Lệnh trừng phạt Nga không “xi nhê” gì với doanh nghiệp phương Tây?

07:10 | 23/06/2015

1,803 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngành công nghiệp năng lượng của Nga vẫn có sức “hút” rất lớn đối với các doanh nghiệp phương Tây, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu và Mỹ.

>> Một năm thất bại toàn diện của Tổng thống Ukraina

Đã gần 1 năm kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga để gây áp lực lên Moskva trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Các công ty châu Âu và Mỹ bị cấm làm ăn với các công ty năng lượng và ngân hàng của Nga, từ giao dịch cho đến liên doanh, tham gia vào các dự án thăm dò khai thác dầu khí (E&P), hay bán các công nghệ được sử dụng trong lĩnh vực E&P.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào một danh sách dài các hợp đồng, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ… được ký kết tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg ở Nga tuần trước sẽ thấy có một thực tế là lệnh trừng phạt của EU không “xi nhê” gì với các doanh nghiệp của họ.

Một ví dụ trong số các thỏa thuận đã được ký kết giữa các doanh nghiệp phương Tây và Nga gần đây là biên bản ghi nhớ về việc thành lập một liên doanh giữa Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và các đối tác: Shell (Anh-Hà Lan), E.ON (Đức) và OMV của Áo.

Theo đó, liên doanh sẽ tham gia vào một dự án đường ống dẫn khí mới, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí mỗi năm từ các mỏ khí đốt ở phía Bắc Nga sang các thị trường châu Âu. Dự án đường ống này được cho là sẽ lớn hơn so với hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc đang làm nhiệm vụ đưa khí đốt của Nga đi về phía Tây.

Tổng giám đốc Shell, ông Ben van Beurden cho biết, Gazprom sẽ vẫn là một phần quan trọng trong ma trận năng lượng của châu Âu trong thời gian tới.

“Khí đốt tự nhiên vẫn sẽ là một phần không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của châu Âu. Đó là lý do tại sao các dự án mới như vậy là rất quan trọng để đáp ứng cho nhu cầu của lục địa này, đặc biệt trong bối cảnh ở châu Âu, khai thác khí đốt đang suy giảm”.

Shell và Gazprom cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược vào tuần trước, nhằm phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai người khổng lồ năng lượng thế giới trên tất cả các phân đoạn của ngành công nghiệp khí đốt, từ thượng nguồn đến hạ nguồn, không loại trừ cả việc trao đổi tài sản.

Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, như Exxon Mobil (Mỹ). Trong khi Shell và các đối thủ châu Âu sốt sắng tìm cơ hội khoan dầu ở một trong những nơi rẻ nhất thế giới thì Exxon Mobil lại ngậm ngùi bước ra khỏi dự án liên doanh trị giá 700 triệu USD ở biển Kara do lệnh cấm vận của Mỹ.  

Song, có một điều cần phải ghi nhận là ngày càng có nhiều doanh nghiệp phương Tây không muốn bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào Nga vì những trói buộc mang đầy toan tính chính trị. Tất cả đều đang mong chờ và chuẩn bị sẵn sàng “lao” vào Nga một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Shell đang tìm cơ hội hợp tác đầu tư tại Nga, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây

Tuy nhiên, EU vẫn tiếp tục dùng “đòn” kinh tế để trừng phạt Nga. Hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tổ chức tại Brussels, Bỉ hôm nay (22/6/2015) đã thông qua quyết định mở rộng áp đặt trừng phạt Nga đến ngày 31/1/2016.

Tuyên bố của EU nêu rõ: Các ngoại trưởng EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng nữa do “vai trò gây bất ổn của Nga ở miền Đông Ukraina”.

Trước đó, quyết định này cũng đã được các Đại sứ của 28 quốc gia thành viên EU thông qua tại một cuộc họp vào tuần trước ở Brussels. Ngoài ra, các Đại sứ EU cũng đồng ý gia hạn cấm nhập khẩu hàng hóa từ Crimea và Sevastopol thêm 1 năm. Hiện EU cũng đang tiến hành các thủ tục pháp lý để mở rộng việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với 150 cá nhân, 37 công ty và tổ chức của Ukraina và Nga, vốn bị cáo buộc phá hoại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraina.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo (WIFO) công bố mới đây, nếu chính sách trừng phạt của EU đối với Nga – đối tác thượng mại và năng lượng hàng đầu của họ vẫn được giữ nguyên mà không thay đổi, Đức sẽ mất hơn 1% GDP hàng năm vào cuối năm nay trong khi Pháp sẽ mất 0,5% GDP. Và toàn bộ EU sẽ mất 1,9 triệu việc làm và khoản tiền lên tới 80 tỷ euro.

Ngay ở trong lòng EU, đặc biệt là giới doanh nhân, cũng đã có nhiều tiếng nói phản đối chính sách trừng phạt Nga của EU bởi chính EU đang phải hứng “đòn đau” từ điều này.

Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon trong Diễn đàn kinh tế St. Peterburg mới đây đã liên tiếng cho biết, cộng đồng quốc tế trong thế giới đa cực hiện nay không thể khuất phục, phục tùng vì lợi ích của một quốc gia đơn lẻ: "Cộng đồng quốc tế không thể tiếp tục nằm dưới sự thống trị của chỉ một mô hình, một trung tâm. Đây là lý do tại sao, bất chấp tất cả những sự mâu thuẫn, đối lập, sự hài hòa toàn cầu nên được dựa trên nguyên tắc cân bằng bởi các bạn không thể bảo đảm an toàn cho một thế giới khi mà ở đó chỉ có Mỹ mới có thể giải quyết tất cả các vấn đề”.

Chưa cần biết, những biện pháp của EU sẽ có tác dụng đến đâu cho cuộc khủng hoảng Ukraina, nhưng những gì mà khối đang làm là đã bỏ qua lợi ích doanh nghiệp cũng như lợi ích của chính bản thân mình.

Linh Phương

(Năng Lượng Mới)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc