Lấy thân mình làm dây thông tin

09:09 | 19/08/2016

819 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Duy Hoan (thôn Đồng Quê, Vũ Bản, Bình Lục, Hà Nam) đã dùng răng cắn hai đầu dây thông tin để đảm bảo đường dây được thông suốt truyền lệnh chiến đấu được kịp thời, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng ác liệt 81 ngày đêm ở thành Quảng Trị.
lay than minh lam day thong tin
Ông Trần Duy Hoan thời chiến tranh

Lính thông tin đi rà phá bom mìn

Ông Hoan lục tìm trong tủ mang ra quyển sách “Lịch sử trung đoàn thông tin 134 anh hùng”, và kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời quân ngũ của ông. Trần Duy Hoan sinh năm 1949 tại Bình Lục, Hà Nam trong một gia đình cách mạng. Năm 1968, ông nhập ngũ, huấn luyện tại Gia Viễn (Ninh Bình), sau đó chuyển đi huấn luyện thông tin ở Đại đội 5D26 quân khu Hữu Ngạn (sau này là quân khu 3). Cuối năm 1968, ông đi B (chiến trường miền Nam) vào trung đoàn 134 thuộc binh chủng thông tin, giúp nước bạn tại sân bay NaBe (Lào).

Tháng 3 năm 1970 ông được điều về Khe Sanh, đường 9 nam Lào, đến tháng 6 năm 1971 chuyển về Vĩnh Linh, Quảng Trị. Khi kết thúc chiến tranh ông về phục vụ mạng thông tin của bộ, từ Quảng Trị (quân khu 4) đổ vào.

Khi nói về những người lính thông tin, ông Hoan kể: “Chúng tôi thường nói với nhau rằng: Đường dây là ruột của mình, cột xà là xương của mình còn Vũ khí của lính thông tin là cuộn dây và cái kìm. Vậy mà chúng tôi vẫn phá rất nhiều bom mìn của địch trút xuống”.

Ông không chỉ là một người lính thông tin giỏi tại chiến trường Vĩnh Linh mà là người luôn tìm tòi và phổ biến những cách tránh bom, đạn pháo của kẻ thù cho đơn vị. Theo ông, bom bi quả dứa có sức công phá lớn, nhưng đáng sợ nhất là bom bi khoan, nó trông như cái bắp ngô, khi rơi xuống không nổ ngay mà khoan sâu vào lòng đất 30cm mới nổ. Trên đường đi nối dây thông tin bị bom đánh đứt, gặp bom chưa nổ là ông Hoan cùng anh em trong tiểu đội “dọn” luôn. Có những quả bom bi khoan chưa phát nổ ngay, ông phải bò xuống hầm, dùng dây điện thông tin buộc vào lôi lên ném ra xa cho nổ.

Có sức công phá không kém những quả bom bi là những trái pháo dàn. Pháo dàn gồm 3 quả, khi địch bắn ra nó đi như chân kiềng, cứ cách khoảng 10 – 15m địch lại bắn một lần nên quân ta rất dễ bị trúng pháo. Nhận thấy địch hay bắn đón đầu nên ông dặn anh em trong đơn vị cứ thấy nó nổ chỗ nào là nằm xuống hố đó, không được chạy lung tung. Chính những cánh tránh bom hiệu quả đó đã hạn chế được rất nhiều thương tích cho đơn vị.

lay than minh lam day thong tin

Đoạn dây thông tin ông Hoan cắn để giữ liên lạc trong trân chiến 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị

10 phút góp phần làm nên chiến thắng

Trong thời gian ông làm nhiệm vụ, dây điện thông tin chủ yếu là dây cáp, dây trần và dây bọc nên tất cả đều bị bom của quân địch đánh phá đứt hết. Muốn khôi phục được chỉ còn cách dùng dây bọc dã chiến. Cứ địch đánh đứt ở đâu, ta nối lại ở đó, có đoạn chỉ 1 – 2m mà tới hơn chục mối nối. Địch phá ta nối, liên tục giằng co như vậy địch không tài nào phá nổi.

Ông Hoan nhớ lại những ngày tháng hào hùng, chiến dịch 81 ngày đêm ở Quảng Trị. Ngày 20 tháng 6 năm 1972, khi địch đánh phá vô cùng ác liệt đoạn từ Vĩnh Linh vào đến sông Thạch Hãn, Quảng Trị, nhằm chia cắt đường thông tin của ta từ Hà Nội vào Nam, chúng đánh suốt ngày đêm hòng làm hủy hoại tất cả mọi đường thông tin của ta. Trong những trận đánh ác liệt đó, hai đồng chí trong tiểu đội đã anh dũng hi sinh.

Lúc đó địch đánh ác liệt nhất là đoạn do tổ 29 của ông Trần Duy Hoan làm tổ trưởng quản lý. Địch đánh đứt đầu này, ta vừa nối xong thì chúng đã ném bom đứt đầu kia, các đồng chí trong tiểu đội phải chạy đi chạy lại suốt ngày. Cho đến khi có đoạn nhiều mối nối quá không nối được nữa, ông đã kéo căng hai đầu dây nhưng không nối lại được. “Trong tình thế cấp bách đó, tôi ghì hai đầu dây cho vào răng cắn chặt lại. Lúc đó tôi cắn vào để nối chứ không nghĩ dòng điện đi qua người tôi và nguồn thông tin được đảm bảo trong 10 phút”, ông Hoan nhớ lại.

lay than minh lam day thong tin
Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng

Sau trận đánh ấy kết thúc ông đã được cấp trên trặng Huân chương chiến công hạng nhất. Ông Hoan đưa ra cho tôi xem một cuốn sách. Trang 127 + 128 lịch sử trung đoàn thông tin 134 (1949 – 2008) Biên niên sử - Nhà xuất bản quân đội nhân dân có viết “Địch đánh bom vào tổ 29 của đồng chí Trần Duy Hoan, trọng điểm là khu vực Sông Dinh và nông trường Việt Trung. Trần Duy Hoan đã anh dũng nhặt bom bi mở lối đi, nối thông liên lạc. Có lần đang bị mệt, ngồi trong phòng trực máy thấy mất liên lạc, Hoan vùng dậy chạy đi khôi phục liên lạc ngay, vừa lên khỏi mặt đất thì bị máy bay ném bom bi, Hoan bị 3 vết thương nhưng vẫn trực tiếp nối thông liên lạc. Riêng năm 1972, đồng chí Hoan đã chữa 157 lần dây hỏng trong lúc địch đánh phá. Đồng chí là một tiểu đội trưởng dũng cảm, hết lòng vì nhiệm vụ”.

Sau khi chiến dịch 81 ngày đêm kết thúc, ông Trần Duy Hoan ra Bắc và thi đỗ vào trường Học viện kỹ thuật quân sự . Ra trường ông Hoan giữ chức vụ Đại đội trưởng thông tin cho mạng lưới thông tin tại Hà Nội, Hà Tây cũ, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc).

lay than minh lam day thong tin
Ông Hoan đang lật tìm trong cuốn sổ ghi chép nhật ký về những ngày tham gia kháng chiến.

Tháng 10 năm 1981, ông tốt nghiệp cao cấp chính trị tại Nha Trang rồi làm trợ lý tham mưu cho trung đoàn 134 thông tin. Trước khi nghỉ hưu ông có quãng thời gian 10 năm liên tục giữ chức vụ chủ nhiệm thông tin của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam Ninh cũ.

Ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã vinh dự được nhận phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lược vũ trang nhân dân giải phóng” năm 1973 và nhiều huân huy chương kháng chiến khác.

Hiện nay, ngoài công việc làm vườn và chăn nuôi, trông cháu, ông còn thường xuyên tham gia các hoạt động của thôn, xã. Bà con đặt cho ông một cái tên đặc biệt, gắn liền với công việc của ông là “Ông thông tin!”.

Phú Văn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc