Martin và Mitchell - hai kẻ đào tẩu "nổi tiếng" (Kỳ 2)

07:07 | 15/09/2013

1,325 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi Thượng nghị sĩ Hiubert Hamfri buộc tội Liên Xô khiêu khích chống lại máy bay Mỹ, Martin và Mitchell nảy sinh nghi ngờ, ngay cả các nghị sĩ nước này cũng không hay biết về nhiệm vụ thực sự của chiếc C-130 bị bắn rơi cũng như chiến dịch bí mật chống Liên Xô. Họ quyết định công bố cho các nghị sĩ biết về chúng, dù biết rằng, khi tiết lộ các thông tin tuyệt mật này, họ có khả năng bị ngồi tù tới 10 năm.

>> Martin và Mitchell - hai kẻ đào tẩu “nổi tiếng” (Kỳ 1)

Kỳ 2: Kết cục được báo trước

Bernon Mitchell năm 1960

Hai người tới gặp nghị sĩ Vaini Haiz, bởi chính ông này là người đã công khai nghi ngờ Bộ Ngoại giao đưa thông tin không đầy đủ về chiếc máy bay bị bắn rơi tại phiên điều trần trước nghị viện. Thật trớ trêu, vào đúng thời điểm họ kể cho Haiz nghe về những nhiệm vụ bí mật của chiếc C-130, thì ông này lại có điện thoại từ trợ lý về liên lạc với các nghị sĩ của Ngoại trưởng Mỹ Wiliam Maccomber. Wiliam yêu cầu Haiz không đưa vấn đề chiếc máy bay bị bắn rơi ra công khai nữa. Nghe điện thoại xong, Haiz hứa với Martin và Mitchell sẽ bắt đầu điều tra trong nghị viện, nhưng thỏa thuận rằng, điều đó còn phụ thuộc vào “quyết định của các cấp trên của ông ta”.

Sau này, khi Martin và Mitchell đã chạy sang Liên Xô, các ngành bí mật Mỹ đã làm rõ rằng, Haiz chỉ kể lại cuộc trò chuyện trên với người đứng đầu Ủy ban về vấn đề quốc tế của Hạ viện Mỹ Thomas Morgan một cách ngắn gọn, rồi sau đó cố quên đi. Haiz nghĩ rằng, Martin và Mitchell do CIA phái tới để kiểm tra xem ông ta có biết giữ bí mật hay không.

Phía Mỹ cũng làm sáng tỏ rằng, Martin và Mitchell có ý định chạy sang Liên Xô từ giữa năm 1959, nhưng họ còn chờ thời cơ. Hơn nữa, vào thời điểm đó, Martin đang gặp may - anh ta được cử đến Trường Tổng hợp Illinois để hoàn thiện kiến thức toán học của mình theo thư giới thiệu của người đứng đầu cơ quan nghiên cứu khoa học của NSA - Xolomon Culbac. Tại đây, Martin nghiên cứu toán học và cả tiếng Nga.

Trong tháng 12/1959, Martin và Mitchell đã vi phạm quy định của NSA khi họ bay sang Cuba vài ngày. Tại đây, như các nhà sử học của các ngành đặc biệt suy đoán, lần đầu tiên họ tiếp xúc với các đại diện của Liên Xô. Sau chuyến đi này, Martin trở về Illinois, còn Mitchell thì quay về NSA. Tháng 7/1960, Martin học xong ở Illinois và trở về. Hai người đã nộp đơn xin nghỉ phép 2 tuần và còn đề nghị xin nghỉ thêm 1 tuần nữa để thăm cha mẹ.

Trưa ngày 25/7/1960, Martin và Mitchell đã ngồi trên máy bay ở sân bay quốc tế Dallas tại Washington. Họ không về thăm cha mẹ, người thân mà qua New Orlean đến Mexico. Và họ “đã trở thành hai kẻ đào tẩu quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ” - nhà nghiên cứu NSA Jeims Bamford đã viết như thế 22 năm sau sự kiện này.

Ở Mexico, họ đăng ký nghỉ ở khách sạn 2 tuần, nhưng chỉ đến ngày hôm sau họ đã rời khỏi đó đi Havana trên chuyến bay của Hãng hàng không Kubana. Và từ đây, trên chiếc tàu vận tải biển, họ sang Odessa. Rồi máy bay đưa họ về Moskva.

Đến ngày 26/7, ở NSA, người ta mới phát hiện ra việc họ mất tích. Lãnh đạo phòng của họ cố tìm kiếm hai nhân viên của mình ở nhà họ tại Lorel, rồi liên lạc với gia đình họ. Sau đó, sự việc được báo cáo lên Giám đốc nhân sự của NSA Mauris Klein, ông này lại báo cáo tiếp cho lãnh đạo ngành an ninh của NSA Uis Reinolds. Ngay lập tức, Reinolds bắt đầu cuộc điều tra bí mật và nhanh chóng làm sáng tỏ hành trình của hai kẻ chạy trốn tới Cuba. Các nhân viên ngành an ninh NSA đã đột nhập căn hộ của Mitchell mà không có lệnh khám xét. Ở đó, họ chú ý ngay đến chiếc chìa khóa ngăn kéo của ngân hàng được để ở vị trí dễ phát hiện nhất.

Nhân viên NSA lập tức liên hệ với cảnh sát Meriland và nhận được phép của tòa án cho mở ngăn kéo đó. Trong ngăn, họ tìm thấy một phong bì, bên ngoài phong bì có viết lời đề nghị công bố bức thư kêu gọi đồng bào được đặt trong đó. Đấy chính là bản sao lời tuyên bố mà hai người đọc ở Moskva. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định không công bố bức thư đó.

Đến ngày 1/8/1960, Lầu Năm Góc mới thông báo về sự biến mất của hai nhân viên NSA. Năm ngày sau họ tuyên bố rằng, có thể hai người “đang trốn sau “bức rèm sắt”. Sau đó, các đại diện của Lầu Năm Góc tuyên bố công khai rằng không có thiệt hại gì đáng kể, bởi hai kẻ đào tẩu “không được phép tiếp cận tài liệu mật về vũ khí của Mỹ và hệ thống phòng thủ”.

Ngay sau ngày diễn ra cuộc họp báo tại Moskva, bài xã luận của tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Aizenhauer “đã gọi họ là hai kẻ phản bội tự vạch trần mình”, còn cựu Tổng thống Truman cho rằng họ cần bị xử bắn.

Đầu năm 2007, Lầu Năm Góc và NSA đã giải mật các tài liệu điều tra vụ hai kẻ đào tẩu. Sau khi thẩm vấn hơn 450 người, các ngành bí mật Mỹ nhận thấy, Martin và Mitchell chạy sang phía bên kia “bức rèm sắt” vì những lý do tư tưởng. Bạn bè và người thân của hai người này cho biết, Martin và Mitchell thường tỏ thái độ bất đồng với chính sách của chính phủ và từng ám chỉ việc sẽ bỏ trốn. Các ngành đặc biệt đã phát hiện rằng, lãnh đạo NSA không hay biết gì về chuyến đi nghỉ ở Mexico và Cuba vào năm 1959 của họ. Ngay từ khi đó, Martin và Mitchell đã có thể chạy trốn, nhưng theo thông tin mà NSA thu thập được, “người Nga không mấy quan tâm đến họ”.

Wiliam Martin cuối những năm 50

Hai năm sau ngày bỏ trốn, vào cuối tháng 6/1962, Wiliam Martin đã gặp và trò chuyện trong vài giờ với một phóng viên Hội Nhà báo Mỹ tại một quán cà phê ở Leningrad. Martin thừa nhận với phóng viên này: “Tôi hiểu rằng đó là hành động thiếu suy nghĩ, nhưng tôi không tiếc nuối”. Martin còn giải thích cho phóng viên này một lần nữa rằng, anh ta bỏ chạy sang Liên Xô để bày tỏ thái độ chống lại những chuyến bay do thám của Lầu Năm Góc gần biên giới Liên Xô. “Bây giờ tôi hiểu rằng, mình đã có thể chọn phương thức phản đối khác”.

Martin kể, tháng 10/1960, anh ta đã cưới một cô gái Nga 29 tuổi quen ở Gagra. Martin phàn nàn rằng, chính quyền Xôviết đã không thực hiện lời hứa cho phép anh ta có thể tự do chọn cho mình nơi cư trú khi từ chối đề nghị chuyển từ Leningrad đến Moskva sinh sống của anh. Theo lời Martin, anh ta đang làm việc ở Viện Nghiên cứu toán học Steclov, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga và đang viết luận án phó tiến sĩ về thống kê. Chính quyền Xôviết trả cho anh ta 500 rúp một tháng (thời bấy giờ, 500 rúp ngang bằng 550USD) – gần bằng tiền lương khi anh còn làm việc ở NSA (7.500USD/năm).

Martin cũng kể về một số “đặc ân mà anh ta được ban tặng”: được nhận báo chí Mỹ thường xuyên và đươc phép đổi tiền rúp sang ngoại tệ để có thể đặt mua đồ ăn và thuốc men từ nước ngoài. Đến đầu năm 1963, Martin và vợ cũng được chuyển về Moskva sinh sống. Tháng 7 năm đó, hai người ly hôn. Theo một số tin tức, Martin bắt đầu uống rượu.

Chúng ta sẽ được biết đến thời gian hậu chạy trốn của Mitchell qua hồi ký của vợ anh ta - Galina Martin. Năm 1961, Galina kết thúc nghiên cứu sinh tại Khoa Piano Nhạc viện Leningrad và làm trợ giảng cho thầy giáo của mình là Giám đốc Nhạc viện, nghệ sĩ nhân dân Liên Xô, nghệ sĩ piano nổi tiếng thời bấy giờ Pavel Serebriacov. Một lần, ông đề nghị Galina dạy kèm cho một người lạ, không hề biết một từ tiếng Nga nào. Galina Vladimirovna không biết tiếng Anh và đã từ chối. Song, vị giáo sư cứ nài nỉ và cô đành phải đồng ý.

Mitchell và Galina năm 1962

Galina nhớ lại: “Tôi hiểu rằng vấn đề này đã được quyết định từ trước khi có cuộc trò chuyện của giáo sư với tôi”. Người học trò đó chính là Bernon Mitchell. Anh ta sống trong căn hộ rộng rãi ngay đối diện ký túc xá của nhạc viện. Anh ta tỏ ra là một học trò không tồi khi tiếp thu bài nhanh và chơi có hứng thú.

Xung quanh anh ta luôn có 3 cô gái xinh đẹp - đó là người phiên dịch, cô giáo tiếng Nga và một “kỹ sư Vera nào đó quen biết”. Với cô Vera này, hình như anh ta có mối quan hệ tình cảm nào đấy. Nhưng rồi mối tình đó tan vỡ sau khi mẹ cô gái tỏ ra rất quan tâm đến thu nhập của Mitchell. Một thời gian sau, cô giáo dạy piano được mấy người “nào đó” mời đến nói chuyện. Họ yêu cầu cô kể về các vấn đề của “học trò” của cô. Họ hứa sẽ giải quyết chúng một cách ổn thỏa.

Những người này đề nghị cô làm điều gì đó cho Mitchell để anh ta có thể mở lòng với cô và sẽ tâm sự gì đó. Dần dà, Galina hiểu những người này là ai và họ muốn gì. Cô nghĩ vai trò này rõ ràng không phải dành cho cô. Cô đã kể cho Mitchell nghe về những cuộc gặp gỡ này và thông tin đó làm Mitchell bối rối. Ít ngày sau, Galina nhận được giấy gọi đặc biệt tới gặp Bí thư thứ nhất Thành ủy Leningrad. Tại phòng làm việc của thành ủy, Bí thư thứ nhất và hai nhân viên KGB thóa mạ và đe dọa cô gái, nào là trục xuất khỏi Leningrad, nào là khai trừ đảng, nào là “chúng tôi không cần những đảng viên như thế”. Và Galina đã “bật” lại.

Sau phản ứng của cô, Bí thư thứ nhất đột ngột thay đổi giọng nói. Ông ta ôm vai cô và hứa hẹn mọi việc sẽ tốt đẹp. Cuộc gặp dừng lại ở đó. Một năm sau, Galina và “cậu học trò” cưới nhau. Họ chung sống với nhau tới 40 năm. Mitchell dạy ở Trường Tổng hợp Leningrad. Galina trở thành chủ nhiệm khoa piano của nhạc viện. Họ được phân một căn hộ tiện nghi ở trung tâm thành phố. Vào cuối những năm 70, Galina bỗng nhiên bị bãi chức chủ nhiệm khoa. Trong giới âm nhạc thành phố, người ta đồn rằng đó là do chồng cô.

Vào đầu tháng 6/1978, trên báo chí Mỹ đưa tin “ kẻ đào tẩu Mitchell muốn trở về Mỹ”, trong đó trích dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Mitchell nhiều lần tới sứ quán Mỹ. Bản tin đặc biệt nhấn mạnh, Mitchell đã không bị cảnh sát bảo vệ sứ quán bắt giữ, có nghĩa là các cuộc “viếng thăm” của anh ta đã “được thỏa thuận với chính quyền”. Các cuộc trò chuyện ở đại sứ quán xoay quanh khả năng cho cựu nhân viên NSA có thể quay về Mỹ. Trước đó, trong năm 1977, như đã thấy qua các bức điện báo gửi từ đại sứ quán cho Bộ Ngoại giao mới được giải mật, Mitchell có vài lần gọi điện đến tổng lãnh sự và đại sứ quán.

Sau đó một tháng, đại sứ quán báo cáo về Bộ Ngoại giao rằng, Mitchell dự định đến Đại sứ quán Australia tại Moskva, nhưng cảnh sát đã ngăn anh ta vào. Ngày hôm sau, Mitchell gọi từ Leningrad đến Đại sứ quán Australia và đề nghị trong lần sau nhân viên đại sứ quán hãy giúp anh ta “qua mặt” cảnh sát. Nhưng các nhân viên Đại sứ quán Australia từ chối. Đến tận năm 1980, hai kẻ đào tẩu mới bị tước quốc tịch Mỹ.

Năm 2007, ở Mỹ, những tài liệu của NSA, bao gồm cả những tin tức tình báo về cuộc sống của hai kẻ bỏ trốn ở Nga trước năm 1975, đã được giải mật. Chúng cho thấy rằng, cả hai người đã cố tìm cách trở về Mỹ trong điều kiện không bị tống vào tù. Martin và Mitchell cùng gia đình của họ từng chất vấn chính quyền Mỹ: hai người này có bị ra tòa không, nếu họ tự nguyện quay về Mỹ. Chính quyền trả lời rằng sẽ không có cáo buộc hình sự nào với họ, nên họ có thể trở về. Nhưng, vào thời điểm đó, hai người này lại cho rằng đó là cái bẫy của chính quyền Mỹ để dụ họ quay về. Và khi đó, họ sẽ bị buộc tội phản quốc, bị đe dọa tử hình.

Xét theo những nỗ lực liên lạc với Đại sứ quán Mỹ của Mitchell và Martin sau này, vào những năm 1977-1979, họ đã không còn sợ bị trừng trị nữa. Tuy nhiên, vào thời gian đó, chính quyền Mỹ đã không muốn họ trở về. Các tài liệu mật chỉ ra rằng, cả Martin và Mitchell đều áp dụng các biện pháp không chính thức để tìm cách trở về cố quốc. Có thông tin rằng, Mitchell đã gặp gỡ với Bernard Oliver - nhân viên khoa học chủ chốt của Hãng Hiullet- Pakkard thường trú tại Liên Xô và yêu cầu anh ta giúp đỡ. Mitchell nói với Oliver rằng, anh ta và Martin chỉ giúp Liên Xô “bảo vệ hệ thống mật mã bí mật khỏi bị bẻ khóa, chứ không giúp Liên Xô bẻ khóa mật mã của Mỹ”.

Tài liệu cuối cùng được giải mật của Bộ Ngoại giao cho biết: Dù sao, W.Martin cũng đã rời khỏi Liên Xô và chết vì bệnh ung thư hồi tháng 1/1987 ở Quân y viện Del Mar ở thành phố Tuhuana, Mexico. Martin được mai táng trên lãnh thổ Mỹ, song chính xác ở chỗ nào thì không được thông báo.

Bernon Mitchell qua đời năm 2001 ở Sant-Peterburg và được an táng ở đó.

Phương Nam
(theo “Tuyệt mật”)
 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps