Lỡ hẹn tăng lương?

07:12 | 03/11/2015

1,726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tăng lương cho đội ngũ công chức luôn là vấn đề được Chính phủ, Quốc hội đặc biệt quan tâm. Ai cũng nhận thấy cần phải tăng lương để đảm bảo cuộc sống cho người làm công. Nhưng đâu phải muốn tăng là được, bởi còn phải cân đối ngân sách, tỉ như nhà nghèo, biết con cái cần phải mặc áo mới, phải tăng khẩu phần ăn, nhưng tiền chưa kiếm ra thì có muốn cũng đành chịu.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ cũng đã giải thích  rõ ràng là vì sao chưa thể tăng lương ngay. Trong đó, quan trọng nhất là chưa đủ tiền.

Vì sao không có nguồn chi tăng lương, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhận xét, việc tinh giản biên chế, giảm nhẹ bộ máy làm chưa tốt. Đến nay biên chế chưa được gọn nhẹ và năng suất lao động thấp, dẫn đến tốn kém và lãng phí, khiến không cải cách được tiền lương. Đại biểu Quốc hội đề nghị, nếu không được đúng như lộ trình thì cũng phải cố gắng nâng mức nào đó để đảm bảo cuộc sống người làm công ăn lương.

lo hen tang luong
ĐBQH Trần Du Lịch đề nghị cắt giảm các cuộc đi nước ngoài không hiệu quả để dành tiền tăng lương

Các đại biểu Quốc hội đặt lên bàn nghị sự bài toán lương không tăng trong trong khi nhiều loại hàng hóa, dịch vụ được điều hành theo cơ chế thị trường sẽ làm khó cho người nhân viên, viên chức, cần thiết giảm chi khác để đảm bảo chi lương theo lộ trình.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Trần Du Lịch đề xuất cụ thể cắt chi chỗ nào để dành nguồn tăng lương chứ không thể đi vay để tăng lương được. Ông Lịch gợi ý hướng cắt tiền tiếp khách, giao lưu, kỷ niệm, đi nước ngoài…

“Cắt hết đi, đừng biến đi nước ngoài du lịch thành việc nghiên cứu, học tập để Nhà nước trả tiền, cắt cái đó thì có tiền để tăng lương” - đại biểu này nhấn mạnh.

Với quyền hạn của mình, đề nghị không nên kiến nghị mà chính Quốc hội chứ không phải là Bộ Tài chính cắt ngay các khoản chi có địa chỉ rõ ràng. Chừng nào không dự toán, không có tiền tiếp khách thì lúc đó mới kỷ cương được, suốt ngày đủ mọi lễ kỷ niệm mà đều dùng vào tiền ngân sách thì lấy tiền đâu mà tăng lương.

Vốn là chuyên gia ngân hàng, đại biểu Phạm Huy Hùng, Hà Nội cho rằng, yêu cầu cấp thiết phải cải cách toàn diện chế độ tiền lương, tách bạch lương doanh nghiệp và lương hành chính. Ta vẫn đang thiên về bảo vệ doanh nghiệp hơn là người lao động nên lương mới thấp như vậy. Mà người lao động làm với mức lương quá thấp gây hệ lụy với nhiều vấn đề về năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, nền kinh tế phải sử dụng nhiều người nhưng kết quả lao động vẫn không tốt. Cần thay đổi để trả lương xứng đáng cho từng vị trí, con người cụ thể thì công việc sẽ chạy nhanh hơn, hiệu quả hơn chứ không phải là cào bằng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi bình luận, lương cơ sở hiện không phản ánh đúng mức sống thực của công nhân, viên chức, đáng ra cần phải tăng lương rồi nhưng vì ngân sách chưa có nguồn nên vẫn phải dùng từ… “nhịn”. Tăng lương cơ sở lúc này kéo theo nhiều hệ lụy lớn, giống như việc nếu tiền lương tối thiểu phải nâng lên 16% như đề xuất trước đó của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, doanh nghiệp sẽ chết.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội dẫn chứng, lương hưu của một cựu giám đốc doanh nghiệp tới 65 triệu đồng mỗi tháng, sau quyết định này lại tiếp tục được tăng lương thêm 5 triệu đồng/tháng, không cần thiết và không đúng với ý nghĩa của lương hưu.

Lãng phí là hiện tượng có thể ngăn ngừa. Chúng ta cứ nói tiết kiệm chi, không dám mua ôtô cỡ 40.000USD (700-800 triệu đồng), nhưng chỉ một đoàn đi nước ngoài khoảng 10 thành viên thanh toán vé máy bay, tiền khách sạn hết khoảng 50.000USD đã hơn tiền chiếc ôtô. Vậy là tiết giảm các đoàn đi nước ngoài thì tiết kiệm được một khoản không nhỏ. Không có con số của năm 2015 nhưng năm 2014 có 3.780 đoàn và trước đó năm 2013 có 3.200 đoàn đi nước ngoài. Một vị đại sứ cho biết, có ngày ông phải tiếp mấy đoàn đến chào… Nếu cộng cả năm nay, chắc chắn con số lên đến 10.000 đoàn của các bộ, ngành đi nước ngoài trong nhiệm kỳ này. Quy ra thóc không biết tốn bao nhiêu tiền, giá như có 50% khoản tiền này cho tăng lương thì tốt bao nhiêu.

Tin mới nhất, Bộ Tài chính đã cân đối được 1.500 tỉ để tăng lương hưu 8%. Theo đó, người nghỉ hưu trước năm 1993 và đang hưởng trợ cấp dưới 2 triệu đồng/ tháng  chính phủ sẽ trình Quốc hội “quyết” và áp dụng từ năm 2016.

Mong rằng Quốc hội nghiên cứu các ý kiến của đại biểu hiến kế, quyết định ngay trong kỳ họp này việc tiết kiệm, tất sẽ có tiền thực hiện đúng lộ trình tăng lương để Quốc hội không lỗi hẹn!

 

Bảo Văn

Năng lượng Mới 471

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc