Lỗi từ bốn phía

07:00 | 29/09/2016

517 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc bé trai học lớp 4 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội va chạm vào chiếc xích lô chở tôn đang chuẩn bị dỡ hàng bị tử vong làm xôn xao dư luận.

Có nhiều ý kiến trái chiều về người chở tôn, cháu bé đi xe đạp và người thuê vận chuyển. Đây còn là sự cảnh báo đối với các cơ quan chức năng trong việc buông lỏng quản lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn lưu thông trên đường phố, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe đạp và xe xích lô đều là phương tiện thô sơ tham gia giao thông đường bộ. Do đó, vụ tai nạn trên đường giao thông sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ xử lý tương ứng với nhóm tội phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Bộ luật Hình sự 1999.

loi tu bon phia
Hiện trường vụ tại nạn

Vụ việc cháu bé học sinh lớp 4 bị tai nạn thương tâm do va vào xe xích lô chở tôn dùng lợp mái nhà được xác định là lỗi hỗn hợp.

Thông thường, lỗi do vi phạm Luật Giao thông gây tai nạn thì sẽ xem ai là người phạm luật. Trong trường hợp này, cần phải phân tích rõ nguyên nhân. Thứ nhất là người điều khiển phương tiện thô sơ (xe xích lô) đã vi phạm Khoản 4, Điều 31, Luật Giao thông đường bộ, hàng hóa xếp trên xe không bảo đảm an toàn, gây cản trở giao thông.

Theo ý kiến của các luật sư, hành vi của người điều khiển xích lô có mối quan hệ nhân quả với cái chết cho cháu bé nên người điều khiển xích lô có dấu hiệu vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Điều 202, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, có một tình tiết đáng chú ý là người điều khiển xích lô đang ở trạng thái dừng xe sát lề đường chứ không phải đang lưu thông nghênh ngang giữa đường. Những tấm tôn đã được chở đến địa điểm nhận hàng và chuẩn bị được dỡ xuống.

Còn lỗi của cháu bé điều khiển xe đạp thì Điều 63, Luật Giao thông đường bộ quy định điều kiện của người điều khiển xe thô sơ tham gia giao thông là phải có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn; hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.

Nhưng đang là học sinh lớp 4, lứa tuổi trẻ em, hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên khi đi xe đạp trên đường cháu bé đã thiếu quan sát, hoặc do đang vui đùa với các bạn nên đã va vào tấm tôn trên xe xích lô đang chuẩn bị dỡ hàng bên lề đường, khiến cháu tử vong.

Nếu người lái xe xích lô hoặc gia đình người lái xe xích lô bồi thường trách nhiệm dân sự cho gia đình người bị hại và người bị hại có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể được cơ quan điều tra xem xét không khởi tố là cũng có căn cứ và đúng pháp luật.

Đối với người thuê chở hàng cũng thiếu cẩn trọng khi chọn phương tiện vận chuyển không bảo đảm an toàn nên cũng có phần trách nhiệm trong vụ này.

Còn về phía cơ quan chức năng, lâu nay, xích lô chở hàng đã bị UBND TP Hà Nội cấm lưu hành trên địa bàn thủ đô nhưng một số người vẫn cố tình dùng xích lô để vận chuyển hàng hóa trên đường phố. Đây là lỗi hành chính và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Vấn đề ở chỗ, cấm xích lô chở hàng nhưng lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát giao thông và công an các khu vực lại không làm triệt để. Hằng ngày, trên khắp nẻo đường thành phố Hà Nội vẫn không hiếm cảnh xe xích lô chở đủ mọi thứ hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, quá tải và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đặc biệt cả trong giờ cao điểm, vẫn có những cảnh xích lô như thế diễn ra. Có phải do thiếu lực lượng giám sát hay do lơ là mà lỗi này bị bỏ qua? Nhiều người dân cũng đặt vấn đề trách nhiệm của cảnh sát giao thông khi để cho chiếc xe xích lô kia lưu thông trên đường. Thế có nghĩa là luật thì cứ quy định, còn thực thi hay không là việc của cảnh sát giao thông!

Nếu thực hiện theo Điều 202, Bộ luật Hình sự thì ông Đinh Ngọc Thạch sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Nhưng hiện nay, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự ông Thạch để điều tra liên quan việc cháu bé tử vong.

Về lý thì như vậy nhưng cũng còn phải xét đến mặt tình. Ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam, tạm trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai). Gia cảnh nghèo khó nên ông phải bỏ quê ra Hà Nội làm thuê kiếm sống. Ông là người con thứ ba trong gia đình nghèo có 8 người con, bố mẹ và hai người em ông đã mất vì bệnh tật, người em út lại mắc bệnh tâm thần. Bản thân ông cũng là người chịu nhiều ảnh hưởng từ chiến tranh, khi ra quân lưng bị còng xuống, đồng đội quen gọi ông bằng cái tên “Bình còng”. Ông đang ở trong ngôi nhà lụp xụp, hoen ố những mảng tường đã bị long tróc nham nhở; tài sản không có gì giá trị.

Ông Thạch vốn là bộ đội Sư đoàn 356, từng chiến đấu ở biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hơn 30 năm trước. Sau khi ra quân, ông lập gia đình và có con. Do cuộc sống gia đình có nhiều trắc trở nên vợ chồng ông không sống cùng nhau, ông phải một mình đi làm thuê để tồn tại. Mấy ngày nay, gian nhà nhỏ chỉ có đồng đội và người thân, hàng xóm đến thăm hỏi ông.

Ông Thạch từng bị thương vào đầu, mang thương tật 19% từ năm 1985, trong chiến tranh biên giới, nhưng giấy tờ chứng nhận thời gian đi bộ đội cũng mất hết nên không thể làm làm hồ sơ để hưởng khoản trợ cấp nào. Nhưng cũng không bao giờ ông lợi dụng danh nghĩa là lính Vị Xuyên mà chỉ đồng đội ông mới biết.

Những đồng đội cựu chiến binh Sư đoàn 356 đang tìm cách xin cho ông Thạch tại ngoại vì biết sức ông rất yếu. Vì đồng đội từng vào sinh ra tử không nỡ bỏ nhau trong cơn hoạn nạn. Họ mong muốn mọi người có một cái nhìn cảm thông và chia sẻ hơn với ông Thạch.

Vì những lẽ đó, không thể quy kết tất cả tội lỗi cho ông Thạch mà lỗi do cả bốn phía nói trên gây ra. Cũng từ đó mà cơ quan chức năng cần xem xét việc xử lý thích hợp chứ không nên quy chụp ông vào lỗi hình sự nặng nề như luật quy định.

Đức Toàn

Năng lượng Mới 561

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc