Mất mùa do... chỉ đạo

07:07 | 05/10/2015

2,827 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày nay, dư luận đang chú ý tới một sự kiện tái diễn ở Thái Bình - đó là chuyện lúa bị sâu bệnh, đã phun thuốc trừ sâu nhưng lúa vẫn chết hàng loạt.

Những cánh đồng lúa vụ mùa ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình đã trổ bông nhưng cứ 10 bông thì mất 7-8 bông lép, thậm chí bạc trắng vì sâu bệnh.

Những người nông dân quê lúa Thái Bình một nắng hai sương mong sao có vụ mùa bội thu. Thế nhưng, vụ mùa này, họ đã mất trắng.

Bà con nông dân cho biết, họ đã thực hiện đúng hướng dẫn phòng bệnh cho lúa, dùng thuốc trừ sâu đúng loại và đúng cách như huyện yêu cầu. Vậy mà không hiểu sao sâu bệnh vẫn sống mà lúa thì chết trắng đồng.

mat mua do chi dao

Vụ lúa chiêm xuân đầu năm nay, lúa ngắn ngày Q5 và giống lúa lai hai dòng D.u527 đã mang lại niềm vui được mùa nhất so với mấy năm trước, năng suất trung bình đạt 2,5 tạ/sào, chỗ cao nhất lên tới 2,7- 2,8 tạ/sào. Nông dân cả huyện Quỳnh Phụ đều phấn khởi vì lúa tốt đều ở mọi trà, mọi giống, không có hộ nào bị mất mùa bởi sâu bệnh. Vậy mà đến vụ mùa này, họ đã thất bát.

Nhớ lại 16 năm trước, tôi đã về công tác ở huyện Quỳnh Phụ và chứng kiến cảnh bông lúa lép, cây bạc trắng. Một bác nông dân đưa tôi ra thăm cánh đồng có 7 sào lúa của gia đình. Bác buồn rầu nhìn ruộng lúa và cho biết: thấy có sâu, gia đình mua thuốc về phun mấy đợt nhưng sâu không chết mà lúa chết.

Bây giờ, tình trạng đó lại tái diễn ở Quỳnh Phụ mà nặng nề nhất là ở xã Quỳnh Hải. Lúa chết đồng nghĩa với mất mùa và cũng đồng nghĩa với thiếu đói. Bởi đây là vùng quê thuần nông, chuyên canh lúa, người dân chỉ biết một năm 2 vụ, trông chờ vào thửa ruộng của mình.

Có những điều bất thường và đáng nghi vấn mà các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra. Trước hết phải nói đến công văn chỉ đạo của UBND huyện Quỳnh Phụ. Từ đầu vụ, công văn của huyện đã chỉ đạo rất cụ thể cho bà con nông dân trong huyện phải dùng 2 loại thuốc trừ sâu; các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật cũng chỉ được bán 2 loại thuốc này.

Mới nghe thì thấy như UBND huyện rất quan tâm đến công việc canh tác của nông dân. Bởi việc UBND huyện mà lại có chỉ đạo cụ thể đến như vậy là chuyện hiếm.

Lệ thường, việc phổ biến kỹ thuật canh tác cho nhà nông là do Cơ quan Khuyến nông, Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Chi cục Bảo vệ thực vật đảm nhiệm. Những tổ chức này có nhiệm vụ thường xuyên bám sát nông dân, lăn lộn trên đồng ruộng để kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh việc trồng cấy, chăm sóc lúa và hoa màu cho nông dân.

Theo chỉ đạo của huyện, các tổ chức này cũng yêu cầu bà con phải dùng 2 loại thuốc trừ sâu để phun cho lúa khi xuất hiện sâu bệnh. Chính sự chấp hành nghiêm chỉnh đến máy móc ấy mà hậu quả hôm nay lúa chết, nông dân chịu thiệt chứ các cơ quan quản lý thì vô can.

Vụ mùa này mất trắng, dân lâm vào cảnh thiếu đói, ai sẽ là người chịu trách nhiệm hỗ trợ cứu đói cho bà con?

Chuyện lúa chết, sâu không chết của 16 năm trước khi điều tra ra là do thuốc giả. Các đại lý đã mua thuốc trừ sâu từ nước ngoài về rồi pha trộn với thuốc trừ sâu sản xuất trong nước trôi nổi trên thị trường. Vì thế, càng phun nhiều thì càng làm hại lúa, dẫn đến cháy lá; còn sâu đục thân thì vẫn sống và ăn rỗng thân cây.

Vậy bây giờ, với 2 loại thuốc trừ sâu do huyện quy định phải sử dụng nói trên, liệu có lặp lại chuyện thuốc sâu giả như 16 năm về trước không? Đó là điều mà các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc điều tra kỹ. Song, không thể bỏ qua điều bất thường trong chỉ đạo của huyện và các ngành chức năng.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, chỉ đạo của huyện đã phạm phải hai sai lầm: Một là “mặc định” cho nông dân chỉ được dùng 2 loại thuốc trừ sâu; hai là kìm hãm sự cạnh tranh của các đại lý và các nhà sản xuất thuốc trừ sâu trong cơ chế thị trường.

Cứ cho rằng 2 loại thuốc trừ sâu mà huyện quy định là thuốc “xịn” thì cũng phải tính đến chuyện là những thuốc này không đặc trị được sâu đục thân mà phải là loại thuốc khác. Rồi các nhà sản xuất, các đại lý kinh doanh, họ cần đa dạng hóa sản phẩm, cạnh tranh thị trường thì nay bị vô hiệu hóa, bó tay.

Nói về chức năng của các tổ chức như Hội Nông dân, Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật và Phòng Nông nghiệp, đó là những cơ quan gần gũi, sâu sát với nông dân nhất. Nhưng thực tế, còn nhiều điều bất cập. Những cán bộ này chưa thực sự lăn lộn, gắn bó thường xuyên với nông dân. Tác phong “chỉ tay năm ngón” và “thọc gậy xuống nước” vẫn tồn tại. Khi cây trồng, vật nuôi của bà con nông dân có vấn đề gì, ít thấy cán bộ kịp thời có mặt xử lý.

Trong khi yêu cầu nhiệm vụ của họ phải thật sự là nhà nông, 3 cùng với nông dân, cầm tay chỉ việc thì họ chỉ biết hô hào chung chung rồi “sống chết mặc bay”. Đến bây giờ mà bà Tạ Thị Minh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình còn nói: “Cánh đồng lúa đẹp như tranh”.

Thái Bình từng là tỉnh nổi tiếng về năng suất 5 tấn lúa/ha, vựa lúa của miền Bắc từ những năm chống Mỹ. Trong vài chục năm nay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân Thái Bình đã nhiều phen thất bát vì sự chỉ đạo thiếu sâu sát, kịp thời.

Đã có những năm Thái Bình chuyển một phần diện tích sang trồng kê, dưa hấu vụ đông và dưa chuột, ớt xuất khẩu. Nhưng vì để bà con tự phát, trồng quá nhiều lại không đúng kỹ thuật nên hàng hóa không bán được cho ai. Lợn sữa xuất khẩu mỗi năm chỉ 10.000 con nhưng để bà con nuôi đến 20.000 con thì làm gì chẳng ế!

Nhìn rộng ra cả nước, nhất là ở những tỉnh nông nghiệp, nhiều mâu thuẫn như trên vẫn tồn tại. Một hệ thống các trường đại học và cao đẳng nông nghiệp, mỗi năm đào tạo hàng nghìn kỹ sư nông nghiệp nhưng rất hiếm thấy kỹ sư về các xã và hợp tác xã công tác. Họ chỉ dừng lại ở cấp huyện.

Mà cấp huyện thì như đã nói ở trên, sự chỉ đạo chung chung, xa rời thực tiễn nên không giúp được nông dân khi cần thiết. Thậm chí, sự quan liêu còn dẫn đến những chỉ đạo sai, gây hậu quả khôn lường.

Nếu kỹ sư nông nghiệp mà chỉ ngồi trong phòng máy điều hòa mát rượi thì làm sao hiểu được việc nhà nông. Kỹ sư nông nghiệp còn chưa thật sự gắn bó với nhà nông thì làm sao liên kết được “4 nhà” (nhà nông, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) như Đảng và Nhà nước đề ra.

Trở lại với chuyện lúa chết trắng và lép bông dẫn đến mất mùa của nông dân huyện Quỳnh Phụ, vẫn phải nói đến chức trách nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.

Sự chỉ đạo của huyện và chi cục bảo vệ thực vật đã can thiệp quá sâu vào việc mà lẽ ra của cơ quan chức năng cấp dưới phải làm; còn khi người nông dân cần được sự chỉ bảo cụ thể, kịp thời thì lại thiếu vắng cán bộ nông nghiệp.

Từ lâu nông dân đã có câu ca “Mất mùa là tại thiên tai/ Được mùa là do chỉ đạo thiên tài của cấp trên”. Và điệp khúc “được mùa, rớt giá” hoặc mất mùa, trắng tay cứ tiếp diễn, chỉ nông dân chịu thiệt thòi.

Rất mong các cơ quan chức năng điều tra, làm sáng tỏ vụ này của Quỳnh Phụ, tìm ra những sai sót và cả những điều khuất tất, gây nên nỗi khốn khổ cho người nông dân nơi đây và để từ nay, không còn tái diễn cảnh mất mùa do sự chỉ đạo cứng nhắc như vậy nữa.

 

Bùi Đức

Năng lượng Mới 462

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc