Lòng dân - vận nước

22:14 | 23/05/2016

940 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối buổi chiều ngày 22-5, hầu hết các khu vực  đã hoàn thành việc bầu cử, với tỷ lệ đi bầu rất cao. Tại nhiều địa phương con số đó gần như tuyệt đối. Hơn 69 triệu cử tri đã tham gia ngày hội non sông.

Dân ta đã đi bầu cho tương lai của đất nước, của chính mình! Vâng, không chỉ bầu cán bộ ra gánh vác công việc ở nhiệm kỳ 5 năm 2016-2021, mà các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này có nhiệm vụ rất quan trọng. Như đòi hỏi và kỳ vọng của nhiều cử tri, nhiệm kỳ này phải là gạch nối cho sự phát triển, cho những điều tốt đẹp trong tương lai. Bởi như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo chí sáng 22-5 đã nói: “Cảm ơn cử tri và nhân dân cả nước. Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Hơn 69 triệu cử tri đã đi bầu cử 500 đại biểu Quốc hội và gần 4000 đại biểu HĐND cấp tỉnh và thành phố…”. 

long dan van nuoc
Đồng bào các dân tộc thiểu số hăng hái đi bầu cử

Trước ngày bầu cử, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Hạn hán nặng nề và kéo dài ở các tỉnh Tây Nguyên, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dọc các tỉnh miền Trung, môi trường biển ô nhiễm, thảm họa cá chết, ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con ngư dân… Điều cực kỳ nguy hiểm là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị. Họ kêu gọi người dân biểu tình vì môi trường. Họ tung ra nhiều thông tin thất thiệt, xuyên tạc sự thật, hòng bôi nhọ một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Họ dựng lên “màn chào hỏi” bằng cách nói lập lờ, rằng chính quyền đang vô trách nhiệm với dân qua một số sự việc nghiêm trọng gây thiệt hại nặng về kinh tế vừa qua. Từ đó, kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử, không bầu cho những người có chức vụ cao trong bộ máy Đảng, chính quyền (!). Nhưng nhờ dân chủ, công khai, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu rõ những luận điệu sai trái nhằm chống phá cuộc bầu cử, chống phá việc xây dựng một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, như Hiến pháp năm 2013 đã hiến định.

Sẽ đọng lại mãi trong tâm trí những người dân Việt cuộc bầu cử khóa 14, cuộc bầu cử diễn ra sau Đại hội Đảng lần thứ XII, Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng, kiến tạo con đường trong 5 năm tới và tầm nhìn trong tương lai. Đọng lại trong tâm trí chúng ta hình ảnh những cử tri từ mỏm đất Lũng Cú, cực bắc, đến mũi Cà Mau cực nam Tổ quốc. Ở nơi biên giới xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nơi con gà gáy ba nước cùng nghe, bà con các dân tộc BRâu đã thức dậy cùng tiếng gà gáy, đi bộ 3, 4 cây số để đến nơi bầu cử. Còn ở nhiều xã vùng cao ở Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, sáng sớm ngày hội lớn, mưa tầm tã ầm ầm trút nước làm cho giao thông trắc trở. Mây mù dày đặc phủ kín các ngọn núi, tầm nhìn xa chỉ vài chục mét, nhưng bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái… trong những bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc vẫn hồ hởi đổ về các khu vực bỏ phiếu.

Điều gì mới nhất trong cuộc bầu cử lần này? Có nhiều điểm mới. Đó là chất lượng đại biểu rất cao. Ở nhiều khu vực bầu đại biểu Quốc hội, bà con nói với nhau rằng, trong 5 vị ứng cử thấy ai cũng xứng đáng, toàn người học hành cao, giáo sư, tiến sĩ, anh hùng, có nhiều cống hiến, mà chương trình hành động cũng rất cụ thể, có đầu việc rõ ràng. Vậy nên, phải cân nhắc kỹ để bầu người xứng đáng nhất trong những  người xứng đáng. Đó là tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi; tỷ lệ giữa đại biểu Trung ương và địa phương đều bảo đảm, hợp lý, chứng tỏ sự sàng lọc rất kỹ lưỡng, chuẩn xác qua ba lần hiệp thương. Đó là việc tuyên truyền công khai kết quả kiểm phiếu; báo chí tham gia giám sát việc kiểm phiếu. Có một điểm mới khiến cho những người trong cuộc - người đi bầu cử rất xúc động: những người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đều được ghi tên vào danh sách cử tri, được bỏ phiếu chọn người đại diện.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công tốt đẹp. Cả nước đã có 98,77% cử tri đi bầu, trong đó  nhiều nơi 100% cử tri đi bầu cử.

Nhưng đó mới là thành công của một cuộc bầu cử. Đó chưa phải là thành công của nhiệm vụ xây dựng một nền dân chủ thật sự. Bởi đó là nhiệm vụ hết sức to lớn và nặng nề của Quốc hội và HĐND các cấp. Vì vậy, cử tri “đặt hàng” nơi các vị có vinh dự trúng cử trở thành người đại diện cho dân rất nhiều việc. Đối với Quốc hội, cùng với việc thực hiện tốt chức năng của cơ quan lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, còn phải làm tốt công tác đối ngoại nghị viện, nhất là trong tình hình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Biển Đông đang dậy sóng như hiện nay.

Đối với các đại biểu Quốc hội, HĐND cử tri mong muốn và đặt niềm tin lớn nơi các vị. Nhưng, nói như nhiều cử tri qua các cuộc tiếp xúc: Phải cải tiến cách tổ chức tiếp xúc cử tri. 8 lần tiếp xúc cử tri mỗi năm là không ít, nhưng còn nặng hình thức. Phải có cách để đại biểu sống cùng dân, nghĩ cùng dân, hiểu lòng dân. Chúng tôi chán lắm rồi những động từ nhàm chán, như: tăng cường, đẩy mạnh, phối hợp… Chúng tôi chán lắm rồi những tính từ hoa mĩ, cốt cho đẹp lòng, cán bộ hứa thì to, hành thì nhỏ. Hãy hành động vì dân, vì nước, mà quên đi cái tôi, cái lợi ích cá nhân, như Bác Hồ đã căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Được như thế thì nhất định lòng dân yên, vận nước lên, thế nước mạnh!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý lớn nhất của quyền làm chủ của nhân dân. Không khí bỏ phiếu đã thể hiện sự dân chủ và trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền của mình.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Chúng ta đều mong muốn các cơ quan lập pháp này hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn, các đại biểu gần gũi với cuộc sống và phản ánh những tâm tư, suy nghĩ của người dân.

Cụ Lê Thị Diệu Muội, 94 tuổi, lão thành cách mạng, cử tri phường Vinh Phúc, quận Ba Đình Hà Nội: Cử tri cả nước sẽ lựa chọn ra những người xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia Quốc hội khóa XIV.

Bà Nguyễn Thị Ở, 52 tuổi, cử tri xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, có chồng và một người con cùng 33 ngư dân thiệt mạng trong cơn bão Chan Chu tháng 5-2006: Mình phải cùng những phụ nữ trong làng đi bỏ phiếu để chọn người đủ đức, đủ tài góp sức cho đất nước.

Trần Mỹ Linh, sinh viên ngành Ngôn ngữ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - người được vinh dự tặng hoa chào đón Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Nam: Tay Ngài Barack Obama ấm lắm! Nghe câu hỏi tên với cảm ơn thôi mà cũng thấy ngọt ngào.

Hải Đường

Năng lượng Mới số 525

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc