Marketing - chiến lược quan trọng cho du lịch Việt Nam

19:19 | 06/11/2015

1,195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được xem là ngành “xuất khẩu tại chỗ”, ngành Du lịch ở các nước trên thế giới luôn được đầu tư đáng kể vào marketing, đào tạo và phát triển sản phẩm. Không nằm ngoài quy luật đó, Chiến lược marketing du lịch được đánh giá là một trong những chiến lược thành phần quan trọng nhất để vực dậy những yếu kém, hạn chế mà ngành du lịch Việt Nam còn đang vướng phải.

Trên thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành khu vực kinh tế sôi động, kéo theo hoạt động du lịch cũng đang hết sức nhộn nhịp, thu hút dòng khách lớn cả trong và ngoài khu vực. Các nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan liên tục có sự đổi mới về sản phẩm, thương hiệu được gây dựng bài bản và đã dần trở thành “thương hiệu” được nhận diện rõ rệt hơn cả trong hình ảnh chung của du lịch khu vực Đông Nam Á.

Song song với các chính sách cạnh tranh về giá, cạnh tranh về các giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch, cạnh tranh về tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận điểm đến đang là một trong những xu thế mới. Chính sách miễn visa giữa các nước nội khối ASEAN cũng khiến cho môi trường cạnh tranh du lịch nội khối khốc liệt hơn.

Quan trọng hơn cả, chính phủ các nước trong khu vực hầu như đầu tư cho hoạt động marketing khá bài bản, chuyên nghiệp và liên tục trong suốt hơn 20 năm qua. Du lịch được công nhận là ngành “xuất khẩu tại chỗ”, do đó chính phủ các nước đầu tư đáng kể vào marketing, đào tạo và phát triển sản phẩm.

marketing chien luoc quan trong cho du lich viet nam

Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trong khi đó, Thương hiệu du lịch Việt Nam đến nay vẫn còn khá mờ nhạt, thiếu tính ổn định, chưa khẳng định vị trí vững chắc trên bản đồ du lịch thế giới.

Ngành du lịch của chúng ta còn tồn tại rất nhiều hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, phát triển sản phẩm. Trong khi thế giới đang thịnh hành xu thế marketing và thương mại điện tử, thì lĩnh vực này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Hoạt động marketing diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính chủ động do thiếu ngân sách và nguồn lực. Tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm công tác xúc tiến du lịch còn hạn chế. Dịch vụ thiếu tính cạnh tranh; công tác nghiên cứu thị trường chỉ thực hiện trên quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp. Công tác xúc tiến du lịch vẫn còn rời rạc, chưa có tính đột phá phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Tổng cục Du lịch, Chiến lược marketing du lịch nhấn mạnh vào yếu tố đầu tư. Việc đầu tư cho công tác marketing điểm đến và xây dựng thương hiệu du lịch của quốc gia là điều kiện tiên quyết.

Cụ thể, dịch chuyển từ chú trọng hỗ trợ cho xúc tiến tại các hội chợ, triển lãm thương mại du lịch sang marketing điện tử, trong đó phải kể đến việc tăng cường đầu tư và phát triển các trang web vừa cung cấp thông tin du lịch vừa tiếp nhận phản hồi của người dùng và kết nối với các hệ thống tìm kiếm cũng như các mạng xã hội đang phổ biến hiện nay. Thay thế các tập gấp, sách giới thiệu quảng cáo truyền thống bằng các dữ liệu trực tuyến, tài liệu có thể tải xuống dễ dàng từ mạng internet. Tranh thủ cơ hội đăng cai các sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới như sự kiện thể thao, văn hoá, nghệ thuật, triển lãm nổi tiếng. Tăng cường nghiên cứu thị trường; nâng cao hợp tác, liên kết marketing du lịch giữa quốc gia, vùng; cải thiện cơ chế phối hợp khu vực nhà nước và tư nhân trong marketing du lịch...

Xác định marketing tại chỗ vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa lâu dài nhằm định vị Việt Nam như là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong cảm nhận của khách du lịch quốc tế, nâng cao nhận thức về sự đa dạng của sản phẩm du lịch Việt Nam và các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, kích cầu thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, thu hút du khách quay lại với nhiều trải nghiệm khác nhau, từ đó dần tạo nên tác động tích cực đối với thị trường khách quốc tế đối với Du lịch Việt Nam.

Nguyên Phương