Lớp học của những người "không đầu hàng số phận"

11:31 | 20/07/2013

1,420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu có dịp đến với lớp học tình thương của Trung tâm Nghị lực sống tại khu nhà Nơ 1A, bán đảo Linh Đàm (Hà Nội), bạn sẽ thấy nhiệt huyết của người thầy, sự nỗ lực của những học sinh khuyết tật, đang nỗ lực ngày đêm để vượt lên số phận mong chờ tương lai tươi sáng hơn.

Lớp học là nhà

Lớp học là toàn bộ tâm huyết mà hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng cùng với trung tâm Nghị lực sống lập ra. Liên tục đều đặn trong 10 năm qua, Trung tâm Nghị lực sống đã mở nhiều lớp dạy miễn phí công nghệ thông tin cho học viên khuyết tật và tạo điều kiện công ăn việc làm cho các học viên.

Tiếp nối thành công của người thầy với mong muốn giúp những người khuyết tật có thể tự lo cho cuộc sống của mình, Nguyễn Văn Hùng, từng một thời ở bên thầy của mình, đã truyền những nhiệt huyết cho thế hệ trẻ kế tiếp, để chứng tỏ họ vẫn có ích cho xã hội, và làm được nhiều hơn thế.

Một buổi học ở Trung tâm Nghị lực sống.

Lớp học tình thương của Trung tâm Nghị lực sống nằm trên tầng 10 khu chung cư, không biển quảng cáo, không tên lớp. Bước vào lớp học, những ai chưa từng gặp Hùng, có thể sẽ bất ngờ vì chàng trai quê Nam Đàn, Nghệ An này năm nay đã 26 tuổi, nhưng lại mang hình dáng của cậu học sinh lớp một nhỏ nhắn. Hùng, với giọng nói chững chạc, đang giảng bài cho những học trò chăm chú lắng nghe.

Lớp có hơn chục người, tuổi đời đều còn rất trẻ. Mỗi người một quê, hoàn cảnh khác nhau, tuy không một ai lành lặn về thể xác nhưng đều chung niềm say mê tin học. Khi đến với lớp học, tất cả đều xem nhau như anh em, cùng sống chung, sinh hoạt trong mái nhà gần 50m2 và cũng là lớp học.

Thầy Hùng cho biết, tiêu chí để chọn học viên của trung tâm là những người khuyết tật vận động, tự sinh hoạt vệ sinh cá nhân được; trí óc bình thường; không run tay, run chân; trình độ văn hóa tối thiểu là lớp 5; độ tuổi từ 15-30. Hằng ngày, các em sẽ được học tin học văn phòng vào các buổi sáng, chiều học Tiếng Anh giao tiếp và kỹ năng mềm.

Khó nhất là hướng dẫn các em học, làm quen với máy tính. Nhiều em khi đến đây mới biết đến máy tính, thầy Hùng phải chỉ cho từng em một, giải thích sao cho các em hiểu và tự mình làm được mới chuyển qua phần khác. Kết thúc mỗi buổi học, các em được giao bài tập để rèn kỹ năng, thao tác.

Đến lớp học, đồng thời cũng là nhà này, các em không phải đóng học phí, chỉ đóng 1 triệu một tháng cho tiền nhà, điện nước, ăn uống, sinh hoạt. Ở đây, mọi người sống chung với nhau như một gia đình. Mỗi người một việc từ nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp...

Mỗi con người, một số phận

Thầy giáo Hùng, người trực tiếp giảng dạy cho các học viên ở đây cũng là một người khuyết tật. Anh mãi mãi mang trong mình hình dáng của một đứa trẻ con chỉ mới lên năm, lên sáu (người thầy chỉ cao 114 cm và nặng 18 kg). Ở nhà, mẹ anh mắc bệnh tật nằm liệt giường cả năm nay, bố chỉ làm ruộng nên cuộc sống khá vất vả. Cảnh mẹ đau đớn mỗi ngày, anh thấy thật bất lực, chỉ ước giá mình cao lớn hơn một chút thì sẽ có cơ hội được tuyển dụng, thầy Hùng chia sẻ.

Bản thân đã biết đến Trung tâm Nghị lực sống từ lâu nhưng vì hoàn cảnh gia đình khiến anh ngại ngần chưa muốn nộp đơn. Cho đến khi anh có dịp gặp hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng, suy nghĩ của anh đã hoàn toàn thay đổi và đã quyết định tìm đến Trung tâm.

Thầy Hùng đang giúp em Cường thực hành

“Trung tâm như là cánh cửa mở ra tương lai với nhiều hoạt động: giao lưu với các sinh viên, gặp gỡ và học tiếng Anh với người nước ngoài, được đào tạo nghiệp vụ bán vé máy bay, học các kỹ năng giao tiếp, bán hàng… Tôi hiểu ra, người khuyết tật cũng có thể đóng góp nhiều điều có ích cho xã hội”, thầy Hùng chia sẻ.

Hay như trường hợp của học viên Lê Quốc Sơn (Hải Phòng) bị khuyết tật bẩm sinh, nói ngọng, đi lại khập khiễng, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Khâm phục ý chí và nghị lực của anh Nguyễn Công Hùng, Sơn quyết tâm nộp đơn xin vào trung tâm học hỏi. Hằng ngày, sau mỗi buổi học với thầy giáo ở trên lớp, Sơn lại tự mày mò, ôn lại những gì đã được học, kiên trì hiện thực hóa giấc mơ thành tài.

Học viên Nguyễn Thị Quyên (Nam Định) bị khuyết tật vận động từ nhỏ. Trước khi tham dự vào lớp học, Quyên đã từng tự ti khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Giờ đây gặp được nhiều người đồng cảnh ngộ, Quyên dễ dàng cởi mở, hòa đồng hơn với mọi người.

Không bao giờ đầu hàng, quyết vượt lên số phận

Dù có bị số phận ngược đãi đến nhường nào, những con người khuyết tật trong lớp học ấy chưa bao giờ bỏ cuộc. Họ miệt mài học tập ngày đêm để mong chờ vào một tương lai tươi sáng, có thể tự lập được, không phải phụ thuộc vào ai.

Thầy Hùng vẫn hàng ngày đến lớp, truyền cho những học viên khuyết tật đam mê và kiến thức về tin học. Bên cạnh đó, thầy Hùng cùng trung tâm làm hồ sơ kêu gọi tài trợ, tìm kiếm việc làm ở các công ty giúp các học viên có thể tự lo được cuộc sống. Có những bộ hồ sơ thầy Hùng phải 4, 5 lần đi sửa thông tin mới hoàn thiện được.

May sao vẫn còn nhiều nhà hảo tâm trong xã hội đã giúp đỡ để trung tâm còn đứng vững được đến ngày hôm nay. Tuy lương của trung tâm trả cho thầy Hùng chỉ là 2 triệu đồng hoặc có khi không có, thầy Hùng vẫn nhiệt tình chỉ dạy cho các học viên, quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng.

Giờ học tiếng Anh giao tiếp và kỹ năng mềm

Học viên Bùi Thế Cường (Yên Dũng, Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi mong người bình thường hãy nhìn người khuyết tật với con mắt công bằng hơn. Bởi vì người khuyết tật cũng có thể đóng góp nhiều điều có ích cho xã hội. Thậm chí có những đóng góp của người khuyết tật đã gây được tiếng vang”.

Nhắn nhủ thêm, học viên Nguyễn Thị Thơ (Hà Nam) nói: “Tự tin và sống vui vẻ là hai yếu tố quan trọng để người khuyết tật bước vào cuộc sống. Đến lớp học em cảm thấy mình trưởng thành hơn, tự tin và vui vẻ hơn trước nhiều. Người khuyết tật hãy tận dụng cơ hội khi có thể và cố gắng tự lập mới có thể trở thành con người có ích cho xã hội”.

Nguyễn Thị Xuân (Nam Đàn, Nghệ An) chia sẻ: “Sau khi kết thúc khóa học, tôi được trung tâm giới thiệu việc làm tại công ty Liên doanh Việt Nam – Đan Mạch (ESOFTFLOW). Cuộc sống hằng ngày tuy có nhiều khó khăn trong sinh hoạt, nhưng tôi thấy vui và thoải mái vì bản thân đã bớt một phần gánh nặng cho gia đình.

Tôi đang cố gắng làm tốt công việc này để có tương lai tốt hơn. Tôi cảm ơn bố mẹ, các anh chị ở Nghị lực sống cùng các anh chị đồng nghiệp trong công ty đã giúp tiếp thêm cho tôi niềm tin trong cuộc sống”.

"Mong sao các tổ chức xã hội quan tâm, tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho người người khuyết tật được học tập, làm việc như những người bình thường khác. Để cho các bạn khuyết tật sớm ổn định được công việc, có thể tự nuôi sống bản thân", thầy Hùng tâm sự.

Nguyễn Hoan

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.