"Ma trận" hàng xách tay

14:07 | 02/08/2017

4,317 lượt xem
|
Đánh vào tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của nhiều người tiêu dùng, hàng “xách tay” phát triển nở rộ. Tuy nhiên, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ ra sao thì không ai dám đảm bảo vì đã xảy ra hàng loạt vụ hàng giả, hàng nhái được bán dưới mác hàng “xách tay”.

Tràn ngập các chủng loại, nhãn mác

Vài năm trở lại đây, việc sử dụng hàng ngoại “xách tay” dường như trở thành “mốt”. Có cầu ắt có cung, thị trường hàng xách tay phát triển rất nhanh và đa dạng. Nếu như trước kia, người tiêu dùng muốn sở hữu một món hàng hiệu của nước ngoài sản xuất là rất khó khăn do nguồn cung ít, thường chỉ trông chờ vào những nguồn cung nhỏ lẻ từ tiếp viên hàng không, người thân đi nước ngoài mang về. Nhưng nay thì khác, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua hàng xách tay với đủ chủng loại nhãn mác, xuất xứ… và giá thì cũng… “vô chừng”.

Các cửa hàng chuyên bán hàng xách tay có mặt ở hầu khắp các nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, hàng xách tay tập trung nhiều nhất là ở phố Nguyễn Sơn (Gia Thụy, quận Long Biên) - con phố được nhiều người biết đến là “phố hàng không”, bởi nơi đây tập trung nhiều đơn vị thuộc ngành hàng không như: Cục Hàng không Việt Nam, Đoàn bay 919... nhưng nay con phố này còn được biết đến với cái tên khác: “Thủ phủ hàng xách tay”. Một khu vực khác cũng tập trung nhiều cửa hàng xách tay, đó là phố Trung Kính (Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

ma tran hang xach tay
Hàng xách tay đa dạng chủng loại được bán ở cửa hàng Le Store-Market

Tôi tới một cửa hàng chuyên bán đồ xách tay có địa chỉ nằm trong ngõ 80 phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội). Biển hiệu treo bên ngoài cửa hàng là Le Store-Market, bên trong bày biện hàng hóa trông rất bắt mắt và lịch sự. Trong vai người mua hàng, tôi đảo một vòng từ tầng 1 lên tầng 3 thì thấy tại đây bày bán đủ các loại mặt hàng tiêu dùng, từ mỹ phẩm (sữa tắm, dầu gội đầu, kem chống nắng, nước hoa…) đến thực phẩm (hoa quả, rượu…), thời trang (giày dép, quần áo, túi xách…). Hàng hóa tại đây được chia theo khu vực, mỗi khu đều có tấm panô rất to treo trên tường ghi xuất xứ của hàng như: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Úc… Tính nhẩm trong đầu, cửa hàng có 3 tầng, diện tích tổng khoảng 100m2 nhưng chứa hàng trăm chủng loại mặt hàng, tôi trộm nghĩ, với số lượng hàng hóa như thế này có lẽ cần đến hàng trăm, hàng nghìn lượt “xách tay” mới mang về được.

Nói đến chuyện mua bán online thì hàng xách tay khỏi phải bàn, vì đây là thị trường sôi nổi nhất. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm hàng “xách tay” chung chung, đã hiện lên vô vàn kết quả. Không thua kém gì cửa hàng trên phố, hàng xách tay được rao bán trên các trang mạng cũng đa dạng, đáp ứng đủ mọi lứa tuổi, trong đó chủ yếu là thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa và cả hàng điện tử, phổ biến là điện thoại di động đắt tiền. Nơi được các chủ hàng kinh doanh hàng xách tay chọn để kết nối với khách hàng nhiều nhất có lẽ là mạng xã hội faebook (fb). Tìm kiếm trên fb với từ khóa “xách tay” ngay lập tức sẽ có hàng nghìn kết quả gồm các fb cá nhân, tới những hội, nhóm, chuyên trang…

Thử vào một nhóm tên fb là “Hội kinh doanh hàng xách tay uy tín chất lượng”, tôi tìm thấy hàng chục loại mỹ phẩm như kem dưỡng trắng da, kem tẩy lông, nước hoa hồng, lăn khử mùi, phấn nước… Tất cả được đăng tải dưới dạng hình ảnh, kèm theo bài viết về công dụng, hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần gọi điện đặt hàng, nếu mua với số lượng lớn (từ 10 sản phẩm/mặt hàng trở lên) còn được khuyến mại tùy theo số lượng mua nhiều sẽ giảm càng nhiều, từ 25-30%.

Việc kinh doanh hàng xách tay ngày càng phát triển rộng khắp từ phố lên online, ngoài những tác động tích cực như giúp người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn khi mua hàng, thì bên cạnh đó lại xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực ảnh hưởng lớn tới tới xã hội.

“Đắt rẻ tùy duyên”

Có một điểm đặc biệt của hàng xách tay là giá cả vô cùng biến hóa, cùng một sản phẩm mỗi nơi lại bán một giá khác nhau. Nhưng chung quy lại thì hàng xách tay có giá rẻ hơn hàng chính hãng khá nhiều. Trên phố Giảng Võ, đoạn gần ngã tư Đê La Thành - Láng Hạ có khá nhiều cửa hàng treo biển bán hàng xách tay, hay lái đi một tí là hàng tiêu dùng Thái Lan. Mất hai ngày dạo quanh thị trường hàng xách tay, tôi nhận thấy mặt hàng được bày bán nhiều nhất là: mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng.

Trần Huy Hoàng - chủ cửa hàng chuyên bán đồ xách tay Family ở ngõ Núi Trúc. Hẹn gặp nhau tại một quán cà phê trên phố Giảng Võ, Hoàng chia sẻ về việc kinh doanh của mình, qua đó giúp tôi hiểu rõ nhiều điều. “Trên thị trường hiện nay, những sản phẩm được bán chủ yếu là hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… không có hàng nội. Còn tại cửa hàng của mình thì chuyên bán hàng được nhập từ Úc, vì cả nhà ngoại mình ở bên đấy hết mà” - Hoàng nói.

ma tran hang xach tay
Hàng xách tay được giới thiệu trên fb

Hoàng phân tích, người tiêu dùng hiện nay thích mua hàng xách tay chứ không mua hàng chính hãng là bởi giá của hàng xách tay rẻ hơn hàng nhập khẩu, hơn nữa nếu đúng là hàng chuẩn thì chất lượng lại có phần nhỉnh hơn. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu tại sao hàng xách tay giá đã rẻ lại còn chất lượng hơn hàng chính hãng, Hoàng tiếp tục giải thích: “Giá bán rẻ hơn là bởi hàng xách tay được đưa vào Việt Nam dưới danh nghĩa đồ dùng cá nhân thông qua nhiều kênh khác nhau, quan trọng hơn cả là không phải đóng thuế nên giá cả cạnh tranh hơn. Lấy ví dụ về hàng mỹ phẩm nhé, một hộp kem nền BB Cushion của Hãng Laneige bày bán tại siêu thị Parkson có giá 930 nghìn đồng/sản phẩm, thì hàng xách tay cùng loại chỉ 710 nghìn đồng, lại được giao hàng miễn phí tận nơi thì ai chẳng thích”.

Còn vì sao giá hàng xách tay biến hóa mỗi nơi một khác, theo Hoàng là bởi không phải cửa hàng nào cũng nhập hàng trực tiếp từ nước ngoài. Thường là nhập qua một nguồn hàng tổng khác rồi phân phối khắp thị trường. “Nhập trực tiếp từ nước ngoài về là đại lý cấp 1, sau đó đại lý cấp 1 lại phân phối tiếp cho đại lý cấp 2… cứ thế. Mà mỗi lần như thế thì giá sản phẩm sẽ nâng cao hơn một chút. Như một hộp sữa nhập từ Úc thì đại lý cấp 1 sẽ được lời 50-70 nghìn đồng”.

Ai đảm bảo là hàng xịn?

Liên hệ với một shop hàng xách tay trên fb, đặt vấn đề rằng đang cần mua mỹ phẩm “xịn” để tặng sinh nhật vợ, tôi được chủ shop nhiệt tình giới thiệu các sản phẩm và công dụng. Theo lời cô chủ, shop bán rất nhiều mặt hàng, tha hồ lựa chọn. Từ nước hoa (Victoria’s secret, Hermes, Dior, Chanel, AcQuaDi, Lan Côme…) đến son môi, kem dưỡng da… cái gì cũng có. Hỏi thử hộp kem dưỡng da toàn thân, chị chủ giới thiệu: “Shop hiện chỉ có bán Body Victoria’s secret nhưng vài hôm nữa mới có hàng. Một năm chị bán 2 đợt thôi vì phải đợi khi nào hàng giảm giá mới nhập về. Như vậy, vừa bán được hàng tốt giá rẻ, mà người có thu nhập bình dân cũng sử dụng được”.

Đặt nghi vấn về nguồn gốc hàng có chuẩn như quảng cáo, chị chủ khẳng định như đinh đóng cột với tôi: “Chị có người nhà ở Mỹ nên nhờ đi mua và đóng gói gửi về, cam kết hàng thật 100%, em cứ an tâm sử dụng”. Lên Google tìm những trang web có bán hàng cùng loại như trên, tôi thấy giá lại chênh lệch khá nhiều. Theo đó, nếu đã giảm 10% thì sản phẩm này có giá 400 nghìn đồng/sản phẩm.

“Hàng xách tay hiện nay về Việt Nam đủ kiểu, qua khách du lịch, qua các đơn vị vận chuyển, thậm chí tổ chức những đợt đi mua hàng trực tiếp tại nước ngoài. Vì vậy hàng xách tay trên thị trường bây giờ quá đa dạng, khiến khách hàng rơi vào tình trạng “không biết đâu mà lần”. Chất lượng hàng nhập về chắc chắn không thể như hàng chính hãng, bởi không ai kiểm chứng” - Hoàng nói.

Những chủ buôn lớn thường chuyển hàng về bằng đường biển (container). Trong đó, phổ biến nhất là thực phẩm chức năng, ngũ cốc, sữa, nước trái cây... Hàng thường được chủ buôn “gom” số lượng lớn theo các đợt giảm giá để kiếm thêm lời. Tuy nhiên, các loại hàng này thường là hàng gần hết hạn sử dụng, cộng thêm thời gian vận chuyển bằng đường biển thường kéo dài nên chất lượng không kiểm soát nổi. Hiện tượng tẩy “date” (xóa hạn sử dụng của hàng đã hết hạn) cũ, thay “date” mới rồi bán ra thị trường là thường xuyên.

Còn nhớ năm 2016, Hãng sữa Meiji của Nhật Bản đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam không thông quan đối với sản phẩm của hãng này từ Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. Lý do là hãng này thấy sữa Meiji xách tay xuất hiện tràn lan tại thị trường Việt Nam, do đó hãng không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không loại trừ khả năng bị trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng gây mất uy tín

“Lợi thì có lợi, nhưng…”

Theo nhận xét của các chủ hàng xách tay như Hoàng, hiện các loại thực phẩm chức năng là sản phẩm được bán chạy nhất, bởi những công dụng “tuyệt vời” đối với sức khỏe người sử dụng. Tuy đều được khẳng định hàng thật, chính hãng nhưng mỗi sản phẩm cùng loại lại có giá chênh lệch hàng trăm ngàn đồng ở mỗi cửa hàng khác nhau. Như sữa ong chúa hiệu Golden Care Royal của Úc loại 365 viên được bán tại cửa hàng của Hoàng có giá 800 nghìn đồng/hộp, nhưng khi tìm trên các shop online lại có giá dao động 575-640 nghìn đồng/hộp. Một số shop còn kèm theo hình ảnh, hướng dẫn phân biệt thật - giả... Tuy nhiên, khi liên lạc để đến nơi xem sản phẩm trực tiếp, nhiều điểm rao bán từ chối hứa giao hàng tận nơi, đảm bảo uy tín.

Qua thực tế có thể thấy chất lượng hàng xách tay trên thị trường hiện nay hầu hết không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bởi vậy, thật giả tất cả phụ thuộc vào đạo đức của người bán hàng.

ma tran hang xach tay
Một nạn nhân phản hồi trên fb vì mua phải mỹ phẩm giả

Ngày 10-7, tại một khu chung cư nằm trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội), Đội Quản lý Thị trường số 26 phối hợp cùng Công an TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng phát hiện hơn 13.000 lọ mỹ phẩm không có giấy phép kinh doanh, không có hóa đơn, chứng từ xuất xứ sản phẩm. Toàn bộ căn hộ này chứa đầy mỹ phẩm các loại cùng nhiều nhãn mác, bao bì.

Tại hiện trường có rất nhiều loại mỹ phẩm làm trắng da đã được đóng hộp đủ màu sắc và in nhãn hiệu Clarins của Pháp. Lực lượng chức năng thu giữ 13.103 lọ sữa làm trắng da, 103 lọ muối tắm trắng, nhiều bao bì, tem chống hàng giả và các vật dụng liên quan khác. Ở thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1991, trú tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) khai nhận đã hoạt động sản xuất từ tháng 5-2017 và đa số sản phẩm được rao bán trên mạng xã hội dưới mác hàng xách tay, nhập khẩu. Được biết, đây là sản phẩm được quảng cáo trên fan page fb - Spa Venus có hàng trăm nghìn lượt theo dõi, được quảng cáo là có công dụng làm trắng da giữ ẩm, trị tàn nhang, mụn, sẹo… giá của mỗi sản phẩm là 150 nghìn đồng.

Hàng xách tay được mua gom từ nước ngoài không được kiểm tra chất lượng, thậm chí còn bị làm giả. Vì thế, khi được đưa ra thị trường người tiêu dùng sẽ lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Lách luật để trốn thuế

Hàng xách tay về Việt Nam thường qua mấy đường chính: Thứ nhất là qua tiếp viên hàng không và thủy thủ tàu viễn dương; thứ hai là qua công ty vận chuyển chuyên nghiệp bằng đường hàng không, đường biển; thứ ba là qua những người thân sống tại nước ngoài. Theo tìm hiểu, gần như các mặt hàng được chuyển về đều không đóng thuế cho Nhà nước.

“Các công ty làm dịch vụ vận chuyển sẽ có cách lách luật để được miễn thuế. Chẳng hạn, sẽ chia nhỏ hàng hóa để nằm trong hạn mức miễn thuế. Hình thức này vất vả, mất thời gian và có nhiều rủi ro. Còn dễ dàng hơn thì “lót tay” chung chi với cán bộ hải quan - Hoàng thẳng thắn nói. Ngược lại, các nước bán hàng thì đều đã thu được thuế, ví dụ như thuế giá trị gia tăng vì hàng hóa đều xuất hóa đơn.

Tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của cá nhân khi nhập cảnh về Việt Nam

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan): Vấn đề miễn thuế đối với hàng hóa xách tay được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất nhập khẩu, theo đó:

Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu (NK) cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau: Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít. Đối với rượu, nếu người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can có dung tích lớn hơn dung tích quy định nhưng không vượt quá 1 lít thì được miễn thuế cả chai. Trường hợp vượt quá 1 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật; Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu; Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi; Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định trên (không nằm trong danh mục hàng hóa cấm NK, tạm ngừng NK hoặc NK có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam;

Trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.

Tú Cẩm