Lò vi sóng - “anh hùng” hay “tội đồ”?

07:15 | 15/03/2018

1,747 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Manchester, Anh, được công bố vào ngày 17-1-2018 thì mỗi năm, việc sử dụng lò vi sóng trên khắp châu Âu đã tạo ra lượng khí thải CO2 gần bằng 7 triệu chiếc xe hơi.

Hơn 130 triệu chiếc lò vi sóng đang được sử dụng tại châu Âu

Các nhà khoa học tại Đại học Manchester đã tiến hành nghiên cứu về những tác động của lò vi sóng tới môi trường dựa trên phương pháp đánh giá toàn bộ vòng đời của thiết bị này, từ giai đoạn sản xuất, sử dụng đến giai đoạn quản lý khi chúng trở thành rác thải.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science of the Total Environment thì hiện nay, chỉ tính riêng tại châu Âu, số lượng lò vi sóng đang được sử dụng là rất lớn (với khoảng 131 triệu chiếc, tương đương cứ 1 hộ gia đình có 4 người thì họ sẽ có nhiều hơn 1 lò vi sóng). Hơn thế nữa, thiết bị gia dụng đang được sử dụng trên khắp châu Âu này đã thải ra khoảng 7,7 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương với mức phát thải hằng năm của 6,8 triệu xe hơi.

lo vi song anh hung hay toi do
Lò vi sóng được sử dụng rộng rãi ở châu Âu

Theo các nhà nghiên cứu, mức tiêu thụ điện năng của lò vi sóng là nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nhất. Mỗi năm, các lò vi sóng trên khắp châu Âu tiêu thụ mức điện năng khoảng 9,4TWh, tương đương với sản lượng điện hằng năm của 3 nhà máy điện khí đốt lớn, hay hơn 1/4 sản lượng điện hằng năm của Đan Mạch (30,3TWh vào năm 2016).

Trung bình 1 chiếc lò vi sóng tiêu thụ khoảng 573kWh điện trong suốt vòng đời hiện nay của nó là 8 năm, trong khi vào những năm 90 của thế kỷ trước, vòng đời của chúng là 10-15 năm. Việc rút ngắn vòng đời này cũng là một trong các phát hiện được ghi trong báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester.

Phương pháp nấu ăn hiệu quả

Alejandro Gallego Schmid, nhà nghiên cứu chính của dự án cho biết: “Nghiên cứu này được tiến hành do từ trước đến giờ chưa hề có đánh giá toàn diện nào về các ảnh hưởng tiêu cực của lò vi sóng trong suốt vòng đời của nó. Và kết quả của nghiên cứu cũng phải không nhằm mục đích phủ định tính hiệu quả thực sự thiết bị này”.

Thực tế, so với các thiết bị nấu nướng khác, lò vi sóng có mức tiêu thụ năng lượng ít hơn. Theo đánh giá của Cơ quan Quản lý Môi trường - Năng lượng Pháp (Ademe), mức tiêu thụ năng lượng hằng năm tại Pháp của các lò và bếp nấu ăn bằng điện cao hơn gấp 2-3 lần so với lò vi sóng.

Lò vi sóng là một thiết bị ứng dụng vi sóng để làm nóng hoặc nấu chín thức ăn, do kỹ sư người Mỹ Percy Spencer tình cờ phát hiện ra vào năm 1945. Chiếc lò vi sóng đầu tiên với tên gọi Radarange do Công ty Raytheon phát triển, được tung ra thị trường nặng 340kg trị giá 3.000USD với số lượng hạn chế.

Ngoài ra, chúng ta nên biết rằng, trung bình việc nấu nướng chỉ chiếm 7,8% mức tiêu thụ điện năng của các hộ gia đình Pháp, ít hơn nhiều so với mức tiêu thụ dành cho việc sưởi ấm (27,6%).

Theo ước tính của Ademe, trong một hộ gia đình Pháp, chỉ tính riêng 1 chiếc tủ lạnh thôi thì trung bình lượng điện năng mà nó tiêu thụ cũng đã cao hơn gấp 4 lần so với chiếc lò vi sóng.

Quy định của châu Âu

“Mặc dù việc sử dụng lò vi sóng không bắt buộc phải tuân theo các quy định về năng lượng, thế nhưng Liên minh châu Âu cũng đã thông qua các quy định về việc giám sát các thiết bị gia dụng cũng như loại bỏ khí cacbon trong cơ cấu năng lượng và điều này góp phần rất lớn giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của lò vi sóng tới môi trường”, Alejandro Gallego Schmid cho biết. Ở mức độ thấp hơn thì các hướng dẫn về việc tái chế các chất thải thiết bị điện và điện tử (WEEE) của Ủy ban châu Âu cũng sẽ giúp giảm thiểu những ảnh hưởng này.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Mancheester lại cho rằng tác động từ những chính sách này vẫn chưa đủ và đề nghị tăng cường các nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về những ảnh hưởng tiêu cực của lò vi sóng. Ngoài lời kêu gọi về việc kéo dài tuổi thọ của các thiết bị gia dụng, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, gần 90% thời gian trong vòng đời, những chiếc lò vi sóng đặc biệt vẫn luôn ở chế độ chờ - Standby (thiết bị vẫn cắm điện nhưng không sử dụng). Họ cũng kêu gọi người dân châu Âu điều chỉnh thời gian nấu nướng theo từng loại thực phẩm cần hâm nóng trước khi ăn.

Nhờ vào việc giảm giá thành sản xuất và các tiến bộ công nghệ, các thiết bị điện và điện tử ngày càng phát triển nhanh chóng và đặc biệt tại châu Âu vào năm 2020 có thể sẽ có tới 135 triệu chiếc lò vi sóng. Ước tính đã có tới 16 triệu chiếc lò vi sóng bị vứt bỏ vào năm 2015, tương đương với việc thải ra 195.000 tấn chất thải (so với khoảng 184.000 tấn vào năm 2005).

Tranh cãi về tác hại của lò vi sóng

Không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà lò vi sóng đem lại. Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn còn tranh cãi về những tác hại của thiết bị nấu ăn này. Nhiều công trình nghiên cứu ở các nước phương Tây đã chỉ ra rằng, lò vi sóng tiềm ẩn bất ổn và nguy cơ đe dọa sức khỏe cho người ăn khi chế biến bằng lò vi sóng như: Hóa chất độc hại và chất gây ung thư từ nhựa nóng, giấy bìa có thể rơi vào thức ăn; Làm thay đổi cấu trúc phân tử thực phẩm, ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng trong thức ăn, tạo chất độc hại; Phát ra bức xạ ảnh hưởng đến tim và đường huyết; Nếu liên tục ăn thức ăn chế biến từ lò vi sóng khiến não liên tục phát ra xung điện, làm cơ thể có thể không chuyển hóa sản phẩm được tạo ra trong thực phẩm, chặn lại hoặc biến đổi ra hormone nam và nữ… Lâu dài sẽ tạo ra các tế bào ung thư, thay đổi thành phần hóa học của máu, tạo nhiều hợp chất hóa học khác như benzen (có trong thuốc trừ sâu), formaldehyde (hợp chất bảo quản tử thi), các mutagents (gây biến đổi gen)…

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, trên đây chỉ là những nguy cơ tiềm năng và người sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng lò vi sóng để hạn chế tối đa những tác hại từ thiết bị nhà bếp này.

D.Hưng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc