MANG trong “mang thai” và “có mang”

07:10 | 04/07/2016

|
Bạn đọc: Xin ông cho hỏi “mang” trong “mang thai” và “mang” trong “có mang” có phải là một từ không? Xin cảm ơn. Đào Xuân Sơn (Đống Đa, Hà Nội)  

Học giả An Chi: Đây là một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên vì đó chỉ là hai từ đồng âm.

Trong “mang thai” thì “mang” là một động từ mà ta còn có thể thấy trong “mang bầu”, “mang nặng đẻ đau”. Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [蒙] mà âm Hán Việt hiện hành là “mông”, có nghĩa là “nhận lãnh”, như “mông ân” là chịu ơn, “mông dưỡng” là nhận lấy mà nuôi dạy, “mông trần” là chịu [= phải nhận lấy] sự cơ cực, v.v… Mathews’ Chinese English dịch là “to receive from a superior” (nhận từ một người bề trên). Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur dịch là “recevoir un service ou un bienfait” (nhận một sự giúp đỡ hay một ân huệ). Đây chính là cái nghĩa mà ta thấy trong “mông ân”, nghĩa là … “mang ơn”.

Cứ như trên thì “mang ơn” là điệp thức của “mông ân”, do đó “mang” dĩ nhiên cũng là điệp thức của “mông”. Về mối quan hệ giữa nguyên âm Ô ↔ A của “mông” và “mang” ta có thể thấy qua trường hợp quen thuộc là chữ “bộ” [簿], có nghĩa là sổ sách, thường đọc thành “bạ”, như có thể thấy trong “địa bạ”, “học bạ”, “y bạ”, v. v… Ngoài ra, ta còn có:

- “bá” [播] trong “truyền bá” là đồng nguyên tự của “bố” [布] trong “bài binh bố trận” [排兵布陣]. Vương Lực đã chứng minh mối quan hệ này trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.445). Chẳng những thế, tại đây, Vương Lực còn phục nguyên cho chữ “bố” nguyên âm chính là A [a] nữa.

- “cá” [個,箇], đơn vị từ, hài thanh bằng chữ “cố” [固];

- “bản” [本] là vốn cũng đọc “bổn”;

- “đội” trong “đội” mũ là điệp thức của “đái” [戴], là… đội;

- “mai” trong “mai mối” là điệp thức của “môi” [媒] trong “môi nhân” và cả ba, “mai”, “mối” và “môi” đều là những điệp thức. Phương ngữ Nam Bộ còn có từ “mội”, có nghĩa là cái “đầu mối” nơi nước từ mạch ngầm chảy ra;

- “nồi” là điệp thức của “nãi” [鼐] là cái đỉnh to;

- “nổi” (= có sức chịu được, làm được) là điệp thức của “nại” [耐] là chịu đựng;

- chữ “công” [工] hài thanh cho chữ “giang” [江];

- chữ “đồng” [童] hài thanh cho chữ “chàng” [撞].

Cuối cùng, xin đưa ra cặp từ đồng nguyên  “mông” [朦] và “mang” [茫]. “Mang” được Mathews’ Chinese English Dictionary dịch là “vague” (lờ mờ) còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F. S. Couvreur dịch là “vue trouble, confusion” (trạng thái mắt nhìn không rõ, sự lờ mờ). “Mông” thì được Mathews dịch là “dim, indistinct” (lờ mờ, không rõ rang) còn Couvreur thì dịch là “obscur” (tối tăm). Cả hai từ đều thể hiện nghĩa “mù mờ, tối tăm”. Nói một cách khác, “mông” và “mang” là hai từ cùng gốc. Vậy, cũng như hai từ này, “mông” trong “mông ân” và “mang” trong “mang ơn” là hai từ cùng gốc và đây cũng là “mang” trong “mang thai”.

Còn trong “có mang” thì “mang” là danh từ như “bầu” trong “có bầu”, “bướu” trong “có bướu”, “mụn” trong “có mụn”, v.v…; chỉ khác ở chỗ “mang” là một từ cổ nên không còn hành chức một cách độc lập trong lời ăn tiếng nói hằng ngày nữa. Ta còn có thể thấy từ cổ này trong danh ngữ đẳng lập “mang mển” mà Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “có nghén”, với cả mục phụ kiêm thí dụ “có mang có mển”. “Mang” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [萌] mà âm Hán Việt hiện hành là “manh”, có nghĩa là “mầm, mống”. Về mối quan hệ giữa ANH ↔ ANG, ta có thể thấy qua:

- “bánh” [柄], quen đọc thành “bính”, là chuôi, cán ↔ “báng” trong “báng súng”;

- “cánh” [更] là càng ↔ “càng” trong “càng ngày càng…”;

- “hanh” [亨] là thông suốt, không bị cản trở ↔ “hang” trong “hở hang” (Còn có một điệp thức nữa là “hênh” trong “hớ hênh”);

- “hành” [行] cũng có âm “hàng”, “hạng” (với nghĩa khác);

- “khanh” [坑] là hang hố ↔ “hang”.

Đặc biệt, mối quan hệ ngữ âm ANH ↔ ANG này liên quan đến nhiều từ có phụ âm đầu M, trước nhất là chữ “mạnh” [命], thường đọc thành “mệnh”, có một âm rất xưa là “mạng”, hãy còn rất thông dụng hiện nay, như: bỏ mạng, cách mạng, liều mạng, mất mạng, thí mạng, thiệt mạng, oan mạng, v.v... Rồi “màng” trong “màng lưới” có một điệp thức là “mành” (rèm tre để che cửa), đã được láy thành “mành mành”, như có thể thấy trong câu Kiều thứ 213: “Gió đâu sịch bức mành mành”. Rồi từ “mảnh” trong “mảnh giấy” có một điệp thức là “mảng” trong “mảng tường”. Cuối cùng, liên quan đến vấn đề của chúng ta thì Vương Lực đã phân tích và chứng minh rằng “manh” [萌] và “mang” [芒] là những đồng nguyên tự (Sđd, tr. 372-73). Vậy chẳng có gì lạ nếu “manh” [萌] cũng đọc thành “mang” và “mang” là cái “mầm [của sự sống] trong bụng của người mẹ”.

A.C

Năng lượng Mới số 536