Libya và cuộc chiến ẩn trong màn khói súng

14:31 | 01/09/2011

435 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáu tháng sau khi Liên quân do NATO cầm đầu bắt đầu cuộc chiến tại Libya dưới cái mác bảo vệ dân thường, tiếng súng vẫn tiếp tục vang lên ở nhiều nơi trên lãnh thổ của quốc gia Bắc Phi này, ẩn trong màn sương của những làn khói súng mịt mù là một trận chiến thứ hai có phần quyết liệt hơn, với sự tham gia trực tiếp của nhiều quốc gia hơn: Cuộc chiến dầu lửa.

Tranh giành “chiến lợi phẩm”

Tripoli chưa dứt tiếng súng, các tập đoàn dầu khí quốc tế – từ ENI của Italia, BP của Anh, Total của Pháp, đến ExxonMobil của Mỹ và Qatar Oil của Qatar – đã gửi chuyên gia đến Libya để nhắc nhở Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC), lực lượng đang giành chiến thắng trên chiến trường, về công lao “trời bể” của NATO trong việc lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi cũng như vai trò của các “đại gia” dầu lửa trong giai đoạn sắp tới ở Libya.

Cuộc chiến Libya đi vào hồi kết cũng có nghĩa là giai đoạn hai của chiến dịch bắt đầu, đó là tái thiết, với các phi vụ làm ăn trị giá hàng tỉ euro để làm đường, xây cảng, cơ sở công nghiệp, hạ tầng quân sự, y tế, công nghiệp, đô thị… Tóm lại, "chiếc bánh Libya” được đánh giá là rất to và nước nào cũng muốn có phần.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé ngày 26/8 đã thẳng thừng tuyên bố Pháp can thiệp vào Libya là để "đầu tư cho tương lai”. Ngay từ trước khi Pháp tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế để bàn về việc giúp đỡ Libya vào ngày 1/9 tại Paris, một cuộc chạy đua quyết liệt đã thực sự được khởi động giữa các công ty xuyên quốc gia quốc tế. Các tập đoàn quốc tế của Pháp, Anh, Italia, Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác đang tìm cách đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo tương lai của Libya.

Trong khi Anh có vẻ kín tiếng hơn trong cuộc chạy đua giành hợp đồng tại Libya thì Pháp và Italia lại công khai cạnh tranh với nhau. Nhà phân tích Paolo Baroni cho rằng giữa hai nước này là một cuộc chiến tranh kinh tế thực sự. Tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cho thấy quan tâm hàng đầu của Pháp ở Libya là giành được các hợp đồng tái thiết và dầu khí để bù đắp cho những chi phí quân sự thời gian vừa qua.

Ai giành phần hơn

Theo nhà phân tích Alberto Piccioni, trong trận đấu này, đứng đầu danh sách ưu tiên là Pháp và Anh, sau đó đến các nước quân chủ dầu mỏ ở vùng Vịnh (những nước tài trợ đầu tiên cho lực lượng nổi dậy ở Benghazi). Moustapha Abdel Jalil, Chủ tịch NTC, đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nước đã giúp đỡ Libya và sẽ xem xét các trường hợp tùy theo mức độ ủng hộ.

Là nước đầu tiên công nhận NTC và can dự quân sự vào Libya, các công ty của Pháp sẽ chiếm vị thế hàng đầu trong công cuộc tái thiết ở Libya. Total, tập đoàn dầu khí hàng đầu của Pháp, từ đầu tháng 3/2011 đã cử người đến Benghazi để bày tỏ sự ủng hộ đối với quân nổi dậy. Công ty này chắc chắn sẽ nhận được phần nhiều hơn trong "chiếc bánh Libya”.

Khói bốc đen đặc ở thành phố Misrata sau cuộc đụng độ giữa quân đội Libya và phe nổi dậy.

Mặc dù Italia chậm trễ trong việc tham gia chiến dịch ở Libya nhưng nước này lại nhanh chóng đáp ứng đề nghị viện trợ tài chính của NTC. Thủ tướng Italia S. Berlusconi đã đi trước các nước châu Âu khi công bố khoản viện trợ 350 triệu euro cho Libya trong giai đoạn đầu. Tháng 3/2011, Paolo Scaroni – chủ tập đoàn dầu mỏ ENI của Italia – đã đề nghị chấm dứt biện pháp trừng phạt đối với Libya. Các cuộc tiếp xúc trực tiếp và gần như thường xuyên với các thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy từ tháng 4/2011 cho thấy công ty này không có ý định để cho người khác tranh mất phần. Thông qua công ty dầu khí ENI, Italia sẽ cung cấp xăng cho Libya. ENI cũng hỗ trợ NTC về mặt kỹ thuật để tái khởi động các nhà máy dầu khí ở miền Đông. Chính phủ Italia và NTC sẽ lập ra một ban liên lạc để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của nhân dân Libya và giải quyết những khó khăn trước mắt về tái thiết.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga sẽ phải chiến đấu quyết liệt và tăng cường các chiến dịch ngoại giao thì mới có hy vọng. Tháng 3/2011, cả hai nước đều bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an LHQ về việc can thiệp vào Libya. Cơ quan Thương mại của Nga tại Libya đang lo ngại “các doanh nghiệp của Nga sẽ mất hết các hợp đồng ở Libya”. Gazprom Neft và Tatneft – đã đầu tư hàng tỉ USD vào thị trường Bắc Phi này – đang gây áp lực yêu cầu Mátxcơva thuyết phục chính phủ lâm thời Libya "nhẹ tay” với hai con chim đầu đàn của ngành công nghiệp dầu khí của Nga.

Đối với Trung Quốc, chiếm lại lợi thế trên thị trường dầu mỏ Libya thực sự là một vấn đề. Tuy nhiên, Trung Quốc là một đối tác thương mại có trọng lượng mà Tripoli không thể bỏ qua và điều đó có nghĩa là các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc ít có khả năng bị gạt ra ngoài.

Sân mới của “trò chơi” cũ

Ngoài dầu khí, khi yểm trợ phe nổi dậy ở Libya, NATO còn nhắm đến nhiều hợp đồng quan trọng khác của Libya trong giai đoạn tái thiết đất nước: Từ các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến chương trình trang bị máy bay cho hãng hàng không quốc gia Air Libya, hay trang bị quân sự cho một chế độ có trong tay đến 150 tỉ USD dự trữ ngoại tệ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng việc tái thiết Libya và nguồn tài nguyên dầu mỏ của nước này sẽ trở thành cuộc chơi mới của liên quân. Trước đây, việc kiểm soát nguồn năng lượng trên toàn thế giới đã thúc đẩy cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên chiến với Iraq dưới nhiều chiêu bài. Iraq bị phá hủy rồi bế tắc về kinh tế và chính trị. Dầu mỏ của Iraq rơi vào tay các công ty xuyên quốc gia và các công ty đó nhận được hợp đồng tái thiết Iraq với chi phí hàng tỉ USD. Chuyên gia Alberto Piccioni cho rằng kịch bản này đang được áp dụng ở Libya, nơi Tổng thống Pháp Sarkozy gánh trách nhiệm thực hiện. Điều đó giải thích tại sao ngay từ đầu cuộc nổi dậy, một số nhà lãnh đạo Italia công khai cáo buộc Pháp tìm cách chiếm chỗ trong lĩnh vực dầu khí ở Libya. Paolo Scaroni, thủ lĩnh đảng Liên đoàn phương Bắc, than phiền rằng việc Pháp nhảy vào can thiệp khiến Italia có nguy cơ mất dầu mỏ và khí đốt ở Libya.

Giờ đã đến lúc chia phần. Song chuyên gia Khadidja Baba-Ahmed cảnh báo mọi tính toán và mưu đồ chiếm chỗ mà không tính tới tình trạng hỗn tạp về tư tưởng, vốn là đặc tính của NTC, có thể trở thành mối đe dọa nếu thiếu nhãn quan chính trị và xã hội ở Libya trong tương lai.

Tình hình ở Libya còn rất bấp bênh. Hiện vẫn còn nhiều ẩn số về thành phần chính phủ mới tại quốc gia dầu mỏ này. Giới quan sát cũng chưa biết rõ thực chất của NTC ra sao. Vì vậy, có thể nói dầu khí của Libya là một “hồ sơ ngỏ”. Libya là một quốc gia có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao. Dầu mỏ là biểu tượng của đất nước này. Khó có thể nói rằng chính phủ mới ở Libya, dù “chịu ơn” phương Tây, sẽ mở rộng cửa và cho phép các nhà đầu tư quốc tế ồ ạt vào khai thác dầu mỏ. Tripoli, dù dưới sự lãnh đạo của ai đi chăng nữa, cũng sẽ không dễ dàng bán rẻ "vàng đen” của Libya.

Kiến Văn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc