Lời cay nghiệt dành cho nước Nga

17:32 | 04/02/2016

3,203 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một quốc gia tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm làm lành mạnh hóa là chuyện nên làm và hết sức bình thường. Tuy nhiên thông báo của Nga về việc tư nhân hóa 7 công ty quốc doanh lớn vào lúc này lại đang bị truyền thông dành cho lời cay nghiệt: “Thiếu tiền, Nga tính bán tài sản” hay “Bán tài sản quý, Nga sa vào thế bí”...
loi cay nghiet danh cho nuoc nga
Tổng thống Putin yêu cầu minh bạch tối đa trong các giao dịch tư nhân hóa

Quả thực Nga đang chuẩn bị một chiến dịch tư nhân hóa nền kinh tế trên quy mô lớn. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexei Ulyukayev cho biết ngân sách đang thâm hụt, và việc bán cổ phần là cần thiết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo về các điều kiện cứng rắn trong chủ trương tư nhân hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng e ngại rằng nếu thực hiện không chặt chẽ thì chủ trương này có khả năng bị lợi dụng để phục vụ lợi ích nhóm.

Trong những năm gần đây, chính phủ Nga đã nhiều lần công bố chiến dịch tư nhân hóa quy mô lớn, nhưng mỗi lần đều không đề cập đến sự suy giảm thực sự của nguồn sở hữu nhà nước.

“Chúng ta luôn nói đến tư nhân hóa, nhưng trong nhiều năm nay, các kế hoạch tư nhân hóa tỏ ra khá xa rời so với thực tế, khi mà ngân sách thu vào số tiền lớn hơn nhiều so với việc bán ra các các sở hữu nhà nước” - cựu Thứ trưởng Tài chính Alexei Savatyugin cho biết.

Vấn đề tư nhân hóa trong một thời gian dài được gọi là “chín muồi” và “quá chín muồi”. Theo Viện Chính sách kinh tế, có những ước tính khác nhau, nhưng tất cả đều nói lên rằng phần đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước vượt xa 50% GDP.

“Điều đó không giúp cho nền kinh tế phát triển, nó giết chết các đối thủ cạnh tranh, trong khi các doanh nghiệp nhà nước, như một quy luật, hoạt động không có hiệu quả” - các chuyên gia giải thích.

Lần này, chính quyền đã tỏ ra cương quyết. Từ ngày 1/2, Tổng thống Putin đã nhóm họp hội nghị bàn về vần đề tư nhân hóa. Cuộc họp có sự tham dự của người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước lớn như Tập đoàn dầu khí Rosneft, Tập đoàn khai thác kim cương Alrosa, Công ty dầu khí Tây Siberia Bashneft, Hãng vận chuyển hàng hải Sovcomflot, Hãng hàng không Aeroflot, công ty viễn thông Rostelecom, công thủy điện nhà nước Roshydro, điều đó khiến người ta có thể mường tượng được về danh sách các công ty nhà nước có cổ phiếu dự kiến sẽ được bán ra. Hiện tại, chính phủ đang nắm giữ phần lớn cổ phần trong các doanh nghiệp trên.

Tổng thống kêu gọi sự minh bạch tối đa trong các giao dịch tư nhân hóa. Ông cũng lưu ý rằng việc kiểm soát các doanh nghiệp chiến lược quan trọng vẫn phải nằm lại trong tay nhà nước. “Không được bán cổ phiếu với giá rẻ mạt như cho không” – Tổng thống Putin đưa ra điều kiện thứ ba cho việc tư nhân hóa.

Ngoài ra, Tổng thống đã đưa ra một số yêu cầu đối với người mua tiềm năng: họ phải là các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, có một chiến lược sẵn sàng cho sự phát triển của tài sản được mua lại, và họ phải phụ thuộc thẩm quyền tư pháp của Nga.

“Những đề án chuyển tài sản ra nước ngoài, che giấu phần sở hữu của các cổ đông… sẽ bị coi là trái pháp luật” - ông Putin cảnh báo, đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư cần phải có phương tiện tài chính của mình để thực hiện các giao dịch tư nhân hóa, hoặc các nguồn tín dụng, nhưng không được lấy từ ngân hàng nhà nước.

Lợi ích nhóm vẫn sẽ thắng?

Dĩ nhiên những yêu cầu cứng rắn mà Tổng thống đưa ra không phải không gây những hạn chế nhất định, theo nhận xét của các chuyên gia.

Nếu thực hiện đúng theo các yêu cầu trên thì trước hết đây không phải là vấn đề đầu tư nước ngoài (hiện đang rất cần thiết cho Nga), mặt khác, không thể không thu hút tiền từ ngân hàng nhà nước, vì trong nước hầu như không có những nguồn khác. Khái niệm người mua tiềm năng cũng chưa được giải thích rõ ràng, và động cơ của họ là gì, khi họ mua tài sản không được bán kèm quyền kiểm soát - các chuyên gia thắc mắc.

Việc cấm bán cổ phần cho các tổ chức nước ngoài cũng là một hạn chế, vì nếu như thế thì chỉ có các nhà đầu cơ nhỏ lẻ đến với thị trường Nga trong thời gian ngắn và chỉ tham gia các dự án nhỏ lẻ chứ không phải các nhà đầu tư lớn có chiến lược làm ăn lâu dài.

Việc cấm huy động vốn từ các ngân hàng nhà nước cũng có thể gây hạn chế. Ở Nga hiện nay, tiền nhàn rỗi (số lượng lớn) chỉ có ở ngân hàng nhà nước và trong một số ít các tập đoàn tài chính - công nghiệp. Như vậy, triển vọng của việc bán tài sản sẽ có thể gây tranh cãi, các chuyên gia nhận xét.

Theo chuyên gia kinh tế Natalia Akindinova, điều quan trọng là phải thực hiện tư nhân hóa theo mối quan hệ thị trường để tài sản (dưới hình thức cổ phiếu) không rơi ngược vào tay những người hiện đang kiểm soát và điều hành chúng một cách kém hiệu quả. Có một sự thật: họ đều là những người rất giàu nên có thể mua được (và nắm giữ) những cổ phần rất lớn. Nếu chủ sở hữu sẽ là những người như thế thì không hi vọng có những thay đổi tốt hơn cho nền kinh tế trong những năm tới, theo bà Akindinova.

Việc giữ lại các gói kiểm soát trong tay nhà nước khiến khu vực kinh tế tư nhân rất khó phát triển, đó cũng là điều cần lưu ý.

Đi tìm “điểm vàng trung dung”

Các điều kiện kinh tế của Nga hiện tại không thể gọi là lý tưởng, Tổng thống Putin thừa nhận trong bài phát biểu của mình. “Tất nhiên, chúng ta biết rằng có một số điều mâu thuẫn, vì thế cần phải tìm một giải pháp trung dung” - Tổng thống Nga nói.

Mặc dù phần đông chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay chưa phải là thời điểm thuận lợi nhất cho việc thực hiện chủ trương tư nhân hóa, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Alexei Ulyukayev vẫn muốn tiến hành, vì theo ông, không có sự lựa chọn nào khả quan hơn.

Ông cho rằng điều kiện thị trường hiện có những lợi thế nhất định cho việc bán tài sản nhà nước. Khi giá dầu tăng, nhu cầu bù thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ không còn, và các ưu đãi trong thực hiện việc tư nhân hóa cũng sẽ ít hơn, ông nói. Ngoài ra, ngân sách hiện nay thực sự cần tiền, và do đó giá trị của đồng tiền thu vào là cao hơn.

“Khi bạn sắp chết đói, nếu có người đưa cho bạn 100 rúp để mua bánh mì thì số tiền nhỏ nhoi ấy giá trị hơn nhiều so với khi bạn đang giàu có mà ai đó quyết định cho bạn 1.000 rúp” - ông Ulyukayev kết luận.

Nh.Thạch

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc