Mệnh lệnh từ trái tim

06:00 | 14/03/2014

2,162 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 5 ngày đêm, với sự nỗ lực cao nhất của Việt Nam và 8 quốc gia nhưng số phận chiếc máy bay vẫn chưa được xác định. Dù sao, những cố gắng hết mình bằng khả năng sẵn có, Việt Nam đã chứng minh với nước bạn láng giềng và quốc tế về tinh thần hợp tác, giúp đỡ vô tư, trong sáng khi bạn gặp hoạn nạn. Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ quốc tế bằng mệnh lệnh từ trái tim mình.

Năng lượng Mới số 304

Truyền thống đạo lý của người Việt Nam ta đã được tiếp nối từ ngàn đời là lấy chữ nhân làm gốc. Một trong những nét đẹp của phẩm giá là tình thương yêu con người và đức vị tha. Ông bà, cha mẹ thường khuyên nhủ con cháu qua câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân”. Từ ngày 8/3, nghe tin chiếc máy bay Booing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia mất tích trên vùng trời Biển Đông, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQG TKCN) nước ta đã khẩn trương vào cuộc. Việt Nam đã coi hoạn nạn của nước bạn láng giềng như công việc và trách nhiệm của mình. Nhân lực, vật lực với chất lượng tốt nhất, có khả năng cơ động nhanh nhất đã được huy động vào công việc tìm kiếm liên tục 24/24 giờ.

Giữa thế kỷ XX, có một danh nhân nổi tiếng người nước ngoài nói một câu rất chí lý về phương châm sống: “Nếu bạn mời ăn thì có thể đến muộn; nhưng khi bạn gặp hoạn nạn thì phải đến sớm”. Sự kiện máy bay của Hàng không Malaysia mất tích bí ẩn vừa xảy ra, tàu và máy bay Việt Nam đã có mặt sớm nhất trên vùng biển nghi máy bay bị nạn. Việt Nam cùng các lực lượng cứu hộ quốc tế đã bắt đầu hoạt động tìm kiếm từ sáng ngày 9-3. Riêng Việt Nam chuẩn bị lực lượng gồm 9 máy bay và 11 tàu biển các loại.

17 giờ chiều 9/3, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBQG TKCN đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp để nghe Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các lực lượng TKCN mới chỉ đang ở trong giai đoạn 1 - giai đoạn tìm kiếm, phát hiện mục tiêu. Thời gian tiếp theo, chúng ta phải xác định rằng, các nạn nhân vẫn còn khả năng sống sót, cho nên các lực lượng làm nhiệm vụ vẫn liên tục tìm kiếm 24/24 giờ, với những nỗ lực cao nhất. Các lực lượng cần tập trung vùng đang tìm kiếm nhưng không bỏ các vùng khác. Do đó, UBQG TKCN và các lực lượng tham gia của các bộ, ngành liên quan phải phân công cụ thể, không chồng chéo, bỏ sót nơi khác. Giai đoạn 2 - nếu như phát hiện vị trí máy bay và các nạn nhân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải... nắm chắc quy ước của quốc tế có trách nhiệm vào cuộc làm rõ nguyên nhân gây ra tai nạn.

Về tổ chức lực lượng, Việt Nam lập sở chỉ huy tiền phương của UBQG TKCN đặt tại sân bay Phú Quốc. Trung tâm chung là Cục Cứu hộ cứu nạn có nhiệm vụ tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi thông tin cho Chính phủ và Quân ủy Trung ương. Thứ trưởng của Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu và Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Trung tướng Võ Văn Tuấn trực tiếp chỉ huy tại sở chỉ huy tiền phương. Đó là một hệ thống chỉ đạo và chỉ huy chặt chẽ, khoa học, đáp ứng hiệu quả nhất cho công tác tìm kiếm cứu nạn chưa từng có ở nước ta từ trước đến nay. Chi phí tìm kiếm cứu nạn máy bay lấy từ ngân sách dự phòng của UBQG TKCN.

Là đất nước nằm trong khu vực thiên tai, bão lụt xảy ra hằng năm nên Việt Nam đã thấu hiểu những mất mát, đau thương và có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn khắc phục thiên tai, thảm họa. Phương châm 4 tại chỗ (phương tiện, nhân lực, hậu cần và chỉ đạo) được đúc rút từ gần 20 năm qua đã giúp cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn và khắc phục thảm họa ở Việt Nam có khả năng sẵn sàng triển khai và cơ động nhanh. Những ngày qua, hầu như những phương tiện hiện đại nhất mà Việt Nam sẵn có đã được tung vào nhiệm vụ tìm kiếm máy bay mất tích. Hai chiếc máy bay Casa 212 của cảnh sát biển, đã được điều động vào phía nam để tham gia nhiệm vụ. Đây là loại máy bay mới trang bị năm 2013, có hệ thống tuần thám biển, chuyên tuần tra biên giới, quan sát, phát hiện dầu loang, dầu tràn trên biển, phòng cháy rừng...

Tại Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân (An Thới, Phú Quốc) - nơi vốn xưa nay rất vắng vẻ thì những ngày vừa qua tấp nập các lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm máy bay, trong đó có lực lượng báo chí. Vùng 5 đã đón tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 40 cơ quan báo, đài trong và ngoài nước đăng ký tác nghiệp, trong đó có Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Truyền hình Hongkong. Mỗi ngày, sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc có hai lần cung cấp những thông tin mới nhất cho 100 phóng viên báo chí trong nước và quốc tế. Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: “Nếu phát hiện máy bay rơi tại vùng biển này thì các quan chức, thân nhân, truyền thông sẽ về đây nhiều nên huyện đã chuẩn bị y tế, thuốc men chu đáo. An ninh trật tự cũng được tăng cường”.

Không chỉ có lực lượng thuộc UBQG TKCN, các tàu cá và ngư dân Việt Nam đang làm ăn ở vùng biển phía tây nam cũng đều nhiệt tình tham gia công tác tìm kiếm. UBND và biên phòng tỉnh Kiên Giang phát động thông tin rộng rãi trong ngư dân, ai phát hiện dấu hiệu gì khả nghi thì kịp thời báo cáo cho sở chỉ huy.

Trước nhu cầu của các nước muốn tham gia công tác tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia, Việt Nam đã cấp phép cho máy bay và tàu của 4 nước vào lãnh hải Việt Nam tham gia nhiệm vụ là Malaysia, Singapore, Mỹ và Trung Quốc. Tổng cộng phương tiện các nước là 34 máy bay, 40 tàu thủy, không kể tàu ngư dân. Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định, việc cấp phép cho phương tiện nước ngoài nhằm tạo mọi điều kiện và hỗ trợ hết sức cho công cuộc tìm kiếm cứu nạn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn và an ninh trên biển, chủ quyền lãnh thổ bằng cách phân khu vực và có phương tiện của Việt Nam đi cùng.

Trung tướng Võ Văn Tuấn trực tiếp chỉ huy lực lượng không quân và hải quân tại sở chỉ huy tiền phương nói: “Việt Nam đang nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình. Tất cả vì sinh mạng con người”. Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia đã xác nhận rằng: “Lực lượng cứu hộ từ Australia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Mỹ đang tích cực hỗ trợ. Chúng tôi rất biết ơn những nỗ lực này”.

Chuẩn đô đốc hải quân Trung Quốc Khán Lập Khuê phát biểu với báo chí nhân chuyến thăm Việt Nam: “Ngay sau khi nhận thông tin về vụ việc, Việt Nam đã huy động nhiều tàu thuyền và máy bay tích cực tìm kiếm tại một khu vực rộng lớn trên không cũng như trên biển. Các bạn cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nước triển khai công tác tìm kiếm. Thật đúng là “khó khăn mới hiểu lòng nhau”. Việc làm này đã minh chứng cho tình hữu nghị truyền thống nồng thắm giữa nhân dân hai nước. Là một quân nhân, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT đã kịp thời giúp đỡ nhân dân Trung Quốc. Xin chân thành cảm ơn nhân dân Việt Nam đã quan tâm, tạo mọi điều kiện, giúp đỡ nhân dân Trung Quốc trong lúc khó khăn”.

Hơn 5 ngày đêm, với sự nỗ lực cao nhất của Việt Nam và 8 quốc gia nhưng số phận chiếc máy bay vẫn chưa được xác định. Dù sao, những cố gắng hết mình bằng khả năng sẵn có, Việt Nam đã chứng minh với nước bạn láng giềng và quốc tế về tinh thần hợp tác, giúp đỡ vô tư, trong sáng khi bạn gặp hoạn nạn. Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ quốc tế bằng mệnh lệnh từ trái tim mình.

Đức Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc