Lao động phi chính thức quá thiệt thòi

10:19 | 11/01/2018

549 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù có thể chiếm tới 70% lực lượng lao động hiện nay và ước tính đóng góp vào GDP của quốc gia không nhỏ, nhưng lao động phi chính thức đang chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là tiền lương và các chế độ bảo hiểm. 

Thu nhập thấp

Tại Hội thảo “Việc làm phi chính thức ở Việt Nam” được Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức mới đây, một thống kê cho thấy, Việt Nam có khoảng 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức (chiếm 57,2 % tổng số lao động), 1/3 lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức là lao động phi chính thức. Khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở các khu vực nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống, hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, tổ hợp tác. Mặc dù chiếm số lượng lớn như vậy nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lao động phi chính thức khá thấp, chỉ chiếm 14,8% (tỷ lệ này cả nước là 20,6%).

lao dong phi chinh thuc qua thiet thoi
Lao động phi chính thức chờ việc ở chân cầu Chương Dương

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc làm phi chính thức có vai trò rất quan trọng đối với mỗi quốc gia khi theo số liệu thống kê của ILO, trên toàn thế giới việc làm phi chính thức chiếm đến 60% quy mô việc làm và ước tính hiệu quả việc làm trong khu vực này đóng góp tới khoảng 30% GDP của quốc gia. 18 triệu lao động phi chính thức ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê tổng hợp, theo Thứ trưởng còn chưa bao gồm số lao động trong khu vực nông nghiệp. Nếu tính cả con số 22 triệu lao động nông nghiệp thì tổng lao động phi chính thức ở Việt Nam có thể lên tới 40 triệu người, chiếm trên 70% tổng lực lượng lao động hiện nay - là một nguồn lực lao động rất lớn, rất sung sức.

Thế nhưng, những đặc điểm dễ nhận thấy ở khu vực lao động này là việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng chỉ thỏa thuận miệng, thời gian làm việc lại dài, thu nhập thấp. Tiền lương bình quân của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị trí việc làm. Do đó, trước những đặc điểm này, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, cần có hệ thống chính sách hỗ trợ, tác động riêng cho từng nhóm đối tượng để chính thức hóa việc làm, có giải pháp, chính sách trước mắt và lâu dài, trong đó có cả các giải pháp về kinh tế cho lực lượng lao động phi chính thức.

Cần được hỗ trợ

Bà Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cho biết, qua nghiên cứu khảo sát lao động phi chính thức tại Hà Nội và Nghệ An cho thấy, việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện của lao động khu vực phi chính thức còn rất hạn chế. Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị: Cần tăng cường nhận thức và hiểu biết của lao động phi chính thức về pháp luật lao động và các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, BHXH; nâng cao chất lượng lao động phi chính thức, đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động; đảm bảo tính tuân thủ của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trong ký kết hợp đồng lao động và đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Đồng thời khuyến khích và hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Cục Việc làm cho biết, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới để đạt mục tiêu: “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người” trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó là tuyên bố Viêng Chăn tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24 về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN. Để đạt mục tiêu này, một trong những việc mà Cục Việc làm cho rằng phải làm là nâng cao chất lượng lao động của khu vực việc làm phi chính thức và bảo đảm quyền lợi cho lực lượng lao động phi chính thức.

Ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, trước hết cần phải thống nhất và chính thức thừa nhận khái niệm kinh tế chính thức, phi chính thức, việc làm chính thức, phi chính thức. Sau đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý lao động; thu thập, cập nhật, phổ biến thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác, kịp thời; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn. Song song với đó là nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước về lao động việc làm. Đặc biệt, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm, chính sách việc làm công; chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề… Ông Huy cũng nhận định phải giúp lực lượng lao động phi chính thức tiếp cận được vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, giúp họ không những chỉ nhận được trợ cấp mà còn giúp họ ổn định cuộc sống khi mất việc, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm miễn phí và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp: “Việc nhận diện việc làm phi chính thức và thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang chính thức chính là các ưu tiên và cũng là các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ở cấp khu vực và toàn cầu”.

P.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc