Libya 28/4: Putin phát ngôn, Obama hành động

19:00 | 28/04/2011

376 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vẫn chưa có lối thoát nào được mở ra cho cuộc khủng hoảng ở Libya, khi các bên đều đang tích cực tăng cường ném quân vào cuộc chiến.

Theo hãng tin ANSA, ngày 27/4, một chiếc máy bay chiến đấu F-16 của Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tham gia chiến dịch ở Libya đã bị rơi trong lúc hạ cánh xuống căn cứ quân sự Sigonella ở miền nam Italy. May mắn là phi công đã kịp bung dù để tiếp đất. Căn cứ quân sự Sigonella đã tạm đóng cửa sau vụ tai nạn.

Một quan chức NATO giấu tên cho biết, tại thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc máy bay không tham gia chiến đấu mà đang được điều từ căn cứ không quân Decimomannu ở Sardinia đến căn cứ Sigonella của NATO ở đảo Sicily.

Một thành viên phiến quân với vũ khí được NATO trang bị (Ảnh: Reuters)

Không phải là thành viên NATO, nhưng từ hồi tháng trước, UAE đã triển khai 12 phản lực chiến đấu gồm 6 chiếc F-16 và 6 chiếc Mirage đến căn cứ không quân Decimomannu để tham gia thực thi vùng cấm bay ở Libya theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Ở một diễn biến khác, như tin đã đưa, nhà cầm quyền Libya đang tiếp tục trang bị vũ khí và huấn luyện cho dân thường tại các khu vực do chính quyền kiểm soát ở miền Tây. Ngoài ra, chính quyền Đại tá Gaddafi còn có 14 ủy ban khác với nhiệm vụ huấn luyện tình nguyện viên sẵn sàng chiến đấu với bất cứ nguy cơ nào mà họ cho là một cuộc xâm chiếm, đổ bộ của NATO.

Một chiếc xe tăng của lực lượng Gaddafi bị bom NATO phá hủy (Ảnh: Reuters)

Phát ngôn viên của phiến quân tại thành phố Benghazi – thành trì của phe đối lập ở miền đông – cho biết ông Gaddafi đang kiên quyết phá huỷ cảng Misrata, tuyến đường huyết mạch trong hoạt động viện trợ nhân đạo và quân sự cho lực lượng nổi dậy ở phía Tây.

Theo ông này, họ đang làm hết sức để "cứu” cảng Misrata, nhưng gặp quá nhiều khó khăn do phải đối mặt với các loại tên lửa tầm xa của Gaddafi và không thể tiêu diệt các tên lửa này bằng vũ khí hạng nhẹ mà họ hiện có.

Một phiến quân canh gác tại Misrata

Trước đó 1 ngày, lực lượng chính phủ đã nã tên lửa Grad vào cảng Misrata, khiến ít nhất 3 người tị nạn thiệt mạng và buộc một tàu cứu hộ phải ở lại ngoài biển.

Trong khi đó, theo hãng tin AFP, các bộ tộc ở Libya đã đưa ra tuyên bố kêu gọi Gaddafi từ chức. Những người đứng đầu 61 bộ tộc trên khắp quốc gia Bắc Phi này đã kêu gọi chấm dứt 4 thập kỷ nắm quyền của ông Gaddafi trong một tuyên bố chung

Lực lượng tuần hành kêu gọi TT Gaddafi từ chức (Ảnh: Reuters)

"Đối mặt với những mối đe doạ với tinh thần đoàn kết của đất nước chúng ta, đối mặt với các hoạt động tuyên truyền của nhà độc tài này và gia đình ông ta, chúng ta long trọng tuyên bố: Không gì chia rẽ được chúng ta. Chúng ta có chung ý tưởng về một Libya tự do, dân chủ và đoàn kết”, tuyên bố có đoạn viết.

Hãng Al Jazeera đưa tin, NATO đã thả bom phá hủy đường cáp quang ngầm của Libya nhằm cắt đứt hệ thống thông tin liên lạc của chính quyền Gaddafi. Đây là hệ thống đảm bảo liên lạc giữa Sirte, thành phố quê hương của Gaddafi với Ras Lanuf, nơi có một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất Libya và Marsa el-Brega, địa điểm có các nhà máy sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng. Trước đó, ngày 23/3, NATO đã bắt đầu chiến dịch “Người bảo vệ thống nhất” với việc tuần tra bờ biển Libya để ngăn chặn triệt để việc cung cấp vũ khí cho nước này.

Dinh thự của TT Gaddafi bị bom NATO phá hủy (Ảnh: Reuters)

Hôm 26/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức tuyên bố về khoản chi 25 triệu USD viện trợ các thiết bị không gây sát thương cho lực lượng phiến quân Libya. Các quan chức Mỹ cho biết khoản viện trợ này bao gồm xe, xe chở nhiên liệu, xe cấp cứu, trang thiết bị y tế, áo chống đạn, ống nhòm và đài phát thanh.

Tuyên bố cung cấp viện trợ chính thức của Mỹ được đưa ra đúng vào ngày Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox nói tại Washington rằng phiến quân đã có "động lực” trên chiến trường trong khi Gaddafi đang "thoái lui”.

Cảnh đổ nát bên ngoài dinh thự của Gaddafi (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Italy Berlusconi cũng tuyên bố, nước này sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động quân sự tại Libya với việc tham gia vào các cuộc không kích của NATO. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Obama, ông Berlusconi nhấn mạnh: “Italy quyết định hưởng ứng lời kêu gọi của NATO nhằm gia tăng tính hiệu quả của sứ mệnh quân sự tại Libya; đồng thời bảo vệ dân thường nước này”.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Italy nêu rõ, các cuộc không kích của Italy sẽ chỉ nhằm vào "những mục tiêu quân sự cụ thể”. Thời gian vừa qua, các máy bay và tàu hải quân của Italy chỉ tham gia tiếp nhiên liệu và một số hoạt động khác phục vụ cho sứ mệnh của NATO tại Libya.

NATO đang muốn "ép chết" Gaddafi (Ảnh: Reuters)

Ở một diễn biến khác, Thủ tướng Nga Putin phủ nhận việc kêu gọi một cuộc họp Hội đồng Bảo an về vấn đề Libya, tuy nhiên gay gắt lên án các cuộc không kích do NATO cầm đầu đang phá hủy đất nước này một cách bất hợp pháp dưới danh nghĩa “cái gọi là xã hội văn minh”.

"Chúng ta phải hành động theo luật pháp quốc tế và ý thức về trách nhiệm của chúng ta đối với quyền lợi của người dân. Và khi cái gọi là nhóm xã hội văn minh dồn ép một đất nước nhỏ bé, phá hủy cơ sở hạ tầng được xây dựng qua nhiều thế hệ thì điều đó là tốt hay xấu? Cá nhân tôi không thích điều này” - Thủ tướng Putin tuyên bố trong chuyến thăm Đan Mạch.

Khi được hỏi về tuyên bố hồi tháng 3 gọi việc thiết lập vùng cấm bay ở Libya là "một cuộc thập tự chinh thời trung cổ”, ông Putin nhấn mạnh: “Vùng cấm bay là thế nào, nếu hàng đêm các máy bay của họ ném bom vào nơi ở của ông Gaddafi? Một số quan chức tuyên bố muốn tiêu diệt ông Gaddafi. Ai cho phép họ làm điều này? Không lẽ họ là tòa án? Ai có thể tự cho mình cái quyền đó – quyền được giết một người, bất kể người đó là ai?”

Theo ông Putin, các quốc gia tham gia chiến dịch do NATO chỉ huy đã đi chệch sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc trong việc áp đặt một vùng cấm bay và bảo vệ dân thường.

Một người Libya hiên ngang vẫy cờ sau cuộc không kích dữ dội của NATO tại Tripoli (Ảnh: Reuters)

Libya là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đứng đầu châu Phi, đứng thứ tư về khí đốt. Một câu hỏi được đặt ra là: liệu đây có phải là đối tượng quan tâm chính của những người đang tham gia hành động tại đây hay không”, Thủ tướng Nga nêu ý kiến chỉ trích.

Không chỉ phản đối NATO, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã lớn tiếng bảo vệ “người bạn” Gaddafi của ông: “Như các bạn đã biết, ông Gaddafi là bạn của chúng tôi, nhưng điều này không liên quan gì đến tình bạn. Ai có quyền đánh bom như thế? Họ đang muốn sát hại ông Gaddafi”.

Ông Hugo Chavez nhấn mạnh: “Chúng ta không ủng hộ tất cả những việc ông Gaddafi đang và đã làm; nhưng ai có quyền dội bom vào ông ấy mỗi sáng? Họ dội bom xuống trung tâm thương mại, bệnh viện và trường đại học; tất cả chỉ vì muốn thay đổi chính quyền ở Libya”.

Theo VTC NEWS

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc