Hà Nội:

Lập đoàn giám sát trường mầm non, lớp mẫu giáo tư thục

11:11 | 29/03/2018

1,526 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 27/3, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã thành lập đoàn giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn từ năm 2015 đến nay.  

Cụ thể, thông qua đợt giám sát, đoàn công tác sẽ đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2015 đến nay; làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định những nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan.

Trên cơ sở đó, đoàn sẽ kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn trong việc quản lý, tổ chức thực hiện đối với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn TP Hà Nội trong những năm tiếp theo.

lap doan giam sat truong mam non lop mau giao tu thuc
Trẻ theo học tại một cơ sở giáo dục mầm non

Đoàn giám sát do ông Trần Thế Cương - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội làm Trưởng đoàn, cùng sự tham gia của các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội và đại diện một số sở, ngành có liên quan.

Từ trước đến nay, ở một số khu đô thị, khu công nghiệp lớn, việc thành lập và quản lý các nhà trẻ, lớp mẫu giáo tư thục rất lỏng lẻo. Nhiều cơ sở hoạt động chui, không giấy phép dẫn đến chất lượng chăm sóc trẻ không đảm bảo, khiến dư luận bức xúc.

Một số trường hợp trẻ ở cơ sở mầm non tư thục bị bạo hành như vụ giáo viên mầm non Sen Vàng dùng dép đánh vào đầu học sinh; bé một tuổi tử vong ở trường mầm non quận Long Biên vì sặc cháo... Không ít lãnh đạo phường chỉ biết đến những nhóm trẻ tư thục được mở tự phát trong địa bàn mình quản lý khi tình cờ đi qua khu trọ và nghe tiếng trẻ khóc. Theo dự kiến, đợt giám sát này được tiến hành vào tháng 4/2018.

Có thể nói, Hà Nội hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số, hằng năm trẻ mầm non đến trường tăng khoảng 25.000 - 30.000 trẻ. Trong đó, tại các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, số lượng trẻ của con nữ công nhân lao động được chăm sóc nuôi dưỡng hầu hết tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Một minh chứng là tại xã Kim Chung, Võng La (Đông Anh) - nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long đóng trên địa bàn, số trẻ con em công nhân trên địa bàn là hơn 3.000 trẻ; trong đó, số trẻ đến trường công lập là hơn 1.200 (gần 40%), ngoài công lập là gần 1.900, chiếm tới 60%.

Theo quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30/6/2015 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, số trẻ trong một nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không quá 50 trẻ.

Tuy nhiên thực tế nhiều nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục vượt trên 50 trẻ, có trường hợp trên 100 trẻ do khó khăn về điều kiện đất đai, cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức để thành lập trường.

Việc tồn tại các nhóm lớp này hiện nay là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con theo giờ giấc linh hoạt, gần khu dân cư của phụ huynh trong điều kiện trường công lập không đủ khả năng đáp ứng.

P.V