Liệu TPP có “nhấn chìm” doanh nghiệp Việt Nam?

08:00 | 07/11/2015

1,140 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lo lắng và căng thẳng, đó là tâm trạng chung của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP. Hội nghị Hội nhập quốc tế do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTƯ) tổ chức đã trao đổi về cơ hội và thách thức của các DNVN khi thực hiện các qui định của hiệp định quốc tế này. 

Phó tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Quốc Thập:

Cần có cơ chế đặc thù về cho PVN khi đầu tư ra nước ngoài

lieu tpp co nhan chim doanh nghiep viet nam

PVN luôn tiên phong hợp tác, hội nhập quốc tế và đầu tư nước ngoài. Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí PVN đã tích cực, chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài trên toàn bộ thềm lục địa của Việt Nam. Từ năm 2006 đến nay, PVN đã ký kết thực hiện 54 hợp đồng dầu khí với các đối tác lớn như Gazprom, Rosneft, Zarubezhneft (Liên bang Nga), Exxon Mobil, Chevrol (Mỹ), Petronas (Malaysia), KNOC (Hàn Quốc), ONGC (Ấn Độ)…

Công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác các lô dầu khí vùng nước sâu (trên 200m nước), xa bờ được ưu tiên kêu gọi đầu tư. Trong 48 lô đã có 29 lô đang được triển khai hoạt động dầu khí, 17 hợp đồng khai thác được ký kết, còn hiệu lực thực hiện. Song song với việc đầu tư phát triển trong nước, PVN đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư sang các nước Đông Nam Á, châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh. Tính đến hết năm 2014, PVN đã có 28 dự án thăm dò khai thác dầu khí tại 17 nước trên thế giới.

Những năm gần đây, do tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút hợp tác đầu tư thăm dò khai thác dầu khí vùng nước sâu, xa bờ trên thềm lục địa Việt Nam. Mặt khác, việc cạnh tranh trong lĩnh vực dầu khí ngày càng khốc liệt, nguồn dầu khí tiềm năng ngày càng ít, trong khu vực khó khăn… đã khiến các doanh nghiệp dầu khí gặp rất nhiều thách thức. Đặc biệt, hành lang pháp lý của Việt Nam về thủ tục đầu tư, quy trình xây dựng, triển khai và quản lý dự án đầu tư ra nước ngoài còn chưa được hoàn thiện. Trong khi dự án đầu tư dầu khí là ngành kinh doanh có độ rủi ro cao nhất, vốn đầu tư lại rất lớn, trong thời gian dài mới cho hiệu quả. Đầu tư ra nước ngoài cần nhanh, chính xác, nắm bắt cơ hội kịp thời thì quy định hiện hành về đầu tư nước ngoài các dự án dầu khí đều thuộc danh mục phải báo cáo Quốc hội phê chuẩn. Điều đó sẽ mất rất nhiều thời gian và dễ dẫn đến lỡ cơ hội đầu tư, hợp tác tốt. Mặt khác, các sản phẩm chính của PVN như xăng dầu, LPG, phân bón, polypropylene… đều có mức thuế cao hơn thuế FTA (2-10%).

Để PVN tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh, ngay trong quý IV/2015 cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Chính phủ phê duyệt các cơ chế đặc thù về thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm, mỏ nhỏ, cơ chế đặc thù về thu hút, đầu tư thăm dò khai thác dầu khí nước ngoài. Đặc biệt là cơ chế về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí trong nội bộ PVN.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành:

Cần xây dựng ngân hàng thương mại trụ cột

lieu tpp co nhan chim doanh nghiep viet nam

Hội nhập quốc tế đối với ngành ngân hàng đồng nghĩa với việc từng bước thực hiện tự do hóa và mở rộng thị trường ngân hàng theo các cam kết quốc tế. Điều này đã và đang tạo ra cho các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam những cơ hội để lớn mạnh và phát triển. Đó cũng là chặng đường nhiều chông gai đòi hỏi các NHTM Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh.

Với vị thế là một NHTM lâu đời, đóng vai trò chủ đạo và chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, được giao nhiệm vụ là ngân hàng chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại của đất nước ngay từ khi thành lập, Vietcombank nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề hội nhập quốc tế. Trong suốt quá trình phát triển, Vietcombank đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác, kinh doanh với các ngân hàng trên toàn thế giới, chủ động tham gia và đóng góp tích cực cho cộng đồng tài chính toàn cầu.

Vietcombank đã chủ động thực hiện nhiều chương trình xúc tiến quan hệ, gặp gỡ, trao đổi cấp cao với các đối tác trong và ngoài nước và đã thu được nhiều thành công, ghi dấu ấn trong việc xây dựng và củng cố quan hệ song phương và đa phương, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh, Thông qua các hoạt động đối ngoại uy tín, hình ảnh Vietcombank đã được đông đảo các định chế tài chính, các quỹ đầu tư… đánh giá cao và tin tưởng. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Vietcombank cũng đã được bầu giữ các vị trí quan trọng tại các hiệp hội quốc tế, được ghi nhận đóng góp bằng nhiều giải thưởng cao quý.

Tuy nhiên, cần xác định lộ trình cho phép giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà Nước tại các NHTM Nhà nước xuống tới 51% để các NHTM chủ động có kế hoạch cũng như phát tín hiệu đối với thị trường. Việc nới giới hạn sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài từ 30% hiện nay lên mức cao hơn cũng cần được cân nhắc để tạo điều kiện thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trong bối cảnh nguồn lực tài chính trong nước còn hạn chế. Đặc biệt cần xây dựng một đến hai NHTM trụ cột, có tầm cỡ khu vực, làm trụ cột cho cả hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống NHTM trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Tạo điều kiện để các ngân hàng này tham gia mua, bán, sáp nhập với các tổ chức tín dụng có quy mô phù hợp và tình hình hoạt động lành mạnh.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường:

Ngành dệt may cần nỗ lực  phát triển sản xuất nguyên phụ liệu

lieu tpp co nhan chim doanh nghiep viet nam

Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, khi hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế luôn song hành. Vinatex đã xác định những yếu tố then chốt để bảo đảm cho thành công là chú trọng nâng cao năng lực doanh nghiệp trong dịch chuyển từ hình thức gia công từ khâu đầu đến khâu cuối, sang gia công từng phần, mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm hoặc thiết kế - sản xuất - cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan, tiến tới sản xuất sản phẩm với thương hiệu riêng. Đồng thời xây dựng chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu, phát triển sản phẩm dệt kỹ thuật, dệt phục vụ y tế; phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu.

Để khắc phục những hạn chế về năng lực quản lý, khả năng tiếp thị và xây dựng thương hiệu các doanh nghiệp dệt may đã đầu tư chi phí cho công tác đào tạo nâng cao trình độ quản trị, tay nghề cho công nhân, chú trọng phát triển, giữ gìn thương hiệu, chuyển dần từ xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu của khách hàng sang xuất khẩu sản phẩm của chính công ty mình để khẳng định uy tín và vị thế của mình. Với quá trình hoàn thiện chủ động chuỗi giá trị dệt may, các dự báo của quốc tế đều đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của ngành dệt may trong thời gian tới.

Ngành dệt may cần nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu, giảm dần nhập khẩu từ nước ngoài nhất là vải dệt thoi xuất khẩu, xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung để giảm tài chính cho việc xử lý nước thải theo yêu cầu môi trường đúng quy định của nhà nước. Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may cũng cần áp dụng các quy chuẩn quản lý quốc tế, áp dụng các phương pháp quản trị sản xuất tinh gọn nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Hơn thế nữa là cần xây dựng đội ngũ thiết kế, xây dựng thương hiệu sản phẩm để từng bước chuyển từ phương thức gia công sang hình thức FBO (mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm) hoặc OMD (thiết kế - sản xuất - cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan), tiến tới sản xuất sản phẩm dệt may với thương hiệu riêng.

 

Hương Công

Năng lượng Mới 472