Loài người trước nguy cơ bị máy móc kiểm soát

07:05 | 23/03/2017

1,853 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khả năng máy móc phát triển hơn và kiểm soát con người có lẽ không chỉ tồn tại trong phim của Hollywood. Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking vừa lên tiếng kêu gọi thành lập một “chính phủ toàn cầu” để ngăn không cho máy móc phá hủy văn minh nhân loại.

Skynet là cái tên đã gắn liền với nhiều bộ phim hành động khoa học viễn tưởng về chủ đề vũ khí chiến tranh, robot, kẻ hủy diệt. Skynet thực chất là một siêu máy tính do con người tạo ra. Nó có khả năng tự vận hành độc lập, có suy nghĩ và điều khiển toàn bộ hệ thống tiện nghi, quân sự của con người trong tương lai. Nhưng khi Skynet phát triển và thông minh hơn loài người thì nó quay sang điều khiển đội quân robot hủy diệt chính con người.

Kịch bản trên những tưởng chỉ có trong phim lại đang là lời cảnh tỉnh cho việc nghiên cứu trí thông minh nhân tạo ở thế kỷ XXI này. Ngày 7-3-2017, trả lời phỏng vấn tờ The Times của Anh, nhà vật lý học thiên tài Stephen Hawking cho rằng: “Từ thuở bình minh của nền văn minh nhân loại, tính hiếu chiến của loài người trong chừng mực nào đó giúp chúng ta có được những bước tiến rõ nét về khả năng sinh tồn. Cá tính đó được lập trình trong gien di truyền của loài người và tuân theo quy luật tiến hóa của Darwin. Nhưng công nghệ ngày nay đã phát triển tới mức mà tính hiếu chiến đó có thể khiến loài người quay lại hủy diệt chính mình qua các cuộc chiến tranh hạt nhân và sinh học. Chúng ta cần phải kế thừa bản năng này một cách có kiểm soát bằng lý trí và lý luận của chúng ta”.

loai nguoi truoc nguy co bi may moc kiem soat
Một cảnh trong phim “Kẻ hủy diệt”, nói về cuộc chiến hủy diệt trái đất của người máy trong tương lai

Theo ông, loài người phải đứng lên để giải quyết thách thức được gây ra bởi sự phát triển của trí thông minh nhân tạo. Giải pháp tốt nhất là “một dạng chính phủ toàn cầu”. Cơ quan này sẽ giám sát sự phát triển của trí thông minh nhân tạo. “Tất cả những điều này nghe có vẻ hơi sốc nhưng tôi là người lạc quan. Tôi nghĩ rằng, nhân loại sẽ đủ sức để đối mặt với những thách thức này” - nhà vật lý chia sẻ thêm.

Đây không phải là lần đầu tiên Giáo sư Stephen Hawking cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng của trí thông minh nhân tạo. Năm ngoái, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài RT của Nga, ông Hawking từng nói: “Tôi không nghĩ việc phát triển trí thông minh nhân tạo là cách tốt nhất cho loài người. Khi máy móc đạt đến một trình độ phát triển nào đó, chúng có thể hoạt động độc lập. Chúng ta không biết được liệu máy móc, khi đó có cùng mục đích với loài người hay không”.

Trước đó, trong cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả trang web Reddit của Mỹ năm 2015, Stephen Hawking đã nêu ra những nguy hiểm của trí thông minh nhân tạo như sau: “Mối nguy thực sự với trí thông minh nhân tạo không phải là sự bất cẩn trong kiểm soát mà là khả năng kiểm soát chúng của con người”. Từ đó rút ra kết luận rằng, công nghệ có thể sẽ là điều tốt đẹp nhất nếu loài người có thể kiểm soát được máy móc nhưng ngược lại thì công nghệ sẽ là điều tồi tệ nhất với nhân loại.

Hawking không phải nhà khoa học, lãnh đạo duy nhất lo lắng về sự phát triển của trí thông minh nhân tạo. Đầu năm 2015, ông đã ký một bức thư ngỏ cùng với Elon Musk, Giám đốc điều hành của SpaceX và Tesla, nhắc nhở mọi người nên thận trọng trong quá trình phát triển trí thông minh nhân tạo. Tỉ phú Bill Gates cũng tiết lộ trong chủ đề Ask Me Anything trên website Reddit rằng, ông đồng ý với Elon Musk về vấn đề này và ông cho rằng, chúng ta nên quan tâm tới trí thông minh nhân tạo nhiều hơn.

Doanh nhân, nhà vật lý Louis Del Monte cũng có những suy nghĩ tương tự Stephen Hawking với Business Insider. “Hiện tại chưa có luật nào quy định về mức độ thông minh của máy móc và giới hạn kết nối của chúng với nhau. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn và công nghệ tiếp tục phát triển theo cấp số nhân thì một ngày nào đó, những tình trạng tồi tệ như hầu hết các chuyên gia dự đoán sẽ xảy ra. Dần dần, máy móc sẽ kiểm soát mọi thứ chứ không phải con người”, Del Monte cho biết.

Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp của trí thông minh nhân tạo cho sự phát triển của loài người. Trả lời nhà báo Larry King trong một chương trình được phát sóng trên kênh RT America năm 2015, bản thân ông Stephen Hawking cũng nhìn nhận: “Tôi nghĩ chúng có thể hữu ích cho mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Như những thuật toán có thể giúp đánh giá những ý tưởng nghiên cứu một cách nhanh chóng, phát hiện sớm ung thư và dự đoán thị trường chứng khoán! Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra ảnh hưởng trong nền kinh tế, trong quá trình đưa ra quyết định và toàn bộ cuộc sống”.

Giám đốc điều hành, đồng sáng lập Google, Larry Page không nghĩ sự phát triển của trí thông minh nhân tạo là điều quá tồi tệ. Ông cho rằng, máy móc đảm nhiệm nhiều vai trò của lực lượng lao động, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. “Bạn không thể mong những điều này không xảy ra, chúng chắc chắn sẽ xảy ra. Bạn sẽ có những khả năng tuyệt vời trong nền kinh tế. Khi chúng ta có những máy tính có thể làm ngày càng nhiều việc, nó sẽ thay đổi cách chúng ta nghĩ về công việc”, Page chia sẻ với Finacial Times.

Nhưng liệu con người, nhất là các nhà lãnh đạo thế giới, có ý thức được lợi ích cũng như mối nguy tiềm tàng của trí thông minh nhân tạo hay không? “Các nhà cầm quyền cũng khá lo ngại về cuộc đua vũ trang “thông minh”, với các loại máy bay và vũ khí được trang bị công nghệ trí thông minh nhân tạo. Nhưng việc tài trợ cho các dự án nghiên cứu thuốc chữa bệnh mang lại lợi ích trực tiếp cho con người dường như không được ưu tiên” - Giáo sư Hawking chia sẻ.

Xem ra gần đây các nhà lãnh đạo thế giới cũng đang dần quan tâm tới sự phát triển của người máy rồi. Hồi cuối tháng 2-2017, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua báo cáo quy định pháp lý về robot do nghị sĩ người Luxembourg Mady Delvaux soạn thảo. Nội dung báo cáo liên quan đến vấn đề đạo đức và trách nhiệm của những cỗ máy tự động. Trong văn bản cũng đề xuất đến “đánh thuế robot” nhằm trợ cấp thu nhập cơ bản cho người dân bị robot chiếm việc làm, nhưng đã bị các đại biểu bác bỏ. Ủy ban châu Âu sẽ có 3 tháng để thẩm định dự thảo trước khi trình lên Nghị viện châu Âu.

Mady Delvaux cho biết: “Báo cáo là những điểm đã được thống nhất, trừ vấn đề thuế và thu nhập cơ bản”. Việc ban hành thuế nhằm mục đích phân loại robot và đưa robot “hòa nhập” vào thị trường lao động, cho nên nhiệm vụ trước tiên cần xác định các tiêu chí phân loại.

Robot là loại máy móc vật lý tự động được trang bị cảm biến. Gồm nhiều loại: xe và máy bay tự lái, robot công nghiệp (như máy vắt sữa tự động hoặc các cánh tay máy lắp ráp điều khiển từ xa), robot giúp việc, robot giải trí... kể cả robot dùng cho mục đích chiến tranh.

Dự thảo đánh thuế robot đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Bruno Bonnell, Chủ tịch Công ty Robopolis (Pháp), đồng thời cũng là chuyên gia về công nghệ robot, không tán thành vì cho rằng, thuế này sẽ làm cho các nhà phân phối bán mắc hơn và khách hàng tốn nhiều tiền hơn. Trong khi đó, người phụ trách chiến dịch bầu cử Tổng thống Pháp của cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoit Hamon lại cho rằng, “thuế robot” chưa đáng được tranh luận vào lúc này mà vấn đề cấp bách hơn là các quy định về trách nhiệm. Robot cần được cấp “quyền” như con người để tiện truy cứu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn.

S.Phương (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc