‘Lũ mục đồng’: Bước vào thế giới của những giấc mơ

09:12 | 19/06/2016

2,291 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bước vào thế giới của “Lũ mục đồng” - tác phẩm của nhà văn Le Clézio, Nobel năm 2008 là bước vào thế giới của những giấc mơ. Tám câu chuyện trong tập truyện ngắn xét đến cùng là những biến ảo, những sắc màu của cùng một cơn mơ. 

Nhân vật trong tám truyện ngắn đều là những đứa trẻ, không phải chỉ bởi ngẫu nhiên đó là những đối tượng vốn được nhà văn quan tâm đặc biệt. Bước vào thế giới của câu chuyện, mới thấy hóa ra những đứa trẻ mang những cái tên khác nhau: Mondo, Lullaby, Jon, Juba, Daniel, Alia hay Petite Croix… chỉ là những biến thể khác nhau của một hoàng tử bé giữa tinh cầu trái đất này. Nhà văn, vì thế, thông qua chúng để truyền tải, để nhắc người ta nhớ về những giấc mơ, thủy chung vẫn luôn nằm sâu trong kí ức con người, nhưng bấy lâu bị cố tình lãng quên, vùi lấp.

Những nhân vật trẻ con của Le Clézio ít nói, lặng thầm mơ màng và sợ gây ra quá nhiều tiếng ồn. Chúng không dùng lời nói như một phương tiện thông thường và dễ dãi để biểu đạt mình. Sự im lặng của chúng hàm chứa liên kết với vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Hoàn toàn trái với thế giới người lớn đầy lí lẽ, quy tắc, nhưng lại thiếu đi một tâm hồn có thể thẩm thấu vẻ đẹp, những đứa trẻ chỉ làm một điều đơn giản: ấy là mở căng thân thể mình để cảm nhận, thẩm thấu và giao hòa cùng sự sống.

lu muc dong buoc vao the gioi cua nhung giac mo
"Lũ mục đồng" (NXB Trẻ) gồm 8 truyện ngắn

Ở một tầng bậc khác, bản thân những cậu bé của Le Clézio cũng đang đi tìm giấc mơ của riêng mình. Mỗi đứa trẻ đang nằm trên lằn ranh của trưởng thành, một mặt vẫn bám trụ trong sự huyên náo của đời sống, mặt khác không ngừng dấn mình vào những cuộc phiêu lưu đầy kì thú trong thiên nhiên. Mondo rong ruổi trong thành phố, theo đuổi thứ “ánh sáng đẹp đẽ như trong một giấc mơ”. Lullyby trốn học ra biển, “nghe cơ thể nó mở ra, rất nhẹ nhàng, như một cánh cửa, chỉ chờ được về với biển”. Jon và điều kì diệu nó mơ trên ngọn núi của thánh sống; Petite Croi và những ngày lang thang cũng lũ trẻ mục đồng… Tất cả là những điều người lớn không cách nào hiểu được.

Cũng giống như nhà văn từng nói, "viết đối với tôi giống như du hành. Rời khỏi chính mình và sống một cuộc sống khác; có thể là một cuộc sống tốt đẹp hơn", những đứa trẻ đi chuyến du hành của riêng chúng, thể xác vẫn ở nơi cõi trần nhộn nhạo nhưng linh hồn thì đã hoàn toàn tách khỏi đó, thực hiện chuyến phiêu du trong vũ trụ xa xôi.

Và cuối cùng, những đứa trẻ chính là “mơ”. Thế giới mà chúng đắm mình vào là một thế giới đầy sống động, gạt bỏ mọi rào cảm của quy tắc, cấm kị và khuôn phép. Thiên nhiên trong các câu chuyện vừa là một nhân vật, vừa là biểu tượng của cái nguyên sơ, hàm chứa trong sự im lặng nguyên thủy một lời mời gọi đầy hấp lực, kéo những đứa trẻ chìm đắm vào. Những đứa trẻ không ngừng mơ về biển, về ngọn núi và bầu trời của chúng.

Một lần nữa, trong sáng tác của Le Clézio, biển lại là một hình hài, một thế giới đẹp đẽ, bí ẩn, có sức gột rửa, có sức tái tạo và rồi cuối cùng là điểm đến của mơ. Biển, cuối cùng chẳng phải là ngọn nguồn sự sống của con người hay sao?! Điều mà những đứa trẻ của Clezio kiếm tìm, vì thế, không phải chỉ là hướng tới một cuộc sống vượt lên trên những kìm kẹp và cạm bẫy của sự sinh tồn hiện tại. Kiếm tìm đích thực, cái đích trọn vẹn cuối cùng là trở về, là tìm lại những điều nguyên sơ trước sau vẫn nằm tận sâu trong bản thể. Đó là cuộc hồi hương về cội nguồn của con người. Và những đứa trẻ, thế giới mơ của chúng chính là cái đích ấy.

lu muc dong buoc vao the gioi cua nhung giac mo
Nhà văn J.M.G Le Clézio - chủ nhân Nobel năm 2008 là một tên tuổi quen thuộc với độc giả Việt Nam. 

Ở Việt Nam, J.M.G Le Clézio được biết đến từ những năm 1960 với các tập truyện ngắn và tiểu thuyết đã được dịch (trong tổng số hơn 60 tác phẩm) như: Vòng xoáy, Người chưa bao giờ thấy biển, Những nẻo đường đời và những bản tình ca khác, Sa mạc, Điệp khúc cơn đói, Bão... và gần đây là Lũ mục đồng.

Từ tác phẩm đầu tiên Le Procès-verbal (Biên bản) cho đến khoảng cuối thập niên 1970, Le Clézio từng có một thời theo đuổi lối viết thể nghiệm về hình thức, gần gũi với phong trào “Tiểu thuyết mới”, không dễ đọc. Nhưng dõi theo con đường viết của ông, nhất là những tập truyện gần đây, thì càng ngày càng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong lối viết. Hướng đến sự giản dị, chân phác về hình thức kể chuyện, giữ được sự tinh tế trong ngôn từ song vẫn không ngừng nuôi dưỡng những tầng sâu xúc cảm, triết lí.

Tám câu chuyện của Lũ mục đồng giống như những câu chuyện cổ tích, đôi khi lan man chảy trôi trong dòng xúc cảm sống tuôn trào mãnh liệt của tâm hồn thơ trẻ, dường như không hướng đến một sự kết thúc khô cứng nào. Con chữ ngưng lại, trang giấy đóng vào, nhưng đâu đó trong những giấc mơ, dòng xúc cảm ấy vẫn âm thầm chảy, bầu khí quyển trong thế giới của những đứa trẻ vẫn âm thầm ôm ấp, xoa dịu, làm ấm lòng.

Riêng có chất thơ lãng mạn bay bổng là hồ như xuyên suốt những trang viết của ông. Có thể bởi, với Le Clézio chất thơ đã trở thành một tâm thế để sống, để cảm và là phương thức gần gũi, giản dị nhất để chia sẻ những giấc mơ. Cũng như biển, chất thơ trong cốt tủy đời sống tự nguyên thủy chưa từng thay đổi.

Khi trao giải Nobel năm 2008 cho Le Clézio, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi ông là “tác giả của những hành trình mới”, “người khai phá cái nhân văn bên dưới và vượt ra ngoài nền văn minh thống trị”. Nhưng có lẽ nên nói rằng, bởi những giấc mơ đe dọa đến lí trí và trật tự đạo đức, nên bị kiểm duyệt và khuôn phép xã hội “khóa chặt trong nhà ngục của sự câm lặng, bị ném vào hầm tù của ký ức.

Những giấc mơ là ngọn lửa bị giấu kín mà con người phải tìm cách lấy lại để phát lộ phía khác của bản ngã chính mình, để đạt đến một sự tự do đích thực. Nhà văn hiểu rằng, đơn giản mình chỉ cần làm một điều, đó là trả lại cho việc mơ sự tự do mà chúng cần có.

Cả nhà văn, nhân vật, cũng như người đọc đôi khi chẳng khác nào đang làm một chuyến vui chơi nho nhỏ “đi ngắm nhìn phía bên kia quả đồi” đấy thôi.

[1] Theo bản dịch của Trần Ngọc Hiếu: Tự do để mơ, bài thuyết trình của J.M.G Le Clézio trong buổi  seminar về nhà thơ Pháp Lautréamont tại Đại học Oklahoma.

lu muc dong buoc vao the gioi cua nhung giac mo

‘Hãy đi đặt người canh gác’: Cơn vỡ mộng của sự trưởng thành

Những tưởng “Giết con chim nhại” là tác phẩm duy nhất của Harper Lee - nhà văn vĩ đại của văn học Mỹ. Thực tế, dù được xem là tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ hiện đại nhưng “Giết con chim nhại” lại được viết sau “Hãy đi đặt người canh gác”. 

lu muc dong buoc vao the gioi cua nhung giac mo

'Lễ hội của vô nghĩa': Cuộc dạo chơi của tiếng cười

Trở lại sau mười ba năm vắng bóng, Milan Kundera - nhà văn Pháp gốc Tiệp - tỏ ra “trìu mến” hơn với “Lễ hội của vô nghĩa”, một tiểu thuyết ngắn mang dáng dấp một tiểu luận, xoay quanh những cuộc dạo chơi, những trò đùa vô nghĩa, tiếng cười, sự tuyệt vọng hay suy tưởng của năm người bạn: Alain, Ramon, D’Ardelo, Charles và Caliban. 

 

 

Yên San

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.