Lính mũ nồi xanh... tóc dài

07:00 | 29/03/2015

3,950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi màn đêm buông xuống Congo Town (Liberia), toán cảnh sát tuần hành bắt đầu làm việc. Với khẩu AK-47 trong tay, họ làm nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ những con đường đầy bụi tại nhiều nơi ở Liberia. Viên trung sĩ chỉ huy Monia Gusain gọi họ là “đám thuộc hạ của tôi”. Nếu để ý kỹ một chút, người ta có thể thấy cả Monia lẫn “thuộc hạ” đều là những tay súng tóc dài…

Năng lượng Mới số 406

Một phóng sự gần đây trên New York Times đã cho thấy cái nhìn hiếm hoi về đơn vị cảnh sát Liên Hiệp Quốc (LHQ) mang quốc tịch Ấn Độ làm việc tại Liberia với hai nhiệm vụ: Tuần tra đường phố lúc đêm và canh gác tư dinh tổng thống. Khi không làm việc, họ trở về doanh trại, gỡ chiếc mũ nhà binh để buông thả thoải mái những lọn tóc dài và bắt đầu trò chuyện rôm rả… Vài người trong số họ tranh thủ dỗ con ngủ từ… cách xa ngàn dặm bằng những chuyện kể qua video trực tuyến. Một cách hoa mỹ, họ là lằn tuyến màu hồng mỏng manh trong hàng ngũ lực lượng gìn giữ hòa bình được LHQ xây dựng trong chiến dịch tuyển mộ vài năm gần đây. Trong thực tế, lực lượng mũ nồi xanh LHQ từng xuất hiện lính tóc dài với những sứ mạng tại Balkans thập niên 90 của thế kỷ trước. Hình ảnh họ đã khiến không khí u ám và hiếu chiến tại các điểm nóng dường như trở nên nhanh nguội hơn, khi công chúng không nhìn họ theo cách tương tự đồng nghiệp nam. Họ trở thành những “cô em, bà chị” có mặt để xoa dịa nỗi đau chiến tranh - như nhận định của Gerard J. DeGroot, Giáo sư sử Đại học St. Andrews (Scotland), người có nhiều đầu sách về giới nữ khoác áo nhà binh trong lịch sử quân đội thế giới.

Bây giờ, khi khái niệm gìn giữ hòa bình ngày càng trở thành hành động mang tính xây dựng và tái thiết đất nước thời hậu chiến, LHQ cũng dần “nữ hóa” lực lượng mũ nồi. Số nữ cảnh sát thực hiện các sứ mạng gìn giữ hòa bình LHQ khắp thế giới đã tăng gấp đôi 5 năm qua, lên 833 người, chiếm hơn 6% trong tổng số lính LHQ 12.867 người (dù còn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 20%). Nigeria và Ấn Độ là hai nước đóng góp nhiều nhất. Tại vài sứ mạng cụ thể, đặc biệt Darfur và Liberia, tỷ lệ nữ chiếm đáng kể: 14% trong tổng 1.354 lính mũ nồi xanh LHQ ở Liberia, nơi từng bị tan hoang sau 14 năm nội chiến khiến 200.000 thiệt mạng cùng vô số vết sẹo hằn sâu bởi những năm tháng sống với tra tấn, cưỡng hiếp, nạn bắt trẻ em đi lính... Viên sĩ quan chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Liberia cũng là một gương mặt nữ: Ellen Margrethe Loj (người Đan Mạch).

Từ một căn cứ quân sự đầy bụi ở Old Road, ngoại ô Monrovia (thủ đô Liberia), Trung tá Joseph Ogbonna nắm quyền chỉ huy một tiểu đoàn binh sĩ gồm nam lẫn nữ có quốc tịch Nigeria, quốc gia đầu tiên gửi lính gìn giữ hòa bình đến Liberia vào năm 2003. Trong doanh trại, nữ quân nhân Nigeria sống trong những lán hẹp. Bên trong, người ta thấy dán đầy ảnh những em bé toe toét cười chụp chung với bố chúng hoặc người thân. Đó là con của những nữ quân nhân xa nhà. Số nữ quân nhân Nigeria trong tiểu đoàn này là 59 (5% trong tổng số 1.159 người), làm những nhiệm vụ truyền thống chẳng hạn đầu bếp, y tá, thư ký, giáo viên, nhân viên phụ trách người tị nạn… Tuy nhiên, cũng có vài người được phân công vào lực lượng cảnh sát.

Theo sếp Joseph Ogbonna, nữ quân nhân tỏ ra có kỷ luật hơn và họ vô hình trung cũng mang lại không khí mới với diện mạo mới cho đời sống quân ngũ. Trung tướng Ebiowei Awala kể rằng tự nhiên ông trở nên… lịch sự hẳn một khi có nữ quân nhân xuất hiện. Ông ra lệnh thuộc cấp bằng giọng nhẹ nhàng hơn và đặc biệt không dám… chửi thề! “Cứ như là trong gia đình vậy. Khi người mẹ có mặt, mọi người phải thay đổi” - Ebiowei Awala nói.

“Tôi đến đây để mang lại hòa bình cho đất nước này” - phát biểu của Olayiwola Olanike, nữ hạ sĩ kiêm y tá, 50 tuổi, có hai con. Thời gian đầu chẳng phải dễ dàng. Olanike nhớ con và chồng đến quặn ruột, đặc biệt khi bó gối trong nhà nhìn trời mưa nặng hạt như trút nước. Đó là chưa kể dịch sốt rét… Charity Charamba, nữ điều phối viên các chiến dịch của lực lượng mũ nồi xanh người Zimbabwe, tâm sự rằng suýt chút nữa cô đã từ bỏ ý định sang Liberia bởi không thể chịu nổi cảnh chia tay gia đình… Một trong những nhiệm vụ thông thường được giao ở vai trò gìn giữ hòa bình đối với các nữ cảnh sát LHQ là trò chuyện và an ủi những bà mẹ địa phương hoặc thực hiện các công tác mang tính tái thiết.

Kehinde Dbadamoisi chẳng hạn. Người đàn bà có 18 năm quân ngũ và là mẹ của ba đứa con này đã được giao nhiệm vụ làm giáo viên sinh vật. Thoạt đầu, Hiệu trưởng Darkpay Johnson tỏ ra lo ngại việc học sinh có thể sợ khi trong lớp bỗng xuất hiện một giáo viên khoác áo nhà binh. Tuy nhiên, sự thân thiện của Dbadamoisi đã nhanh chóng chiếm cảm tình đám trẻ. Với những nữ cảnh sát LHQ thuộc quốc tịch Ấn Độ, niềm tự hào của họ là giúp giảm tỷ lệ tội phạm tại Congo Town. Không chỉ tuần hành đường phố và bảo vệ dinh tổng thống, họ còn chịu trách nhiệm tuyển mộ phái nữ cho cảnh sát địa phương. Tất cả phụ nữ Ấn Độ gia nhập lực lượng mũ nồi xanh làm việc tại Liberia đều lần đầu tiên rời khỏi quê nhà. Do vậy, vài người trong số họ đã không chịu nổi cảnh xa gia đình.

“Sẽ không có thêm đợt đi xa nhà nào với tôi nữa - đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng” - nữ sĩ quan chỉ huy chiến dịch Syalus Maharana kể. Maharana cho biết ngày nào cô cũng gọi video trực tuyến về để gặp cậu con trai 5 tuổi nhưng vẫn không thôi nhớ con, đặc biệt khi nó nhắc mẹ nhớ mắc màn cho kỹ trước khi ngủ…

Ngọc Trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc