Maroc sẽ là miền đất hứa mới của Trung Quốc?

06:55 | 19/03/2017

1,936 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã đầu tư và quảng bá mạnh về mọi mặt cho Maroc. Đâu là những lợi ích kinh tế đặc biệt mà Maroc đem lại cho Trung Quốc? Nhà phân tích kinh tế và chuyên gia về Hán ngữ Thierry Pairault sẽ chỉ ra những cơ hội mà Trung Quốc gặt hái được khi thông qua Maroc để bắc cầu đến thị trường châu Âu và các nước châu Phi nói tiếng Pháp.

Thierry Pairault là Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc đương đại của Trường Khoa học Xã hội cao cấp Pháp (École des hautes études en sciences sociales - EHESS). Là nhà kinh tế học và cũng là chuyên gia về Hán ngữ, ông có mối quan tâm đặc biệt đến quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi, nhất là khu vực Maghreb (gồm Maroc, Algeria và Tunisia). Ông còn là tác giả cuốn sách nổi tiếng viết về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Algeria.

maroc se la mien dat hua moi cua trung quoc
Quốc vương Maroc Mohammed VI và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hội đàm tại Bắc Kinh tháng 5-2016

Đài RT: Các quan chức và nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng thường xuyên lui tới với Maroc. Đài Truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng phát sóng nhiều phóng sự về du lịch và văn hóa Maroc. Một hội hữu nghị các nghị sĩ hai nước đã được ra đời... Tại sao Trung Quốc lại quan tâm và ưu ái với Maroc như đã từng làm với Algeria, đối tác lớn của Bắc Kinh tại vùng Maghreb?

Thierry Pairault: Nguyên nhân làm cho Trung Quốc bắt tay giao hữu với Algeria và gần đây là với Maroc vào năm 2016 đang ngày càng rõ ràng hơn. Trung Quốc muốn làm mới hình ảnh bản thân và nâng cao vị thế trên trường quốc tế bằng cách mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của mình. Algeria là cầu nối để Trung Quốc đến gần với các nước châu Phi. Trước mắt, Trung Quốc muốn khuếch trương các chính sách ngoại giao và hệ tư tưởng ra toàn cầu. Sau đó, Bắc Kinh sẽ mở rộng sang lĩnh vực kinh tế. Nhưng Algeria không đáp lại tham vọng kinh tế của Trung Quốc.

Chính phủ Algeria cho phép Trung Quốc đến xây dựng nhưng lại không thực sự khuyến khích Trung Quốc nhúng tay vào sự nghiệp công nghiệp hóa của mình. Điển hình như trong ngành sản xuất ôtô. Hai nước đối đầu nhau về vấn đề vùng kinh tế đặc biệt, mỗi nước đều có quan điểm riêng hoàn toàn trái ngược nhau. Cho nên, Trung Quốc ít hào hứng với Algeria và hiện nay mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước này không còn phát triển như chúng ta tưởng, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Bối cảnh hiện nay không thích hợp để Trung Quốc có thể đẩy mạnh quan hệ với Algeria. Ngược lại, mặc dù Maroc ít phát triển hơn Algeria nhưng họ lại tỏ ra năng động hơn trong kinh tế.

Maroc có chiến lược phát triển công nghiệp tại Địa Trung Hải và thương mại hàng hải. Cảng Tanger (phía bắc Maroc), cảng trung tâm đứng thứ 3 trên thế giới, chính là điểm sáng thu hút Trung Quốc. Tôi nói đến 3 cảng biển trung tâm của thế giới, đó là Thượng Hải, Panama và Tanger vì chúng là đầu mối lưu thông chính trong khu vực và thế giới. Không phải là Algeria. Không phải kênh đào Suez (Ai Cập). Và cũng không phải cảng Cape Town (Nam Phi). Mặc dù lưu lượng giao thông tại đây không tấp nập bằng Suez hay Cape Town nhưng Tanger lại là điểm nút giao thông có đầy tiềm năng phát triển.

Chúng ta thấy rằng, hiện nay lượng xe ôtô Maroc bán sang châu Âu cũng bằng với Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhanh chóng nhận thấy lợi ích này từ Maroc. Ngoài ra, Maroc không chỉ giúp Trung Quốc tiếp cận thị trường châu Âu, mà còn giúp ích cho tham vọng chính trị Trung Quốc là khu vực châu Phi, nhất là các nước châu Phi nói tiếng Pháp. Về phía Maroc, họ cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính dồi dào. Mối quan hệ giữa các nước châu Phi và những ngân hàng lớn tại Maroc rất chặt chẽ, vì Maroc có sự yểm trợ của Công ty Dịch vụ tài chính Société Générale, ngân hàng phương Tây đầu tiên tại Bắc Phi.

Maroc gần như hội đủ các điều kiện để mang Trung Quốc đến gần khu vực Bắc Phi. Mặt khác, phía sau các ngân hàng ở Maroc là Công ty Société Générale của châu Âu, việc này cũng nằm trong chiến lược kinh tế của Trung Quốc để thuận lợi tiếp cận châu Âu. Đây là điểm khác biệt của Maroc so với các nước khác trong khu vực mà Trung Quốc đã nhắm đến.

Chọn Maroc, Trung Quốc không những có thể di dời các doanh nghiệp lớn của mình sang Maroc (như đã làm ở châu Á và một số nước châu Phi), mà còn chuyển đổi cả các nhà thầu phụ của các doanh nghiệp đó. Đó là sự chuyển đổi mà các công ty phương Tây đã làm trong ngành ôtô và hàng không. Ví dụ như các Hãng sản xuất ôtô Peugeot và Renault (Pháp) có thể tìm thấy chi nhánh của mình tại Maroc.

Việc tiếp cận Maroc theo cách trên cho thấy, Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể trong chính sách kinh tế, đó là thay đổi các mô hình đại công ty sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như là có cách tiếp cận mới với châu Âu và Bắc Phi.

RT: Trong bối cảnh thuận lợi này, có phải sắp tới Maroc sẽ có vị trí quan trọng trong chiến lược “Con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc không?

Thierry Pairault: Trước hết, không phải chuyện gì cũng đều quy chụp về “Con đường tơ lụa”. Nếu nhìn vào bản đồ dự án, ta sẽ thấy “con đường” kết nối xuyên suốt cả 3 lục địa Á - Âu - Phi. Trong đó có điểm trung gian là Cộng hòa Djibouti (ở miền Đông châu Phi). Nước này có thủ đô là một thành phố cảng nhưng không phải là điểm trung chuyển với các nước khác. Trong danh sách các nước mà Trung Quốc đầu tư xây dựng “Con đường tơ lụa” không có nước nào thuộc châu Phi. Chúng ta phải hiểu rằng, chính tên gọi “Con đường tơ lụa mới” vẫn là một thứ còn khá mơ hồ với Trung Quốc và các quan sát viên. Đó đơn giản chỉ là một hoạt động mà trong đó châu Phi vẫn chưa chính thức được tham dự vào. Cho nên, chuyện đang xảy ra ở Maroc có thể cũng không hoàn toàn là vì chiến lược này của Trung Quốc.

Mãi đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, cả 2 nước vẫn ít có quan hệ, trừ việc mua bán trà. Và Maroc cũng không ý thức được lợi thế của mình để gắn kết quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta không thể biết chuyện gì trong tương lai. Nếu nói rằng, Maroc có liên quan đến “Con đường tơ lụa” thì chẳng khác nào nói Trung Quốc thấy trước được tương lai của Địa Trung Hải. Điều đó là không thể. Đối với Trung Quốc, Địa Trung Hải là tuyến đường nối liền với châu Âu. Tôi nghĩ rằng, lúc này chúng ta không thể ghép Maroc vào “Con đường tơ lụa”.

RT: Maroc có trở thành nước có nền kinh tế phát triển trong vùng Maghreb không?

Thierry Pairault: Nếu xét riêng về chỉ số GDP bình quân đầu người thì Maroc bằng một nửa Algeria (nước đã được Trung Quốc dìu dắt trước). Về chỉ số phát triển con người, Algeria cũng có cùng chỉ số với Trung Quốc, có lần còn vượt qua, còn Maroc vẫn thua xa. Maroc chưa thể có đủ sức mạnh để trở thành cường quốc trong khu vực. Trong thời gian ngắn và trung hạn, thách thức của Maroc là chứng tỏ những đổi thay của đất nước, thể hiện tính năng động của nền kinh tế. Xét về mặt dài hạn, để thực sự thành cường quốc trong khu vực, họ cần hết sức nỗ lực để phát triển, nhất là trong công nghiệp và không để bị trượt dốc như Algeria hiện nay.

S.Phương (tổng hợp)