Long “xẩm”

07:28 | 22/07/2015

1,397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo những người đi trước, cùng với nhóm bạn nghệ sĩ đồng lứa, nhà nghiên cứu - nghệ sĩ trẻ Quang Long đang góp “công quả” đưa nghệ thuật hát xẩm cổ truyền về gần hơn với công chúng. Và thêm nữa, lại cùng kiến tạo với khán giả những chuyển động mang màu sắc mới cho môn nghệ thuật vừa dân dã vừa ẩn chứa nhiều nét tinh tế này.

Mới đây, ngồi trà đá với bạn tại vỉa hè Cổ Tân gần Nhà hát Lớn Hà Nội, Quang Long lại nghĩ xem làm cái gì mới mới. Anh bảo, có thể dịp Ngày thơ Việt Nam 2016 sang năm ta tự làm một cuộc hát thơ chẳng hạn, chọn lấy một số bài mới thật hay của các nhà thơ rồi lồng điệu, một bài có thể biểu diễn thành hai, ba tiết mục khác nhau bằng xẩm, quan họ, trống quân…

Càng nói, nhạc sĩ lại càng hào hứng với những điều mới: Các nhà thơ, đương nhiên là có mặt rồi, sẽ cùng các nghệ sĩ chia sẻ với người nghe về những cảm nhận khi tác phẩm được thể hiện bằng những cách khác nhau qua nghệ thuật truyền thống, sẽ rất thú vị đấy! Mà cũng không cần phải đến Ngày thơ, dịp Trung thu cũng có thể làm được, làm không tốn kém mấy đâu, vì các nhà thơ và nghệ sĩ dễ tính lắm!

Quang Long thường xuyên để tâm đến việc khai thác, tìm lời mới cho xẩm. Và không chỉ có thế, mấy năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - Phó trưởng ban Biên tập NXB Âm nhạc, cứ háo hức trong cái ý tưởng nghĩ ra cái gì để làm, thỉnh thoảng phải tìm hình thức nào mới mới, khác khác một chút để đưa nghệ thuật xẩm đến với công chúng trên một nền tảng gốc gác cổ truyền. Mà công chúng ấy, nay đã thành một lực lượng đông đảo, nhiều thành phần, lứa tuổi, theo thời gian từng năm, đã gần gũi hơn, quen thuộc hơn với hát xẩm. Môn nghệ thuật chạy vắt vẻo trong cõi nhân sinh bao trăm năm, đã nhiều phen lên trầm xuống bổng, đã lấm láp, đã bền bỉ mà lăn lóc để đến giờ, nay đang trổ lên bằng sức sống của cỏ. Và Quang Long, trong nhịp trở về của một di sản đọng máu thịt cha ông, một di sản mang hồn vía đời sống thế tục bao lớp người làng mạc, quán xá, bến bãi, đường xa, anh đang cùng đồng nghiệp tự nhận lấy trách nhiệm làm một khóm cỏ trong thảo nguyên ấy.

Được nói gì đó về xẩm với mọi người, Long rất thích, anh đang đi học nghiên cứu sinh để làm luận án tiến sĩ về xẩm, học được gì, biết được gì, anh muốn nói ra để công chúng cùng chia sẻ, cho những hiểu biết phổ thông về xẩm được nhiều lên, được phong phú thêm. Anh bảo, nói ra, chia sẻ, có những cái mọi người còn bổ khuyết cho mình nữa chứ đâu phải mình nghiên cứu hay biểu diễn mà tự coi là biết hơn người được. Có những con người rất hay, những tư liệu rất quý và độc đáo mà mình phải lên tiếng, phải kết nối thì qua dây dẫn người này người khác, ta mới tìm đến được.

Trả lời câu hỏi, nếu hình dung xẩm có thể được biểu diễn tương đối phổ biến trong không gian quán xá hay di tích một cách thường xuyên hơn và có nhiều công chúng thì liệu có lạc quan hay ảo tưởng quá không. Quang Long bảo không, trong kho tàng nghệ thuật truyền thống, có lẽ xẩm là nghệ thuật mở nhất. Vì xẩm không quá câu nệ việc phải hát cho đối tượng nào, ở đâu. Cứ có ai nghe hát xẩm, ở bất kỳ nơi đâu thích hát xẩm thì ở đó chính là môi trường cho hát xẩm. Và anh ngẫm nghĩ: Hà Nội cần tôn vinh và tạo nhiều điều kiện cho xẩm. Vì xẩm đã gắn bó và trở thành một loại hình nghệ thuật âm nhạc đường phố hết sức độc đáo của Hà Nội. Rất cần có những khuyến khích và tạo những điều kiện tốt nhất cho xẩm có được cơ hội góp tiếng đàn lời ca ở những nơi xưa kia xẩm đã từng sống như không gian các ngôi nhà cổ ở phố cổ hay các địa điểm ngoài trời ở Bờ Hồ, Hàng Đào...

Nỗ lực của các nghệ sỹ chèo Nỗ lực của các nghệ sỹ chèo
“Ca trù trở lại” ấm lòng người nghe “Ca trù trở lại” ấm lòng người nghe

Ước mơ như thế, và mỗi khi có cơ hội là Quang Long lại hăng hái cùng bạn bè nhập cuộc. Giống như một dạo thường xuyên, anh trợ lực rất tốt cho nghệ sĩ Thao Giang, cuốn vào với sân khấu xẩm Hà thành bên cửa chợ Đồng Xuân vào mỗi tối cuối tuần, cùng với các “sao” như NSƯT Văn Ty, NSƯT Thanh Ngoan… và nhiều đồng nghiệp trẻ khác. Dịp sau này, mỗi khi nhóm nghệ sĩ trẻ như Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Khương Cường, Văn Hải, Công Dũng…, mà mỗi người làm việc ở một cơ quan khác nhau, thống nhất được ý tưởng, nội dung, có khi lại cùng bỏ tiền, bỏ công ra để “chơi” xẩm phục vụ khán giả. Nếu có thù lao, bồi dưỡng thì cũng chẳng đặt nặng vấn đề, dù cũng ý thức rằng, chẳng ai cứ hát không mà sống được.

Đầu năm nay, nhờ được kiến tạo từ các mối quan hệ thiện chí, Quang Long với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Thanh Dần, nhạc sĩ Giáng Son… theo GS Hoàng Chương đi diễn âm nhạc truyền thống khai xuân cho cộng đồng người Việt và khán giả nước ngoài ở Pháp, Đức. Đi diễn rất hào hứng, dù chuyện máy bay, xe cộ, ăn nghỉ cũng phải vận động chán, còn bồi dưỡng thì gần như… trừ vào đó. Nhưng vẫn vui say, vì có cuộc này sẽ bắc cầu sang cuộc khác, sang những chuyến đi khác, để được hát, được nói cho người Việt ta nghe về xẩm, về âm nhạc cổ truyền quý báu của nước Việt. Ai nấy đều sung sướng và nhẹ nhõm khi góp được một tiếng nói bằng nghệ thuật truyền thống, được khán giả ủng hộ, nghĩ cũng thỏa lòng với những công sức lại hoàn toàn “free” của mình.

Nhạc sĩ trẻ này còn có nét đáng quý của một người hào hiệp. Anh sẵn lòng giúp đỡ khi ai đó làm các công việc nghệ thuật, có khó khăn muốn “cầu viện”. Mấy năm trước, khi tôi nói về ước mơ xuất bản một album quan họ cổ của nhóm nghệ sĩ kỳ cựu đoàn quan họ Bắc Ninh - Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải và học trò Đình Vũ, Quang Long hết sức kết nối, sắp xếp để việc ghi âm, in đĩa và ra mắt CD “La rằng” gồm 10 bài quan họ cổ ở NXB Âm nhạc diễn ra trôi chảy với mức chi phí thấp nhất, cũng đồng nghĩa với việc NXB rất hỗ trợ các nghệ sĩ về phương tiện, không gian. Nói thế vẫn chưa đủ vì anh còn mất nhiều công vào việc chạy Hà Nội - Bắc Ninh, trao đổi với các nghệ sĩ, góp ý về bài bản, biên tập, theo dõi trình bày, in đĩa, lại còn động viên rất nhiều với những giọng ca ở tuổi xế chiều vốn mang nhiều nỗi niềm về những thiệt thòi nghề nghiệp, lúc muốn làm đĩa, lúc lại đắn đo.

Công việc suôn sẻ, nhiều báo có bài khen ngợi, nhưng anh vẫn cứ băn khoăn mãi, tiếc quá, dịp này bên tớ không có dự án nào để có thể hỗ trợ cho các “cụ” chút ít. Một bận khác, nghệ sĩ trẻ Ngô Hồng Quang làm CD “Song hành” ở Hà Lan, pha trộn cổ nhạc Việt Nam do Quang thể hiện với phần phối hiện đại của một nhạc sĩ Hà Lan, Long cũng hết sức giúp Quang về bài bản xẩm được sử dụng trong ấn phẩm, mail qua mail lại, giảng giải nội dung, góp ý nhiệt tình với Quang về âm hưởng và cách thể hiện tác phẩm. Đến khi Quang mang đĩa về nước phát hành với điều kiện thật sự có hạn, Long lại nhiệt tình giúp việc gặp gỡ bạn bè báo chí để giới thiệu một ấn phẩm mới lạ đến công chúng.

Nhiều những việc như thế, thường mất công mất buổi nhưng nghệ sĩ - nhà nghiên cứu trẻ dường như không gợn một mảy may so đo tính toán. Lúc nào cũng vô tư, cũng “free” và vui. Anh đồng cảm với mọi người trong buổi khó khăn tự bỏ vốn, bỏ tâm sức ra phục hồi, quảng bá và làm mới nghệ thuật truyền thống mà chính anh cũng là một trong số đó, “ăn cơm nhà vác rá chạy quanh” vì xẩm. Có cái gì hay thì nên đưa ra, anh nghĩ thế, nếu nó thêm hứng thú, thêm những ý tình và sự cảm động trong đời sống tinh thần của người ta thì thật là tốt biết mấy!

Long lại mới về Bắc Ninh thăm các nghệ sĩ quan họ. Anh mang theo cuốn sách nghiên cứu, biên soạn lời xẩm của cố chuyên gia Trần Việt Ngữ cho nghệ sĩ Tự Lẫm. Ông Lẫm mấy năm này cuốn thêm vào xẩm, tập hát mãi nhưng còn thiếu bài bản, nghe qua băng đĩa thì có những chữ không rõ. Có cuốn sách trong tay, ông mừng lắm! Long lại bảo, hôm nào con mang về cho “cụ” cái sênh sứa nữa, nhịp thêm vào cho nó nhộn. “Cụ” khéo “đẩy” một ít quan họ vào là ra cái chất riêng của mình đấy! Tôi là dân ngoại đạo, không hiểu cái gợi ý ấy có nên chăng, phải chờ ông Lẫm thời gian nữa đã. Nhưng những “ý đồ” của Long để phát triển, thêm màu sắc cho nghệ thuật trên nền gốc gác cơ bản, tôi thấy cũng rất hay!

Quang Hưng

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.