Lời giải cho bài toán bất động sản bỏ hoang

20:49 | 16/04/2012

528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Mấy năm gần đây, hiện tượng bất động sản (BĐS) bỏ hoang đang tại Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là sau quãng thời gian thị trường BĐS “đóng băng”. Bài toán BĐS  bỏ hoang đang trở thành một trong những vấn đề khiến các cơ quan quản lý và người dân tại nhiều khu đô thị rất bức xúc.

Sẽ có chính sách thu thuế đối với nhà ở.

Kết quả điều tra mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, tỉ lệ căn hộ chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng đạt gần 100% thì tỉ lệ nhà liền kề lại chỉ đạt 80%, còn đối với biệt thự thì tỉ lệ này chỉ là 58%. Từ đó để thấy rằng, có tới 42% số biệt thự hiện đang bị bỏ hoang.

Và theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì hiện tượng BĐS bỏ hoang không chỉ là gây ra hàng loạt các vấn đề xã hội như tệ nạn xã hội, sự phân hóa giàu nghèo,… mà còn là sự hoang phí lớn tài sản nhà nước. Và mới đây, tại buổi họp báo giới thiệu về dự thảo đề án “Khai thác nguồn lực tài chính đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020” của Bộ Tài chính, rất nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự đều nhân mạnh: cần phải có những công cụ chính sách mạnh mẽ hơn nữa với loại hình BĐS này để từng bước xoá bỏ những hệ lụy đáng tiếc trên với xã hội.

Ông Phạm Đình Cường – Cục trưởng Cục quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc đánh thuế nhà đối với những người sở hữu từ nhà thứ 2 trở lên. Việc đánh thuế ra sao thì sẽ phải bàn kỹ. Trước mắt mức thuế nhà sẽ thấp, để người dân có ý thức tự kê khai. Ví dụ, nhà 50m2 thì chịu thuế 500.000 đồng/năm chẳng hạn… Và để chống tình trạng đầu cơ, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ giao dịch nhà đất. Theo đó, mọi giao dịch phải thông qua sàn giao dịch bất động sản và thanh toán qua các tổ chức tín dụng. Tức là khi xuất trình hợp đồng chuyển nhượng để làm giấy chuyển nhượng thì phải có hợp đồng thanh toán qua ngân hàng. Quy định này nếu được triển khai còn hạn chế giao dịch thanh toán bằng tiền mặt và ngăn trốn thuế.

Với riêng BĐS bỏ hoang, Bộ Tài chính cũng đang tính sẽ đánh thuế với biệt thự bỏ hoang. Tuy nhiên, việc đánh thuế do Quốc hội quyết định, trong khi để xây dựng chính sách thuế mới rất công phu và mất nhiều thời gian. Thêm nữa, một chính sách thuế mới để đi vào cuộc sống được phải mất vài năm nên Bộ Tài chính cân nhắc chuyển sang cách khác. Có thể sẽ thu loại phí thay vì thu thuế.

Có mặt tại buổi họp báo, GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: Nên đánh thuế nặng biệt thự bỏ hoang như các nước đã làm mới tránh được đầu cơ, làm mất mỹ quan đô thị, chứ chỉ thu phí nhẹ nhàng thì khó có tác dụng. Còn thuế nhà thì Nhà nước nên tập trung đánh thuế nhà tại đô thị, có thể miễn thuế nhà tại nông thôn và miền núi.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Việc đánh thuế nhà thì Bộ Tài chính nên xem xét cụ thể, đừng phân biệt nhà nào đắt thì đánh thuế còn nhà nào rẻ thì bỏ qua, nhưng chỉ nên đánh thuế thấp thôi, khoảng 100.000 đồng/năm. Như vậy nhà nước vẫn thu được khoản ngân sách khá lớn, chứ không phải đánh thuế cao một vài đối tượng và trừ miễn hết anh này anh khác rồi mang tiếng là đánh thuế nặng. Điều đó rất dễ xảy ra tình trạng trốn tránh, kêu ca, xin – cho và cuối cùng là dẫn đến tham nhũng.

Thanh Ngọc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc