Lễ hội 2015: Cần “trục xuất” bạo lực

06:00 | 10/03/2015

900 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng Giêng là tháng vào mùa lễ hội. Nhiều vùng quê có lễ hội truyền thống lâu đời, mang bản sắc riêng, vì thế người dân ở đó luôn háo hức chờ đón và có sự chuẩn bị rất kỹ cho ngày trọng đại này. Thế nhưng, thay vì chúc nhau những lời hay ý đẹp cho năm mới may mắn, an lành thì nhiều người đã hành xử với nhau bằng nắm đấm và gậy gộc.

Năng lượng Mới số 402

“Bùng nổ” bạo lực đầu xuân

Cả nước hiện có 8.000 lễ hội trong danh sách của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Chia bình quân, mỗi ngày có tới gần 30 lễ hội, đây quả là sự “bùng nổ” lễ hội. Bên cạnh mặt tích cực cũng có những lễ hội không đáng khôi phục, vì ở đó những việc làm tiêu cực, thậm chí nhiều phong tục xấu được phục hồi, nhiều tật xấu mới nảy nở. 

Ở một số lễ hội, ngoài phần rước linh kiệu, tế lễ tương đối giống nhau, thì phần hội truyền thống mỗi nơi có mầu sắc riêng và quan niệm trong ngày hội ai giành được vật phẩm ngài ban cho thì được may mắn cả năm. Dẫu vậy, trong hàng nghìn lễ hội diễn ra hằng năm, đâu đó vẫn có những lễ hội mà để đạt được ước nguyện cầu thì mỗi người lại phải trải qua cung bậc cảm xúc khác nhau, từ nghẹt thở khi bản thân phải lao vào những màn vồ, giật, cướp, hay chứng kiến cảnh “máu rơi” từ nghi thức chém, giết những con vật hiến tế.

Hình ảnh bạo lực của một số lễ hội đầu năm 2015

Có thể kể đến lễ hội “chém lợn” của làng Ném Thượng (Bắc Ninh) với sự ghê rợn và máu me do tập tục này mang lại. Trước làn sóng dữ dội phản đối lễ hội này vì cho rằng quá man rợ, đối xử dã man với loài vật và ảnh hưởng không tốt tới trẻ em khi chứng kiến, lễ hội chém lợn làng Ném Thượng năm nay vẫn diễn ra trong bối cảnh lượng du khách thập phương, phóng viên đến dự và chứng kiến đông gấp đôi các năm khác. Sáng 24/2 (mồng 6 tết) người dân làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) vẫn thực hiện phong tục này như mọi năm và vẫn khai đao chém “ông ỉn” giữa sân đình. Nếu như hình ảnh Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh khiến nhiều người “ngoại đạo” rùng mình thì ngược lại, với người dân làng Ném Thượng thì đây là nghi thức truyền thống và là nét văn hóa riêng của họ để tự hào. Năm trước, người cầm đao còn chém đứt ngang thân “ông ỉn”. Khi người cầm đao sắc lẹm hạ xuống, gương mặt của những người bao quanh không biến sắc, người người còn hò reo, giơ điện thoại lên chụp ảnh và quay phim. Máu từ cổ lợn tuôn ra theo dòng, những bước chân xô đẩy nhau để quệt tiền vào máu lợn tràn trên sân để mang về nhà thờ mong cho may mắn cả năm.

Trong nhiều lễ hội, không chỉ tái hiện những cảnh tượng máu me, ghê rợn mà chính những người tham gia cũng hành xử với nhau côn đồ, hung hãn khi… tranh cướp lễ vật. Gần đây, trong lúc lễ tế đang diễn ra tại sân đình Đông Lai (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) ngày 25/2 thì một số thanh niên cầm dao “truy sát” tại lễ hội “đả cầu cướp phết”. Mặc dù năm nay ban tổ chức không tung cầu cướp phết nhưng đầu giờ chiều cùng ngày, hàng nghìn người, chủ yếu là thanh niên ở nhiều huyện như Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Dương và TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã tập trung tại khu vực trước sân đình.

Theo ban tổ chức lễ hội “Đả cầu cướp phết”, năm nay UBND huyện Lập Thạch chỉ đạo không tổ chức cướp phết mà chỉ thực hiện các nghi lễ tế tại sân đình. Trước và sau giờ tế lễ, người dân được phép sờ quả cầu để mong ước một năm có sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn.

Cũng trong hội Gióng ngày 24/2, sau khi tiến hành nghi thức rước thì những lễ vật như voi, ngựa chiến và ngà để hóa vàng sau. Riêng trầu cau và hoa tre theo phong tục sẽ phải tán lộc cho du khách, tuy nhiên do “lộc” ít quá nên du khách buộc phải giành nhau “cướp” lộc lấy may. Kiệu hoa tre đang được rước vào đền Thượng (tới đền Hạ mới kết thúc nghi lễ) đã bị hàng chục thanh niên lao vào cướp khiến du khách hoảng sợ.

Vậy là, xuất phát từ nghi thức tranh cướp hoa tre truyền thống, điểm nhấn độc đáo của hội Gióng đã trở thành cuộc ẩu đả thật sự. Không chỉ hoa tre bị cướp một cách bạo lực, lễ rước trầu cau diễn ra ngay sau đó cũng gặp phải tình huống tương tự.

Trước thông tin về vụ “hỗn chiến” ở đền Gióng, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định, đứng ở góc độ văn hóa, Sở phản đối những màn tranh cướp bạo lực, phản văn hóa tại các lễ hội.

Theo các bô lão, “cướp hoa tre” cầu may mắn là tục lệ của hội Gióng, những gì là truyền thống thì cần được gìn giữ; tuy nhiên không nên lạm dụng vin vào đó để xảy ra những màn tranh giành ăn thua bạo lực, tạo hình ảnh phản văn hóa trong mắt du khách.

Ngày xưa, nghi thức lấy lộc cầu may hầu như chỉ dành cho các cụ cao tuổi, các em nhỏ. Ai cũng nhanh nhẹn, nhẹ nhàng lấy lộc với thái độ vui vẻ, vui là chính chứ không hung hăng, xô đẩy như một số thành phần thanh niên bây giờ…

Bạo lực là phi tín ngưỡng

Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, hoạt động mang tính chất “chân, tay” trong các lễ hội truyền thống xưa thì chỉ mang tính chất tượng trưng, được thể hiện trên tinh thần vui vẻ, không hề có dấu ấn của “tả xung hữu đột” như vừa xảy ra tại lễ hội đền Gióng. Việc tấn công, cướp giật đó là sự lợi dụng truyền thống để thỏa mãn lòng tham và cuồng vọng cá nhân và rất phản truyền thống, phản văn hóa.

Đồng quan điểm với GS Ngô Đức Thịnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Lễ hội là thể hiện thuần phong mỹ tục, thể hiện tính nhân văn, nhân bản, thể hiện sự tôn sư trọng đạo. Đến với nhà chùa, lễ hội là để hướng tâm, chứ không phải đến đó để giành giật, ăn cướp lễ vật.

Việc dùng bạo lực, gậy gộc lao vào để cướp giật lễ vật là phi văn hóa, phi tín ngưỡng. Nguyên nhân là do sự mê tín thái quá. Nhưng thực tế sẽ chẳng có may mắn, hạnh phúc nào đến với hành vi cướp giật. Hơn nữa, lễ vật chỉ là biểu tượng chứ không có giá trị về vật chất. Nếu không có bàn tay lao động, không có sự cần cù, chịu khó thì không có may mắn nào đến với mình cả”.

Xưa nay, nói đến lễ hội mùa xuân là người ta nghĩ ngay đến không khí vui tươi, an lành nơi mọi người du ngoạn, thưởng thức khung cảnh bình yên nơi cửa Phật, cửa đền để mong sự an khang và may mắn. Nhưng điều rất đáng buồn là lễ hội ngày nay đã bị biến tướng rất nhiều. Chốn cửa phật, cửa đền vốn thâm nghiêm thanh tịnh đã trở thành chốn trần tục để cho người đi lễ tranh nhau cầu xin, mua bán lợi lộc, quan tước, thậm chí cầu xin cả những điều phi pháp.

Hiện nay, lễ hội nhìn chung đang bị biến tướng theo hướng trần tục và thương mại hóa. Điều đó cũng phản ánh sự xuống cấp tha hóa đạo đức xã hội trong một bộ phận không nhỏ nhân dân trong những năm gần đây, đã được phản ánh đầy đủ, trung thực vào chốn đền chùa thiêng liêng.

Giá trị văn hóa của mỗi lễ hội đã được khẳng định và truyền nối qua nhiều đời, ở đó người dân vừa có dịp bày tỏ lòng tri ân công đức của tiền nhân, vừa gửi gắm khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, vì thế không thể để nảy sinh yếu tố bạo lực bắt nguồn từ một phong tục đẹp như ban lộc trong ngày hội. Bởi một lễ hội chỉ có ý nghĩa khi nó thỏa khát vọng của con người và diễn ra trong niềm vui, an toàn.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.