Kỳ họp thứ sáu khóa XIV HĐND TP Hà Nội:

Mạnh tay với tình trạng bỏ hoang đất dự án

14:35 | 05/12/2012

903 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sáng 5/12, HĐND TP Hà Nội khóa XIV tiếp tục làm việc, buổi làm việc ngày thứ ba này là phiên chất vấn với vấn đề quán lý đất đai, trong đó các tập trung vào việc Hà Nội có quá nhiều dự án “treo” nhưng quyết định thu hồi lại ì ạch. Nhiều đại biểu muốn UBND TP Hà Nội làm rõ việc nhiều doanh nghiệp được gia hạn nhiều lần nhưng chưa bị thu hồi đất.

>> Giá đất cao nhất Hà Nội là 81 triệu đồng/m2

Trước khi chất vấn, HĐND Thành phố đã nghe Thường trực HĐND Thành phố báo cáo tóm tắt tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu HĐND Thành phố và thông báo nội dung chất vấn.

Qua tổng hợp, các ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp này của HĐND Thành phố chủ yếu xoay quanh các nhóm vấn đề về việc quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đền bù khi thu hồi đất; quản lý đô thị; y tế, giáo dục, văn hoá; chế độ, chính sách; hoạt động của chính quyền, đoàn thể cấp thôn, xã; đầu tư cho nông thôn và xây dựng nông thôn mới...

Dựa trên những kiến nghị này và các ý kiến chất vấn trực tiếp của đại biểu HĐND Thành phố gửi tới kỳ họp, HĐND Thành phố đã quyết định thực hiện việc chất vấn với Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quang Sáng quanh 4 nhóm vấn đề: Quản lý đất đai, dự án; Quản lý trật tự xây dựng, đô thị; Xây dựng chính quyền; Văn hóa xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh: Quan điểm của thành phố là xử lý dự án để đất hoang hóa không trừ một ai, kể cả công ty của Nhà nước.

 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, báo cáo một loạt thành tích đã đạt được trong thời gian qua trong việc quản lý đất đai trên địa bàn. Ông Khanh cho biết, từ năm 2009 đến nay Hà Nội đã đưa ra những kế hoạch tổng thể để giải quyết những dự án không đảm bảo tiến độ. Cụ thể, đến thời điểm này Hà Nội đã thanh tra 882 tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Qua đó, thành phố đã phát hiện gần 800 tổ chức có vi phạm ở các mức độ khách nhau. Với các tổ chức vi phạm đó, thành phố đã giúp đỡ 511 tổ chức sử dụng đất tự khắc phục; giúp 132 tổ chức tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng; xử phạt hành chính hơn 100 tổ chức; thu hồi đất của hơn 45 tổ chức với tổng diện tích hơn 800 ha.

Ngay sau khi Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh báo cáo, nhiều đại biểu cảm thấy chưa hài lòng với bản báo cáo này. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng: “Báo cáo của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh không nêu cụ thể về thời gian thu hồi các dự án treo để đại biểu và cử tri dễ dàng giám sát. Đề nghị thành phố phải có thái độ rõ ràng với việc thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệm nhưng chậm triển khai. Quan điểm của tôi dự án treo quá lâu thì phải thu hồi lựa chọn nhà đầu tư mới. Đối với những dự án cố tình cố tình kéo dài thời gian thi công xây dựng phải kiên quyết xử lý mới đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nếu không làm như vậy thì các dự án sau gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng”.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai: Thành phố cần ấn định thời hạn cụ thể về việc thu hồi dự án treo.

Trước câu hỏi của đại biểu Thanh Mai, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh lý giải rằng: “Trong văn bản giao cho các sở ngành đã ấn định thời gian xử lý các dự án treo. Trường hợp cụ thể thì nêu trong các cuộc giao ban. Công tác quản lý Nhà nước là không trừ một ai từ công ty Nhà nước đến các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân nếu vi phạm đều phải xử lý”.

Còn đại biểu Nguyễn Hoài Nam băn khoăn: “Khi thu hồi đất của dân để giao cho dự án xây dựng các công trình phúc lợi, nhà cao tầng... thì làm rất quyết liệt, thậm chí còn cưỡng chế. Còn việc thu hồi các dự án vi phạm pháp luật lại ì ạch. Phải chăng có vấn đề gì ở đây?; Làm thế nào để đảm bảo sự công bằng?; Chủ đầu tư năng lực kém có quyết liệt thu hồi dự án hay không?”.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng yêu cầu thành phố làm rõ việc giao đất cho chủ đầu tư yếu kém, quy hoạch sử dụng đất còn chưa chặt chẽ và hầu hết các dự án là chỉ định thầu. Nếu chủ đầu tư tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất cũng phải nêu trách nhiệm cụ thể thuộc về ai.

Trả lời những băn khoăn của đại biểu Nam, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho hay: “Nguyên nhân của tình trạng dự án hoang hóa là do chủ đầu tư không gương mẫu vi phạm pháp luật. Tình hình kinh tế khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án treo. UBND thành phố tuyệt đối không có chuyện thu hồi đất của dân thì làm quyết liệt, còn đối với doanh nghiệp để đất hoang hóa lại làm nhẹ nhàng. Tất cả các tổ chức, cá nhân, đơn vị đều bình đẳng trước pháp luật. Vi phạm của họ đến mức nào thì xử lý đến mức đó. Giải phóng mặt bằng bao giờ cũng bảo vệ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp”.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: Thu hồi đất của dân thì làm quyết liệt, còn đối với doanh nghiệp để đất hoang hóa lại làm nhẹ nhàng.

 

“Cơ quan Nhà nước nào bao che, bảo kê, dung túng các doanh nghiệp vi phạm sẽ sẵn sàng cho thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định của luật. Có lúc, có nơi quản lý đất đai chưa tốt. Cán bộ vi phạm quản lý đất đai, Hà Nội đã xử lý từ khiển trách, cảnh cáo, thậm chí xử lý hình sự” - Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Xuân Diên nêu, việc thu hồi 840ha đất là con số rất ấn tượng. Nhưng chỉ một dự án lớn bị treo cũng bằng diện tích thành phố mất nhiều năm thu hồi. Ông Diên yêu cầu thành phố phải làm rõ các dự án vi phạm nhưng được cơi nới thêm thời gian thực hiện.

Trước những băn khoăn của đại biểu Diên, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh giải đáp rằng: “Không phải UBND thành phố không giám làm, làm không quyết liệt. Tôi khẳng định từ Chủ tịch thành phố đến các phó chủ tịch luôn chỉ đạo tất cả các dự án vi phạm pháp luật phải quyết liệt xử lý. Quan điểm của thành phố là xử lý dự án để đất hoang hóa không trừ một ai, kể cả công ty của Nhà nước”.

Chứng minh cho những trả lời của mình, ông Khanh cho biết: “Trong năm 2013, Hà Nội sẽ tiếp tục mạnh tay với tình trạng bỏ hoang hóa đất dự án. Thời gian tới thành phố tập trung xây dựng quy hoạch để từ đó phân loại các dự án được tiếp tục triển khai hay dừng để chuyển đổi mục đích sử dụng”.

Về lập quy hoạch, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, do có thời kỳ hợp nhất Hà Nội và Hà Tây và một số địa phương khác nên sau khi hợp nhất, yêu cầu đầu tiên là phải xây dựng quy hoạch. Đến tháng 7/2011, Hà Nội đã có quy hoạch chung và hiện đang xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, chi tiết… Theo quy định của luật, phải có quy hoạch thì mới xác định được các dự án nào được triển khai tiếp, các dự án nào phải dừng, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất… 

Phó Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định, nước ta đang trong thời kỳ khó khăn về kinh tế, những trường hợp chủ đầu tư được gia hạn để khắc phục những nguyên nhân bất khả kháng đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. 

Thiên Minh