Mất mùa đâu chỉ tại thiên tai

10:30 | 01/07/2017

1,015 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mất mùa do thiên tai là chuyện bình thường nhưng không có thiên tai mà mùa vẫn mất là hiện tượng không hiếm hiện nay ở một số địa phương. Tìm hiểu nguyên nhân thì đều do “nhân tai”, tức con người gây ra.

Ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang hiện nay có hiện tượng cây lúa phát triển bất thường tại vị trí sát Nhà máy Xử lý nước thải Khu Công nghiệp (KCN) Quang Châu khiến bà con nông dân rất lo lắng. UBND huyện Việt Yên đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiểm tra môi trường tại vị trí đó, đồng thời làm việc với Công ty CP KCN Sài Gòn - Bắc Giang, chủ KCN Quang Châu.

Kết quả kiểm tra cho thấy, diện tích lúa sát Nhà máy Xử lý nước thải KCN Quang Châu có hiện tượng táp lá, vàng úa, bộ rễ bị đen, kém phát triển, lúa không đẻ nhánh. Cơ quan chuyên môn khẳng định, diện tích lúa này không phải do sâu bệnh gây ra. Người dân và ban lãnh đạo thôn cho biết, khu vực này là cánh đồng mẫu của xã, chỉ cấy một giống lúa và cùng xuống mạ một thời điểm, trong khi đó diện tích lúa khu vực lân cận vẫn phát triển sinh trưởng bình thường.

Mặc dù Công ty CP KCN Sài Gòn - Bắc Giang khẳng định là không xả thải vào diện tích lúa nói trên nhưng kiểm tra hiện trạng thì thấy có nước mưa chảy tràn từ nhà máy vào diện tích lúa bị ảnh hưởng.

Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang Nguyễn Anh Quyền khẳng định: “Nếu nguyên nhân là do ô nhiễm từ KCN Quang Châu thì Công ty CP KCN Sài Gòn - Bắc Giang phải chịu trách nhiệm”.

mat mua dau chi tai thien tai
Lúa bị lép bông ở Việt Yên, Bắc Giang

Ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, cây lúa cũng đang bị nước thải từ cụm công nghiệp Tân Hồng uy hiếp. Tại cụm công nghiệp này, hàng loạt doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Mùi hôi thối bốc lên từ con kênh thủy lợi chạy dọc theo tuyến đường tỉnh 392. Nước tại các kênh nhánh dẫn nước vào tưới tiêu cho đồng ruộng có màu đen kịt, thậm chí bèo thả trên mặt nước nhiều chỗ cũng úa vàng và bị chết.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phong, (xã Tân Hồng) Phạm Văn Ấm nói rằng: Hợp tác xã có trên 300ha lúa, muốn lấy nước để làm đòng nhưng nước thải từ các công ty ở trong cụm công nghiệp hằng ngày xả ra hệ thống kênh tưới tiêu khiến nước trong các kênh dẫn đã thành màu đen xì, hôi thối, ô nhiễm; người dân không thể lấy nước lên tưới cho lúa được. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này thì năng suất vụ lúa này sẽ bị ảnh hưởng rất nặng.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương, nước ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước xung quanh cụm công nghiệp này mà còn chảy ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải rồi lại chảy vào một loạt các kênh nhánh và chịu ảnh hưởng nặng nề. Tiến hành quan trắc, phân tích môi trường nước ở 17 tuyến kênh trên địa bàn thì thấy hầu hết đã bị ô nhiễm, nhiều thông số vượt quy chuẩn từ 1,1 đến 8,7 lần. Nguyên nhân là do nước thải từ các cụm công nghiệp xả vào hệ thống kênh thủy lợi; nước ô nhiễm từ đầu nguồn ở Hà Nội, Hưng Yên đổ vào hệ thống và chảy về Hải Dương.

Nhiều doanh nghiệp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt, chưa có giấy phép xả nước thải ra hệ thống thủy lợi. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã lập biên bản và xử phạt mỗi doanh nghiệp khoảng 60 triệu đồng. Mặc dù đã có yêu cầu dừng hoạt động và bị xử phạt hành chính nhưng những doanh nghiệp vẫn lén lút hoạt động. Người dân ở đây chỉ biết mong chờ vào những cơn mưa lớn để tưới lúa và hy vọng mưa sẽ góp phần làm giảm sự ô nhiễm của các kênh thủy lợi này.

Vụ lúa xuân 2017, Hà Tĩnh có gần 20.300ha lúa gieo cấy bị bệnh đạo ôn cổ bông phá hoại nghiêm trọng. Hậu quả khiến người nông dân mất trắng hơn 100.000 tấn lúa, trị giá khoảng 600 tỉ đồng. Đây là vụ mất mùa chưa từng xảy ra tại Hà Tĩnh. Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh giải trình là nguyên nhân do thời tiết thay đổi thất thường, bệnh đạo ôn bùng phát.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nêu câu hỏi: “Tại sao mấy tỉnh miền Trung thời tiết na ná nhau mà Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An được mùa cả, riêng Hà Tĩnh lại mất mùa?”.

Bí thư Tỉnh ủy phê bình cán bộ lãnh đạo, phụ trách khối nông nghiệp của tỉnh buông lỏng, vô cảm trong cả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai vụ mùa, đặc biệt là công tác đối phó dịch bệnh. Ông nói gay gắt: “Làm đề án sản xuất cho vui, triển khai xong là xong; giống về bao nhiêu, dân bỏ ra bao nhiêu không nắm được; công tác theo dõi dịch bệnh, dịch hại quá sơ sài; dịch bệnh xảy ra tràn lan nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có văn bản nào tham mưu cho tỉnh, UBND tỉnh cũng không có chỉ đạo nào sát sao”.

Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đang giao cho UBND tỉnh phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, không thể để vụ việc như thế mà không ai chịu trách nhiệm.

Doanh nghiệp xả thải làm hỏng lúa, hại dân. Cán bộ tắc trách vô cảm cũng để dân chịu cảnh mất mùa. Không lẽ những cơ quan quản lý không có những biện pháp xử lý nghiêm minh.

Ngọc Linh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc