"Loạn" y tế tư nhân: Tính mạng bị đánh cược

06:48 | 01/09/2013

1,325 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể nói, hầu hết những ca biến chứng, tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) từ trước đến nay đều diễn ra ở các trung tâm làm đẹp, cơ sở y tế tư nhân, trong khi tại các bệnh viện lớn lại xảy ra rất ít. Tất nhiên, trong ngành y khó nói trước được điều gì, nhưng rõ ràng việc này cho thấy, chuyên môn, đạo đức của các bác sĩ đang hành nghề tại một số cơ sở y tế tư nhân có “vấn đề”.

NLM số 251

Tiền mất tật mang

Vài năm trở lại đây, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện 108 và Khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn có thể nói là những nơi tiếp nhận hầu hết những ca biến chứng do PTTM ở một số cơ sở  tư nhân. Phần lớn những ca này vì nghe theo những lời tư vấn, dụ dỗ ngon ngọt mà chấp nhận làm đẹp bằng mọi cách, bất chấp nguy hiểm để gửi thân mình vào các cơ sở thẩm mỹ chui. Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm bộ môn răng hàm mặt (Bệnh viện 108) cho rằng việc tìm đến các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không có địa chỉ rõ ràng, hoạt động lén lút hậu quả rất khó lường.

Nhân câu chuyện, ông Sơn cho tôi xem một cuốn album với nhiều hình ảnh nạn nhân bị di chứng do PTTM ở những thẩm mỹ viện (TMV) “chui”. Chỉ tay vào bức hình một phụ nữ trước đây bệnh viện từng điều trị, ông lắc đầu: “Đây là một phụ nữ ở quận Đống Đa đến bệnh viện để khắc phục hậu quả sau khi bơm mỡ nhân tạo để vòng 3 được nảy nở. Vì thiếu hiểu biết và nghe tư vấn của một số “cò”, người này đã đồng ý đi đến một cơ sở tư nhân. Oái oăm thay, sau một thời gian, chỗ đường bơm vào không liền, rò dịch màu trắng khiến chị buộc phải nhập viện. Theo chẩn đoán, chị này bị một lỗ rò 0,5cm giữa hai mông, phải tiến hành phẫu thuật để khắc phục hậu quả. Dù vậy, chị vẫn phải chịu hậu quả để lại là một lỗ sẹo rất sâu.

Một bệnh nhân phải cắt một bên ngực do phẫu thuật thẩm mỹ

Trường hợp thứ hai, bệnh nhân L, sinh năm 1981, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình, nhập viện do viêm tấy tuyến vú. Các bác sĩ Bệnh viện 108 kết luận chị bị viêm rò ngực hai bên, cả hai tuyến vú đều có ổ loét đường kính 1,5-2cm. Nguyên nhân cũng được xác định do chị L có đi bơm silicon (hoặc mỡ nhân tạo) vào tuyến vú hai bên tại một phòng khám thẩm mỹ tư nhân. Lần thứ 2 đi bơm cũng tại phòng khám này chị L thấy vú xuất hiện sưng nóng đỏ, đau hai tuyến vú, chảy dịch mủ. Chị L nhập Viện 108 trong tình trạng triệu chứng bệnh đã diễn biến phức tạp, cũng may được phẫu thuật kịp thời. 

Bệnh viện Xanh  Pôn cũng đã tiếp nhận không ít bệnh nhân bị biến chứng sau khi nâng ngực hay điều trị bệnh phì đại tuyến vú tại các cơ sở y tế tư nhân. Có vô số các chị em sau khi nâng ngực không vừa ý phải làm lại rất đau đớn, nguy hiểm và tốn kém.  PGS. TS Trần Thiết Sơn Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, không giống như những quảng cáo hào nhoáng từ các TMV về phẫu thuật ngực an toàn, tai nạn xảy ra từ các ca phẫu thuật vòng một là phổ biến. Tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau, các biến chứng như chảy máu trong ngực, nhiễm trùng... cũng không hiếm gặp.

Trước đây, bác sĩ Sơn cũng đã từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ đến viện trong tình trạng mặt phù nề, nhiễm trùng máu khá nặng do hút mỡ tại một spa trên đường Kim Mã cũng chỉ vì tin theo lời giới thiệu của bè bạn. Khi phải cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn, bà mới kể lại cho bác sĩ Sơn hay, phương thức phẫu thuật khi ấy là bác sĩ người Trung Quốc hút mỡ ở bụng rồi tiêm qua xơ-ranh vào hai mộng mắt và sống mũi của bà. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ sau một tuần, bụng chưa kịp phẳng, da mặt chưa kịp đẹp thì biến chứng xảy ra bà liên tục bị sốt cao tới hơn 40oC, ngay cả khi đã uống thuốc hạ sốt. Bà lập tức quay trở lại phòng khám, thông báo tình trạng sức khỏe cho những người có trách nhiệm ở đây.

Nhưng thay vì được chăm sóc, điều trị về y tế, bà lại chỉ được phục vụ ăn uống hoặc đau quá thì họ chỉ dừng ở cách cho bà uống thuốc hạ sốt, giảm đau. Hơn 1 tháng sau do không chịu đựng được nữa, bà quyết định vào khám tại Bệnh viện Xanh Pôn. Và bà đã được các bác sĩ ở đây chẩn đoán sau khi tiến hành các xét nghiệm: bị nhiễm trùng máu do có trực khuẩn mủ xanh. “Dù được cứu sống, song bệnh nhân này phải đánh đổi một cái giá vô cùng lớn, nhan sắc bị biến dạng, di chứng phải chịu đến hết đời”, bác sĩ Sơn chua xót nói.

Bác sĩ Sơn cho biết thêm, đối với phương pháp hút mỡ bụng tuy được xem là một thủ thuật hợp pháp ở Việt Nam, giúp làm gọn nhiều vùng cơ thể như bụng, đùi, hông... Tuy nhiên, đây cũng là một thủ thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến. Ngoài tình trạng cứng bụng, da lồi lõm, những người hút mỡ còn có thể bị thâm da do xuất huyết, da chỗ cứng chỗ mềm. Nghiêm trọng hơn, nếu bác sĩ hút không đúng vị trí làm tổn thương tĩnh mạch, các tế bào mỡ sẽ bị hút vào mạch máu, gây tắc nghẽn, có thể dẫn đến tử vong do nhồi máu tim, não.

Ú ớ cũng mở phòng mạch

Một chuyên gia TMV cho biết, PTTM là một phần nhỏ trong một chuyên ngành lớn của y học đó là phẫu thuật tạo hình. Mặc dù vậy, theo quy định, kỹ thuật thẩm mỹ phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị tiêu chuẩn, đội ngũ bác sĩ, chuyên gia lành nghề, được cấp phép hoạt động PTTM. Bởi lẽ, song hành cùng với những lợi ích sau khi làm đẹp, thì PTTM cũng có không ít những nguy cơ tai biến tiềm ẩn. Từ đơn giản là tay nghề của bác sĩ kém dẫn đến “kết quả” sau phẫu thuật không đạt được yếu tố thẩm mỹ mà khách hàng mong đợi, cho đến các biến chứng nặng hơn do cơ sở cung cấp dịch vụ không đạt các tiêu chuẩn an toàn y tế, thậm chí còn có thể gây tử vong cho khách. Quy định là như vậy, thực tế thì lại là chuyện khác, nhiều bác sĩ không đủ trình độ vẫn mở phòng mạch và tiếp nhận bệnh nhân. Đấy là còn chưa nói đến những bác sĩ phẫu thuật được cấp giấy chứng nhận cũng có thể phẫu thuật không thành thạo, vẫn không đủ trình độ để làm các ca phẫu thuật phức tạp.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba từng “bật mí”: Một đồng nghiệp vẫn còn đang phải học việc dưới sự hướng dẫn của ông, thế mà đã khai trương một trung tâm PTTM và rất… đông khách. Song, không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra nếu một trong những khách hàng của người đồng nghiệp kia gặp rủi ro.

Người viết cũng xin khẳng định, chuyện “hậu thẩm mỹ” khách hàng sẽ là người mất mát, thiệt thòi hơn ai hết. Nhẹ thì thân tàn ma dại  mang di chứng đến hết đời, nặng hơn thì tử vong. Nhiều người chấp nhận tiền mất tật mang mà chẳng biết kêu ai vì khách hàng và cơ sở làm đẹp không có sự ràng buộc, cam kết nào nếu có biến chứng xảy ra. Trong đó, “tai nạn nghề nghiệp” hay được trưng lên như một tấm “bùa” để làm chìm xuồng những vụ bệnh nhân bị tổn hại sức khỏe hay chết một cách tức tưởi tại cơ sở y tế.

Dư luận vẫn chưa quên cái chết của một phụ nữ Hongkong gốc Việt muốn xóa vết sẹo trên môi tại TMV ở Hà Nội vào đầu tháng Giêng năm nay. Nạn nhân tên là chị Trần Thị Thu Hương, 42 tuổi, quê quán ở Hải Phòng, quốc tịch Hongkong, Trung Quốc đến Thẩm mỹ viện Linh Nhung, tọa lạc tại phố Xã Ðàn, Hà Nội để xóa vết sẹo ở môi trên. Trong khi đang được gây tê, chị Hương đột ngột bất tỉnh rồi hôn mê. Ðược đưa vào bệnh viện cứu cấp, nhưng chị Hương đã tắt thở vào sáng hôm sau. Tại cơ quan công an, các “chuyên gia”, “bác sĩ” này giải thích nguyên nhân khiến khách hàng của họ thiệt mạng trong ca phẫu thuật là “bị sốc phản vệ”. Theo dư luận, cụm từ “sốc phản vệ” luôn luôn được các y bác sĩ nại ra để giải thích cho những tai biến trong y khoa, nhằm né tránh trách nhiệm của mình. Còn chuyên môn yếu kém thì lại ít bác sĩ nào thừa nhận.

Như vậy để thấy, bác sĩ vẫn hái ra tiền từ làm đẹp, móc hầu bao và chấp nhận rủi ro là việc… của khách hàng.

“Để trở thành một bác sĩ giải phẫu  thẩm mỹ, phải học tập 6 năm tại Đại học Y chuyên ngành đa khoa. Kế đến học tiếp định hướng về chuyên khoa thẩm mỹ 24 tháng. Thực hành thêm 54 tháng chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện lớn có giấy phép và có khoa giải phẫu thẩm mỹ được cấp phép của Bộ Y tế. Như vậy, để đào tạo được một bác sĩ chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ thì mất ít nhất là 12 năm.


Tú Anh - Mạnh Kiên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.