Lao động xuất khẩu: Có mới không nới cũ

08:00 | 07/03/2018

326 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2018 được dự báo là năm tươi sáng đối với lao động xuất khẩu, bởi năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam đưa hơn 100.000 người đi lao động tại các nước vốn là thị trường quen thuộc. Các chuyên gia đánh giá, những thị trường cũ này vẫn tiếp tục là cơ hội mới cho lao động xuất khẩu bên cạnh không ít thị trường mới mở ra.

Dồi dào thị trường cũ, mới

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2017, cả nước đưa được 134.751 lao động, trong đó 53.340 lao động nữ, chiếm 39,6% đi làm việc ở nước ngoài; vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016.

Điều đáng nói hơn, năm 2017 có 54.504 lao động, trong đó có 24.502 lao động nữ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là con số tăng vượt bậc so với những năm trước. Chưa kể đến tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại đây đã lên tới hơn 100.000 người và nước ta trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.

co moi khong noi cu
Lao động Việt Nam tại Nhật Bản

Đài Loan vẫn tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, với 66.926 lao động, trong đó có 23.530 lao động nữ. Đây là năm thứ hai liên tiếp số lượng lao động đưa đi Đài Loan đạt trên 60.000 người - chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm 2017. Thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan tăng đều trong các năm gần đây.

Một số thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam khác như: Hàn Quốc 5.178 lao động, Arập Xêút 3.626 lao động, Malaysia 1.551 lao động, Algeria 760 lao động, Rumania 683 lao động…

Trước những thống kê trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá, thị trường lao động đối với Việt Nam trong năm 2018 rất khả quan vì các thị trường cũ, nhu cầu tuyển dụng đối với lao động Việt Nam tăng cao, bên cạnh đó, không ít thị trường mới lại đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, chẳng hạn như Đức, Israel, Kuwait… “Điển hình như thị trường Nhật Bản, dự kiến sẽ là thị trường hấp dẫn nhất, do năm 2018 sẽ thực hiện một số chính sách mới như: Cho phép lao động được ở lại làm việc 5 năm, cho phép một số ngành nghề đi làm việc lại lần 2, tăng mức lương cơ bản thêm 25-30 yen/giờ làm. Đáng nói hơn, nếu các năm trước Nhật Bản dành cơ hội cho những lao động phổ thông thì năm 2018 sẽ có nhiều vị trí làm việc cho những lao động trí thức, tuyển dụng theo chương trình kỹ sư, kỹ thuật viên với nhiều ưu đãi đặc biệt. Đây chính là những điểm sẽ làm cho thị trường lao động Nhật Bản 2018 rất sôi động”, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nói.

Ông Nguyễn Gia Liêm còn cho biết thêm, đối với những thị trường truyền thống như Malaysia, cũng đã có hoạt động xúc tiến để phát triển hơn trong năm 2018, nhất là khi Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức hội thảo về các biện pháp duy trì và tăng cường đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Maylaysia. Hiện nay, có khoảng 30.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia, họ được đánh giá cao ở khả năng tiếp thu và chăm chỉ làm việc.

Bên cạnh Malaysia, do nhu cầu thị trường ở Hàn Quốc, Australia, Đức, Thái Lan, Arập Xêút… cần tuyển dụng một số ngành nghề mới như nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, điều dưỡng, hộ lý, lao động có tay nghề cao, kỹ thuật cao… mà lao động Việt Nam lại có thêm nhiều cơ hội hơn để lựa chọn và xuất khẩu lao động.

Phân tích những cơ sở dẫn đến lao động xuất khẩu Việt Nam tươi sáng hơn trong năm 2018, theo các chuyên gia của Bộ LĐ-TB&XH, chính là phần nào do sự bài bản, chuyên nghiệp trong công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, cũng như tác phong, kỷ luật lao động, ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài cho lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Bảo đảm chất lượng lao động

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa xuất khẩu lao động không phải là lĩnh vực không có vấn đề, đã có 240 đơn khiếu nại, tố cáo được gửi đến Cục Quản lý lao động ngoài nước trong năm vừa qua và Cục với vai trò đơn vị quản lý đã phối hợp với các cơ quan hữu trách giải quyết theo đúng thẩm quyền. Cũng trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành 44 cuộc thanh, kiểm tra tại các doanh nghiệp về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã phát hiện nhiều sai phạm, phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nhiều doanh nghiệp.

Mục tiêu từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam đưa được 100-120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa lao động đi, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp không duy trì việc đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu từ nay đến năm 2020, mỗi năm đưa được 100-120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn nữa để chỉ những doanh nghiệp thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng: Quy định cấp giấy phép có thời hạn 3-5 năm, hết thời hạn đó mà doanh nghiệp không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép; cho phép tạo nguồn lao động để chuẩn bị cung ứng cho hợp đồng bởi những quy định về tuyển chọn lao động như hiện nay có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ hợp đồng do không có nguồn lao động sẵn có để đối tác tuyển.

Phan Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc