"Lớp học tương tác" hay công cụ “móc túi” phụ huynh?

17:12 | 03/10/2012

6,403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Ngay từ đầu năm học, một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức các lớp học theo mô hình tương tác. Tuy nhiên, mô hình lớp học thông minh này đang dần bị biến tướng và trở thành công cụ “móc túi” phụ huynh.

“Nở rộ” lớp học tương tác

Nhiều năm trước, các trường đua nhau sắm máy chiếu. Tuy nhiên, mốt của các trường học bây giờ là xây dựng các lớp học tương tác với mức đầu tư thiết bị lên đến hàng trăm triệu đồng/lớp.

Mô hình lớp học tương tác là mô hình lớp học rất thông minh và kích thích sự sáng tạo của học sinh, tránh tình trạng đọc – chép thông thường tại các trường học, đồng thời thúc đẩy sự tư duy của học sinh trong quá trình học tập. Mô hình lớp học tương tác bao gồm: máy vi tính, máy chiếu, bảng tương tác, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án, tích hợp sẵn thư viện tài nguyên, ngoài ra còn một số thiết bị khác…

Năm 2011, một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân, Hà Nội kêu gọi đóng góp của phụ huynh để đầu tư mỗi khối 1-2 lớp học tương tác với chi phí 135 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, với danh mục thiết bị mà trường kê ra, chỉ khoảng 70 - 80 triệu đồng/bộ.

Năm nay, các trường tiểu học Nguyễn Trãi, Nam Trung Yên (Thanh Xuân) và trường tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng) là một trong những trường “đi đầu” trong việc xây dựng các lớp học tương tác trị giá hàng trăm triệu đồng.

 

Lớp học tương tác với bảng tương tác, điều hòa ...

Lớp học được trang bị máy vi tính, máy chiếu, bảng tương tác, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án, tích hợp sẵn thư viện tài nguyên, ngoài ra còn một số thiết bị khác… Sàn nhà được thay bằng sàn gỗ, bàn ghế của học sinh và cô giáo được thay toàn bộ mới. Ngoài ra, lớp học còn được trang trí bằng những hình ảnh bắt mắt, ngộ nghĩnh như những lớp học của các em bậc học mầm non. Theo tính toán, tổng số tiền để đầu tư lớp học ở đây lên hơn 300 triệu đồng. 

Một phụ huynh trường Tiểu học thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Theo thông báo của nhà trường, nếu cho con tham gia lớp học tương tác, mỗi cháu đóng khoảng 5 triệu đồng. Nhà trường còn nhấn mạnh thiết bị này sẽ được dùng trong 5 năm học nên mỗi năm phụ huynh chỉ mất 1 triệu đồng”.

Nhiều phụ huynh cho biết, nhà trường tuy không ép phụ huynh nhưng vẫn thành ra ép. “Sau khi phân lớp, nhà trường thông báo lớp sẽ theo mô hình tương tác, phụ huynh nào đồng ý thì đóng tiền, còn ai không đồng ý thì trường sẽ chuyển sang lớp khác. Tâm lý phụ huynh nói chung là tặc lưỡi đóng tiền vì sợ con bị chuyển vào lớp mà giáo viên dạy không tốt”.

Hội phụ huynh “tiếp tay” cho lạm thu?

Mô hình lớp học tương tác được triển khai ở một số trường tiểu học của Hà Nội từ năm 2009 và ngày càng được nhân rộng, đặc biệt ở những trường điểm của thành phố và các quận. Mô hình lớp học tương tác bao gồm: Máy vi tính, máy chiếu, bảng tương tác, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án, tích hợp sẵn thư viện tài nguyên.

Ngoài ra, còn một số thiết bị khác nhằm tạo ra môi trường học tập thân thiện, tích cực, phát huy tối đa sự sáng tạo của giáo viên và học sinh, người học thực sự là trung tâm của quá trình dạy học...

Thông thường, các trường sẽ quy định mỗi lớp học tương tác mua một bộ thiết bị và sử dụng trong suốt quá trình học từ lớp 1 đến lớp 5 của học sinh. Nhưng số tiền để mua sắm trang thiết bị cho lớp học tương tác không hề nhỏ khi tổng chi phí lên tới hơn 100 triệu đồng/lớp. Số tiền này, đương nhiên phụ huynh có con vào học “lớp tương tác” phải bỏ ra.

Có thể nói, việc triển khai các lớp học VIP này được diễn ra suôn sẻ cũng do nhu cầu của phụ huynh và sự “tư vấn nhiệt tình” của các thành viên trong Hội phụ huynh. Trong việc mua sắm các trang thiết bị sử dụng trong lớp học, nhà trường chỉ đóng vai trò là người giới thiệu, còn quyền quyết định là ở Hội phụ huynh và phụ huynh học sinh.

Phải chăng Hội phụ huynh đang "tiếp tay" cho nhà trường lạm thu?

Tuy nhiên, ngoài việc bỏ khoản tiền mua sắm cơ sở vật chất đầu năm, các phụ huynh còn phải đóng thêm các khoảng tiền chăm sóc, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị trong phòng học.

Chị Nguyễn Khánh Phương, phụ huynh của lớp 1 trường Nguyễn Trãi chia sẻ, từ đầu năm tới giờ, chị đã phải đóng trên 10 triệu đồng để con được vào học. “Sau khoản đóng đầu năm thì hiện nay mỗi tháng lớp sẽ bỏ ra từ 3 - 4 triệu đồng để trả tiền chăm sóc cho con khi ăn cơm, vệ sinh lớp học trong và ngoài. Tiền quỹ phụ huynh là 800.000 đồng/kỳ”.  Phụ phí nhiều như vậy, nhưng các phụ huynh hoàn toàn không phản đối, bởi “tất cả vì con em chúng ta”.

Vấn đề đáng nói là vai trò của các Hội phụ huynh trong việc xây dựng các mô hình lớp học tương tác trong các trường tiểu học. Đôi khi, thay vì bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh, đại diện Hội phụ huynh lại “vẽ” thêm nhiều khoản, nhiều mục để thu thật nhiều tiền phụ phí. Thậm chí, nhiều người cho rằng, sự “mạnh tay” của Hội phụ huynh chính là bộ mặt của nhà trường, từ đó sẽ tạo ra khoảng cách giàu – nghèo trong chính trường học.

Vấn biết rằng “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, nên các thành viên của Hội phụ huynh ra sức “tư vấn” và tất nhiên, cha mẹ “tự nguyện” đóng góp để con cái có cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ cho việc học tập. Một vị phụ huynh băn khoăn: “Chúng tôi tự hỏi, phải chăng vì được chi % nên nhà trường làm mạnh? Nếu tính bình quân tiền hoa hồng là 10% thì với mô hình lớp học tương tác này nhà trường thu về không dưới 100 triệu”.

Nhà trường đã vậy, trách nhiệm của Hội phụ huynh ở đâu?

Nền giáo dục của chúng ta là nền giáo dục phổ cập, để tất cả các trẻ em đều được đến trường và tiếp thu kiến thức như nhau. Trong môi trường công lập rất cần đòi hỏi một sự công bằng cho tất cả học sinh, trong khi nhiều lớp học quạt không đủ mát, hình ảnh các lớp VIP sẽ khiến các em dễ tổn thương và nảy sinh tâm lý tự ti với bạn bè.

Mô hình lớp học tương tác là mô hình rất thông minh và tiến bộ, nhằm mục đích thúc đẩy khả năng sáng tạo và tư duy của các học sinh. Tuy nhiên, mô hình này hiện đang bị biến tướng đi và trở thành công cụ để một số cá nhân trục lợi và cùng với đó, họ đang biến những đứa trẻ trở thành đối tượng để kinh doanh ngay trên ghế nhà trường.

Nhóm phóng viên Petrotimes

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.