Xét xử "người hùng trong vụ Năm Cam":

Luật sư chỉ trích Viện Kiểm sát ngay tại tòa

13:53 | 22/06/2013

4,473 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phiên tòa xét xử ba bị cáo nguyên là cán bộ Công an Tiền Giang đã trở thành trò cười cho những người tham dự phiên tòa khi luật sư bảo vệ các bị cáo lặp lại nhiều lần những ngôn từ “phỉ báng” Viện Kiểm sát...

>> Thông tin từ phiên tòa xét xử 'người hùng' trong vụ án Năm Cam

Ngày 21/6, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm Nguyễn Văn Nên và đồng bọn về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đưa ra những dẫn chứng, những chứng cứ cho rằng việc bắt giam, khởi tố và đưa các đối tượng Nguyễn Văn Nên cùng đồng bọn ra xét xử là đúng người và đúng pháp luật.

Các luật sư (áo trắng) tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Ngay sau đó, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), một trong 4 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo đã khẳng định, tất cả các văn bản mà Viện Kiểm sát đã phân tích không có giá trị pháp lý. Tại tòa, luật sư Đức cho rằng, đại diện Viện Kiểm sát đã cố tình ngụy biện, lập luận, lập lờ thẩm quyền của Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Luật sư Đức nhấn mạnh: “Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không có quyền điều tra vụ án này”. Vị luật sư này đưa ra căn cứ chuyên ngành, căn cứ vào Luật tố tụng Hình sự để “kết án” cơ quan của Viện Kiểm sát tối cao đã sai phạm. Luật sư Đức liên tục nhấn mạnh những ngôn từ khó nghe để “phỉ báng” tổ chức Nhà nước ngay tại tòa.

Trong mỗi lập luận, luật sư Đức luôn dùng những từ ngữ đả kích cơ quan chức năng, thay vì đứng dưới cương vị bào chữa cho các bị cáo. Luật sư Đức còn phản bác: “Viện Kiểm sát… nói lung tung”. Nhiều người dự khán ở phiên tòa bức xúc trước cách hành xử của vị luật sư và không thể hiểu, tư cách của một vị luật sư được bào chữa tại phiên xét xử các bị cáo. Luật sư Đức tiếp tục bôi nhọ đại diện Viện Kiểm sát: “Đừng có tưởng cứ đứng ở vị trí công tố rồi muốn nói gì thì nói!”.

Lặp đi lặp lại nhiều lần, vị luật sư cho rằng: “Cục Điều tra Viện Kiểm sát tối cao điều tra vụ án này là không có tính chất pháp lý bởi vì không có thẩm quyền”. Tiếp đến, luật sư Đức nói: “Từ đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không có tính chất pháp lý để buộc tội các bị cáo”.

Ngoài ra, luật sư Đức còn tiếp tục khẳng định: “Viện Kiểm sát hết sức cảm tính khi buộc tội các bị cáo”. Luật sư viện dẫn đây là tội cấu thành vật chất chứ không cấu thành hình thức và yêu cầu Viện Kiểm sát tối cao phải chứng minh được thiệt hại do các bị cáo gây ra.

Để gỡ tội cho bị cáo, luật sư Đức còn cho rằng, tiền tang vật các bị cáo gửi ở ngân hàng là đúng và vị luật sư đã bào chữa theo kiểu “cố đấm ăn xôi” là hành vi trên không trái quy định. Thế nhưng, rõ ràng cách bào chữa của luật sư Đức là bóp méo sự thật để tạo cớ “xuyên tạc".

Cũng bởi, đại diện Viện Kiểm sát đã lập luận, theo quy định của pháp luật, tiền tang vật chỉ được bảo quản tại ngân hàng dưới dạng tài khoản của cơ quan chức năng đang thực thi công vụ chứ không được gửi theo kiểu lập sổ tiết kiệm ở dạng cá nhân và lấy tiền lời để chia nhau tiêu xài.

Cuối phần tranh luận, luật sư Đức cho rằng, Viện Kiểm sát đã bác bỏ những quy định của pháp luật để… che mờ đi hành vi của các bị cáo là không có tội rồi thành có tội. Luật sư còn tiếp tục “khiêu khích” Viện Kiểm sát tranh tụng làm sáng tỏ vấn đề “tiền gửi ngân hàng”.

Trong phần bào chữa cho các bị cáo, luật sư Đức yêu cầu Viện Kiểm sát phải chứng minh được việc gửi tiền của các đối tượng trong vụ án đã gây thiệt hại cho Nhà nước. Không hiểu sao, với tư cách là một luật sư, chẳng lẽ ông Đức không “thông suốt”, không hiểu được việc lấy tiền tang vật để gửi ngân hàng dưới danh nghĩa cá nhân nhằm mục đích sinh lợi từ các tổ chức ngân hàng là trục lợi hay sao?

Luật sư Đức còn nói: “Các bị cáo làm trái pháp luật nhưng không cấu thành tội phạm?”.

Vị luật sư còn cho rằng: “Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát tối cao đã lạm quyền trong khi thi hành công vụ và vi phạm pháp luật”. Luật sư nói tiếp: “Đại diện Viện Kiểm sát trong phiên tòa đã hết sức lập lờ, trí trá khi lập luận với các luật sư”.

Quyền được bào chữa và bảo vệ cho các bị cáo trong mỗi phiên tòa hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thế nhưng, không thể vì lợi dụng phiên tòa xét xử công khai và lợi dụng quyền tự do, quyền dân chủ để luật sư Đức mượn những ngôn từ nhằm “phỉ báng” một tổ chức, một cơ quan tố tụng trong phiên tòa.

PV

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc