lập được miễn học phí sẽ khiến học sinh tập trung vào học dẫn đến việc gia tăng áp lực về sĩ số đối với các trường công lập ở các đô thị lớn. Từ đó, ông Đại đề nghị học sinh trường công hay trường tư đều nên được áp dụng quy định miễn học phí như nhau. Trong đó, trường chất lượng cao có thể thu thêm tiền.

Hiệu trưởng Trường phổ thông Newton Lê Thị Chính nêu ý kiến: “Nếu học sinh công lập tiểu học được miễn học phí, được thành phố đầu tư chi phí đào tạo 3 triệu đồng/học sinh/năm thì học sinh dân lập hoàn toàn không được hưởng các khoản hỗ trợ này. Điều này là không công bằng vì không phải gia đình học sinh học trường dân lập nào cũng có kinh tế khá. Việc thiếu công bằng trong chính sách này chẳng khác gì phân biện có công dân loại 1, loại 2”.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn, nếu chỉ miễn học phí cho trẻ học trường công lập thì có công bằng với những em học ở trường ngoài công lập hay không? Có thể thấy rõ điều này ở cấp mầm non, khi mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều gia đình, trong đó phần lớn là các cặp vợ chồng nghèo, người lao động ở các khu công nghiệp phải gửi trẻ tại cơ sở tư thục, điều kiện chăm sóc, giáo dục thiếu thốn. Vì vậy, việc xem xét miễn, giảm học phí với trẻ mầm non theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là cần thiết.

Lo ngại ngân sách thiếu, tăng lạm thu

Đề xuất miễn học phí cho học sinh tới cấp THCS bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng từ phía dư luận xã hội bởi tính tiến bộ, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS Trần Xuân Nhĩ: Liệu ngân sách Nhà nước có thể bù đắp được khoản học phí đã miễn giảm không?

Tuy nhiên, vẫn có nhiều băn khoăn về những hệ lụy khi miễn học phí từ cấp tiểu học đến THCS. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi, liệu ngân sách Nhà nước có thể bù đắp được khoản học phí đã miễn giảm không? Trong khi đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cũng đề cập tới vấn đề tăng lương cho giáo viên; thậm chí nhiều ý kiến cho rằng giáo viên cần có thang bảng lương riêng.

Hiện nay, 40% tiền học phí thu từ học sinh sẽ được đưa về ngân sách Nhà nước, 60% còn lại sẽ được địa phương sử dụng chi cho các hoạt động giáo dục thường xuyên, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ… Tuy nhiên, nếu áp dụng chính sách miễn giảm học phí đại trà trên cả nước, không phân biệt trường công lập và dân lập thì ngân sách Nhà nước sẽ chịu áp lực không nhỏ trong thời gian dài hạn. Vì thế, dù việc miễn giảm học phí là một chủ trương nhân văn, nhưng việc triển khai sao cho hiệu quả cũng là một bài toán khó đối với ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, trong khi nhiệm vụ giáo dục và nhu cầu của người dân ngày càng tăng, nhưng ngân sách chưa đáp ứng được, việc các trường tiểu học “sáng tạo” thêm các khoản thu, dẫn đến tình trạng lạm thu như thời gian vừa qua cũng khiến nhiều người băn khoăn với đề xuất miễn học phí của Bộ GD&ĐT.

Theo Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm: “Nếu như phải cân nhắc giữa việc miễn giảm học phí bậc THCS và tăng lương cho giáo viên thì ngành giáo dục nên chọn hướng tăng lương để họ có động lực, tập trung tâm huyết dạy dỗ học sinh, còn học phí thì cứ để như cũ. Còn nếu đồng thời thực hiện được cả việc miễn học phí thì các khoản thu khác trong trường học phải được công khai, minh bạch nếu không phụ huynh lại phải gánh thêm các khoản phí mập mờ khác. Các khoản thu sau khi miễn học phí cũng cần được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Các trường làm sai, cố tình thu nhiều sẽ phải xử lý thật nghiêm”.

mien hoc phi bat cong giua cong lap va dan lap
Học sinh quốc tế

Khảo sát và nghiên cứu tình hình miễn học phí tại 18 quốc gia đại diện 4 châu lục Á, Âu, Mỹ, Phi gồm đại diện các nước thu nhập cao, trung bình, thấp của Bộ GD&ĐT cho thấy, 33% nước miễn học phí hoàn toàn cho cấp học mầm non; 61% miễn học phí với cấp THCS, 8/18 nước miễn học phí hoàn toàn với cấp THPT.

Khung học phí chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2015-2016 được quy định như sau: Vùng thành thị từ 60.000 đến 300.000 đồng; vùng nông thôn 30.000-120.000 đồng, miền núi 8.000-60.000 đồng.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.