Lay lắt phận "đưa đò"

10:14 | 06/08/2012

2,252 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trong một khảo sát gần đây tại hội thảo khoa học “Cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông” vào ngày 2/8, có tới 40% số giáo viên được khảo sát cho rằng nếu được chọn lại nghề, họ sẽ không theo nghề sư phạm. Theo đó, lý do chính khiến họ không còn muốn gắn bó với nghề chính là do thu nhập – một lý do mà khiến nhiều người cảm thấy quá đau xót.

Lay lắt sống với lòng yêu nghề

Sau 25 năm đứng lớp, dạy dỗ biết bao thế hệ học sinh thành người có ích cho đất nước, cô Nguyễn Thanh Hương (PTTH Thạch Thất, Hà Nội) vẫn chưa dám mơ đến việc mua một chiếc xe máy để đi lại.

Vợ chồng cô cùng nghề giáo, chồng cô đã nghỉ hưu, còn cô vẫn tiếp tục với nghề “gõ đầu trẻ” – cái nghề được mọi người tôn vinh là “trồng người”. Chưa bao giờ cô thấy hối hận khi đã chọn nghề giáo, bởi ngay từ nhỏ, cô đã được các bậc bề trên dạy rằng “ít có nghề nghiệp nào cao quý như nghề giáo”.

Thế nhưng sau 25 năm đứng lớp, cuộc sống của gia đình cô vẫn chưa đạt đến mức đủ ăn mà vẫn thiếu trước hụt sau, bản thân cô vẫn gắn bó với chiếc xe đạp Mifa cũ trên con đường đến trường. Cô chia sẻ: “Lương giáo viên ba cọc ba đồng, nhất lại là giáo viên thôn quê. Người ta vẫn lên án dạy thêm, học thêm, nhưng thật sự, dù có dạy thêm thì chúng tôi cũng không thể giàu có được. Bản thân tôi đã có thâm niên 25 năm trong nghề giáo, thế nhưng lương cũng chẳng đủ ăn”.

Hiện giờ, lương của cô Hương chỉ có 3,5 triệu đồng, trong đó đã có phụ cấp thâm niên công tác và phụ cấp chủ nhiệm. Ngoài việc dạy học trên lớp, cô còn chăm một khoảnh vườn rau nhỏ, chăm mấy con gà, mấy con lợn để đỡ được tiền chợ và hi vọng kiếm thêm chút thu nhập.

Cô cười buồn: “Người ta ở ngoài cứ thấy dạy thêm thì nghĩ chúng tôi giàu lắm, nhưng nghề giáo không giàu được. Không trông chờ vào mấy con lợn, con gà này thì không thể sống được”.

Giáo viên hiện không thể sống bằng đồng lương của mình

 

Lương hưu của chồng cô cộng với tiền lương của cô và các khoản khác chỉ hơn 6 triệu đồng, trong khi đó, cô còn phải nuôi hai con gái đang học Đại học. Cô chia sẻ: “Cô chị cả đã ra trường, nhưng lương cũng không nhiều nên cũng chẳng đỡ đần được bố mẹ nuôi các em. Tiền học, tiền ăn, tiền nhà… của hai cháu trên Hà Nội không ít”.

Cô Hương chỉ là một trong số hàng triệu giáo viên các cấp ở nước ta đang phải sống lay lắt với nghề giáo. Mức lương không đủ cho cuộc sống hàng ngày buộc nhiều giáo viên phải làm thêm nhiều việc khác hoặc tính đến chuyện bỏ dạy để làm ngoài.

Tuy nhiên, cái may mắn của cô Hương là cô vẫn còn niềm tin và tình yêu nghề để gắn bó với bục giảng, viên phấn. Thầy Nguyễn Văn Khánh (quê Sơn La) chấp nhận đi dạy học theo hình thức hợp đồng ngắn hạn (3 tháng ký một lần) với một trường THPT ở khu vực miền núi với mức lương mỗi tháng vỏn vẹn không đầy… 1 triệu đồng! Thầy chia sẻ: “Mức lương thế này làm sao đủ sống để gắn bó với nghề? Có lẽ tôi nên tìm một việc khác, tình yêu nghề vẫn còn, nhưng chúng tôi đâu thể trang trải cuộc sống chỉ với tình yêu?”.

Đã có không ít người tốt nghiệp các trường đại học sư phạm, thậm chí ngay cả những trường từ trước đến nay được cho là có danh tiếng, đều không khỏi ngậm ngùi thốt lên: “Làm thầy khó lắm!”. Cái “khó” ở đây được hiểu theo cả hai nghĩa: Khó vì ít cơ hội kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp, và nếu có kiếm được việc làm thì cũng khó có đủ can đảm để theo đuổi nghề giáo viên.

Trong một khảo sát của nhóm nghiên cứu tại hội thảo “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, tuyển dụng giáo viên” được tổ chức tại TP.HCM ngày 2/8, thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp của giáo viên từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Người làm việc trong nghề sau 25 năm mới có mức lương 4,1 - 4,7 triệu đồng/tháng. Trong đó, có tới 50% số giáo viên trong diện khảo sát lương thấp hơn mức lương bình quân.

Và khi hỏi nếu cho chọn lại nghề các giáo viên có chọn lại nghề giáo không thì ở bậc tiểu học có tới 49%, bậc THCS: 59%, THPT: 52,4% giáo viên nói không muốn quay lại nghề giáo.

Đó thật sự là những con số quá xót xa khi cả nước đang tập trung toàn lực vào việc cải cách giáo dục từ hình thức thi, môn thi… mà quên mất rằng, có những thầy giáo, cô giáo đang phải sống lay lắt với đồng lương ít ỏi, ngày ngày mang bụng đói lên bục giảng để nói về những điều vĩ đại.

Giáo viên muốn bỏ việc, sinh viên sợ “làm thầy"

Tháng 9/2011, có một sự việc khiến dư luận xôn xao, đó là việc 35 giáo viên trường mầm non Mậu Lâm tại xã Mậu Lâm và Thanh Tân (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã đồng loạt xin nghỉ việc để đề nghị các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa tăng chế độ phụ cấp và một số khoản khác. 

Theo phản ánh của các giáo viên ngoài biên chế của trường mầm non Mậu Lâm và Thanh Tân, hiện nay số giáo viên ngoài biên chế đang được hưởng phụ cấp theo quyết định 2480 của UBND tỉnh Thanh Hóa là 985.000 đồng/giáo viên/tháng.

Trên thực tế, mức phụ cấp này, sau khi trừ các khoản như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn và một số khoản đóng góp, ủng hộ khác thì giáo viên ngoài biên chế được nhận cao nhất là hơn 500.000 đồng/tháng; thấp nhất là 480.000 đồng/tháng.

Sự việc 35 giáo viên ở trường mầm non Mậu Lâm đồng loạt muốn nghỉ việc chỉ là giọt nước làm tràn ly. Đây đó trên khắp cả nước, những giáo viên mầm non khác đang muốn bỏ việc hay chán ngán với nghề nghiệp của chính mình còn rất nhiều.

Với thu nhập 500.000 đồng/tháng, sau khi trừ khi tất cả các loại tiền BHYT, xã hội, công đoàn là số tiền 35 giáo viên này nhận được, chưa bằng một bát phở “đại gia” của thành phố.

Sự việc tại trường mầm non Mậu Lâm chỉ là "giọt nước tràn ly"

 

Và “hiện tượng” tiền lương còm cõi, ít ỏi như vậy của giáo viên như vậy đã khiến số lượng sinh viên lựa chọn ngành sư phạm và chọn nghề giáo càng ngày càng giảm đi. Một thực tế là hiện nay, xu hướng chọn nghề của học sinh THPT đã có nhiều thay đổi, lượng hồ sơ của các em đăng ký vào các ngành sư phạm cứ thưa dần, đáng báo động hơn là hầu như số học sinh khá giỏi thi vào các trường sư phạm chỉ đếm được đầu ngón tay, chả thế mà điểm chuẩn đầu vào của các ngành, các trường sư phạm gần đây giảm xuống mức thấp không ngờ. Và liệu đầu vào thấp, ai dám đảm bảo đầu ra sẽ cao?

Có nhiều nguyên nhân: Hoặc là các em không đam mê nghề giáo vì cho rằng vào nghề giáo vất vả, áp lực lớn, thời gian khắt khe, nhìn thấy các thầy cô giáo của mình vất vả thì cũng chạnh lòng.

Ngoài ra, nhiều em còn tính toán về thu nhập trong tương lai: mức sống của giáo viên thua kém xa so với một số ngành nghề khác. Hay là do nhận thức của các em cho rằng: Học sư phạm ra kiếm việc rất khó, mà nhiều tấm gương anh chị em sinh viên, thậm chí có một số sinh viên đã theo học xong bằng Thạc sỹ nhưng để có được biên chế vào nhà nước là một điều không dễ dàng.

Để giáo viên nghèo, không sống nổi với đồng lương của mình thì khó có thể đòi hỏi các thầy, cô phải hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Lòng yêu nghề vẫn còn đó, nhưng khi cuộc sống còn bấp bênh, gia đình còn nghèo khó thì để tình yêu ấy, nhiệt huyết ấy trọn vẹn thì quá khó.

Xin mượn lời GS. Hồ Ngọc Đại khi ông đã thu thêm tiền phụ huynh để tăng lương cho giáo viên của mình trong thời gian sau đổi mới, ông giải thích với phụ huynh: “Tôi sẽ thu tiền của phụ huynh, thông qua cô giáo, trả lại cho con các vị. Tôi lấy số tiền ấy, trả thêm cho giáo viên, để họ đủ sống. Khi thầy cô giáo sống đàng hoàng hơn, ra chợ đàng hoàng hơn, đến lớp đàng hoàng hơn thì thái độ đàng hoàng ấy, con cái các vị hưởng. Ngoài ra, tôi không dùng tiền đó để làm cái gì khác”.

 

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.