Nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển

Linh hoạt & an toàn?

07:10 | 14/06/2018

143 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28-4, tàu Akademik Lomonosov - nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển đầu tiên của Nga, cũng là duy nhất trên thế giới, đã được kéo từ St.Petersburg tới Murmansk để nạp nhiên liệu hạt nhân trước khi di chuyển tới khu vực Viễn Đông của Nga.

Không tự di chuyển

Được đóng tại các xưởng đóng tàu ở biển Baltic thuộc St.Petersburg, nhà máy điện hạt nhân nổi do Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nga (Rosatom) làm chủ đầu tư, có tên là “Akademik Lomonosov” (tên của nhà khoa học Nga thế kỷ XVIII) gồm 2 lò phản ứng hạt nhân với công suất 35MW mỗi lò (loại lò phản ứng KLT - 40C), tương tự như các lò phản ứng được sử dụng trên các tàu phá băng hạt nhân Taimyr và Vaigach, có một số thay đổi trong cấu tạo, theo Rosatom.

Tàu chứa các lò phản ứng hạt nhân dài 144,4m, rộng 30m và có thể tiếp nhận thủy thủ đoàn 69 người. Trong thời gian đầu, tàu không tự đi được mà sẽ được kéo đến căn cứ Atomflot (một công ty của Nga quản lý các tàu phá băng hạt nhân) tại Murmansk, trên bờ biển Barents. Tại đây 2 lò phản ứng sẽ được nạp nhiên liệu hạt nhân và các thử nghiệm quan trọng đầu tiên có thể được thực hiện vào mùa thu năm 2018, theo Rosatom.

linh hoat an toan
Nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga được kéo ra biển ngày 28-4-2018

Akademik Lomonosov sau đó sẽ được kéo về phía đông Siberia, nơi nó sẽ được kết nối với cơ sở hạ tầng cảng Pevek (thành phố của tỉnh tự trị Chukotka). Tàu được thiết kế để thay thế Nhà máy Điện than Chaunskaya và Nhà máy Điện hạt nhân Bilibino (48MW), hai nhà máy được xây dựng lần lượt vào năm 1961 và 1974 ở Chukotka.

Akademik Lomonosov có tuổi thọ khoảng 40 năm, có thể kéo dài đến 50 năm, có thể cung cấp đủ điện và nhiệt cho một thành phố 100.000 dân. Trong thực tế, một phần lớn điện được sản xuất bởi Akademik Lomonosov sẽ được dành cho hoạt động khai thác và chế biến dầu khí ngoài biển.

Rosatom nói rằng, nhà máy này “mới chỉ là một mô hình” và tin rằng trong tương lai, họ sẽ giảm thời gian và chi phí xây dựng mô hình mới 40-50% (việc thiết kế và thử nghiệm đã được Rosatom tiến hành từ năm 2007 đến 2017). Lưu ý rằng, các dự án nhà máy điện hạt nhân nổi khác đang được tiến hành hoặc đang được nghiên cứu, đặc biệt là ở Trung Quốc (ACPR50S) hoặc ở Bắc Mỹ, thậm chí ở Pháp với Dự án Flexblue.

Nga hiện đang khai thác 37 lò phản ứng hạt nhân trên lãnh thổ, dự kiến bắt đầu xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi khác vào năm 2019 và có kế hoạch giảm kích thước, tăng công suất của các lò phản ứng nổi trong trung hạn.

Những tiếng nói phản ứng

Các nhà thiết kế ca ngợi tính linh hoạt của Akademik Lomonosov, bảo đảm rằng nó đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất và “không thể bị đánh bại bởi sóng thần hay bất kỳ thảm họa tự nhiên nào khác”.

“Akademik Lomonosov được trang bị tất cả linh kiện, thiết bị tốt nhất của nhà máy truyền thống, đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Các quy trình hạt nhân trên nhà máy điện hạt nhân nổi cũng đáp ứng tất cả yêu cầu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và không gây nguy hiểm tới môi trường” - ông Vitaly Trunev, đại diện của Rosatom nói.

Tuy nhiên, việc Nga vận hành thử nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên đã bị phản đối mạnh mẽ bởi các hiệp hội chống hạt nhân. Tổ chức Hòa bình Xanh gọi Akademik Lomonosov là “Titanic hạt nhân” và “Chernobyl trên băng”, ám chỉ thảm họa nổ Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraina năm 1986 và vụ chìm tàu Titanic năm 1912. Tổ chức này cho rằng, các lò phản ứng hạt nhân trên tàu sẽ gây hại cho môi trường. Hoạt động của nhà máy rất khó giám sát. Các chuyên gia cho rằng, đưa lò phản ứng hạt nhân ra trước sóng to và gió lớn ở Bắc Băng Dương là điều tệ hại và nguy hiểm nhất.

Ông Jan Haverkamp - chuyên gia hạt nhân thuộc Tổ chức Hòa bình Xanh nói: Các nhà máy điện hạt nhân nổi không đủ sức chống chọi với sóng thần và lốc xoáy, đồng thời gọi đây là mối đe dọa cho môi trường. Mặc dù cho đến nay, sóng thần chưa đánh chìm bất kỳ tàu nào chứa lò phản ứng hạt nhân, song chúng từng gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy điện hạt nhân đặt ở ven biển tại Fukushima, Nhật Bản.

Ngoài ra, giới chuyên gia môi trường cũng lo ngại các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể gặp các vấn đề liên quan tới khủng bố, các tảng băng dày hay rác thải hạt nhân. Họ chỉ ra các bằng chứng về thảm họa Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl năm 1986 và hậu quả của nó vẫn còn đến ngày hôm nay. 32 năm trôi qua sau thảm họa, người dân vẫn không thể sinh sống trong bán kính gần 29km xung quanh nhà máy. Sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011 khiến hơn 100.000 người phải di tản, rất nhiều người vẫn chưa thể trở về nơi sinh sống là một lời cảnh báo khác.

Dale Klein, người đứng đầu Ủy ban Điều tiết hạt nhân dưới thời Tổng thống George W.Bush, cho biết: Thiết kế một lò phản ứng hạt nhân hoạt động an toàn trên biển không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là hệ thống ngăn chặn rò rỉ phóng xạ khi xảy ra sự cố. Ông Klein cũng chỉ ra những nguy cơ mất an ninh khi con tàu cập cảng dân sự và không được bảo vệ như tàu chiến.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, lo ngại của Dale Klein giống như “thuyết âm mưu”. Lò phản ứng hạt nhân di động đã được sử dụng trên thế giới hơn 60 năm qua, khi tàu ngầm hạt nhân USS Nautilus thực hiện chuyến đi biển đầu tiên vào năm 1955. Hải quân Mỹ đang vận hành hơn 80 tàu chiến sử dụng lò phản ứng hạt nhân, gồm tàu sân bay và tàu ngầm.

Hải quân Nga cũng vận hành nhiều tàu ngầm và tàu phá băng sử dụng lò phản ứng hạt nhân. Hải quân Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ đều có tàu ngầm hạt nhân. Nhiều vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân đã xảy ra và chỉ những người trên tàu chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các vụ tai nạn thường xảy ra trên biển và ở những khu vực không có dân cư nên ảnh hưởng xấu đến môi trường vẫn chưa có báo cáo rõ ràng.

Sau vụ tai nạn tại lò phản ứng hạt nhân Chernobyl, phương Tây nghi ngờ chất lượng các công nghệ hạt nhân của Liên Xô. Tuy nhiên, ông Hassan Mohammadi, chuyên gia Iran về năng lượng hạt nhân, Tổng biên tập trang web Omid-e hasteyi đã chứng minh với thế giới rằng, năng lượng điện hạt nhân của Nga không phải là nguy hiểm. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Hassan Mohammadi nói, Nhà máy Điện hạt nhân Bushehr mà Nga đã xây dựng ở Iran là một ví dụ sinh động cho thấy không nên nghi ngờ về độ tin cậy của các công nghệ hạt nhân Nga. “Nếu bạn đọc tất cả các bản báo cáo của các nhà khoa học hạt nhân Iran về tình hình Nhà máy Điện hạt nhân Bushehr trong những năm gần đây, bạn sẽ thấy rằng, cơ sở này được công nhận là nhà máy điện hạt nhân an toàn nhất và đáng tin cậy nhất không chỉ ở Trung Đông mà trên toàn thế giới. Đúng, vụ tai nạn tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl là một thảm họa. Nhưng Nga đã rút ra kinh nghiệm và đã tập trung nỗ lực tối đa để cải thiện công nghiệp hạt nhân và tạo ra thiết bị tốt hơn”, ông Hassan Mohammadi lưu ý.

Ông Vitaly Trunev, đại diện của Rosatom: “Akademik Lomonosov được trang bị tất cả linh kiện, thiết bị tốt nhất của nhà máy truyền thống, đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Các quy trình hạt nhân trên nhà máy điện hạt nhân nổi cũng đáp ứng tất cả yêu cầu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và không gây nguy hiểm tới môi trường”.

S.P