Lao đao vì nợ nần sau lễ đâm trâu

11:00 | 02/12/2015

1,192 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tục đâm trâu góp phần làm nên bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số. Dù là lễ hội cộng đồng thế nhưng một số hộ gia đình tự đứng ra lo liệu từ đầu đến cuối. Chi phí cao, họ phải vay mượn dẫn đến nhiều gia đình phải ôm nợ dai dẳng.

Lễ đâm trâu là một nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nó thể hiện tinh thần dân tộc và đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng. Từ người Stiêng, Bahnar, Cờ tu, Êđê, Xê đăng, Ca Dong… đâu cũng có lễ đâm trâu, dù nghi thức lễ mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng cùng chung mục đích. Lễ đâm trâu thường để tạ ơn thần linh phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa hay mùa màng tươi tốt…

Đi dọc dưới chân núi các xã thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, thi thoảng tiếng cồng chiêng lại vang lên, mặc dù đây không phải là mùa chính diễn ra tục này nhưng có những gia đình vẫn thường tổ chức đâm trâu để chữa bệnh, để mừng đám cưới… và mọi chi phí mỗi lần đâm trâu đều do gia chủ chịu. Trong những ngày diễn ra lễ, cả làng từ trẻ nhỏ đến người già được mời đến ăn uống say sưa, hát ca cả ngày đêm.

lao dao vi no nan sau tuc dam trau

Lễ hội đâm trâu của người Xê Đăng

Trong khoảng thời gian diễn lễ đâm trâu, những thanh niên trong làng thường đến nhà giúp gia chủ dựng nêu và không được về nhà để không làm mất đi tính linh thiêng của nghi lễ. Cho nên, gia chủ phải nuôi ăn những người này, có khi đến cả 10 ngày ròng rã. Trong khi đó, chủ nhà phải lặn lội đi khắp các xã lân cận để tìm mua trâu. Con trâu sẽ được hiến tế cho thần linh thường là trâu đực khỏe mạnh. Ngoài ra, người đứng ra tổ chức lễ phải mua thêm lợn, hàng chục ché rượu cần, hàng chục bao lúa... để đãi dân làng trong những ngày lễ chính thức.

Ông Hồ Văn L. (SN 1965, xã Trà Nam, huyện Trà My) vừa mới tổ chức đâm trâu để mừng lúa mới. Xung quanh ngôi nhà ẩm thấp những cây nêu, ché rượu vẫn còn nằm ngổn ngang. Ông L. cho biết, đợt đâm trâu này, ông mua con trâu 30 triệu đồng từ làng bên, 2 con lợn 3 triệu đồng, 10 bao lúa và 50 ché rượu cần… Tổng chi phí trong những ngày hội hết gần 50 triệu đồng, phần lớn số tiền này gia đình ông L. phải đi vay ngân hàng, vay người thân.

Đây là lần thứ ba nhà ông L. tổ chức đâm trâu, lần cuối cùng cách đây 5 năm. Để tổ chức lễ này, ông cần rất nhiều tiền, nhưng ông L. nói rằng, ông muốn được làng trọng dụng, đặc biệt là để khẳng định gia đình giàu có, còn tiền không có thì ông vay mượn. Và cứ thế, một lần đâm trâu, sau nhiều năm tích góp mới trả hết nợ. Trả xong, lại đâm tiếp, mặc dù bao nhiêu năm gia đình ông nằm trong hộ nghèo của xã.

“Theo tục lệ của người Xê Đăng, đâm trâu nhiều thì thần linh mới phù hộ cho. Gia đình sẽ không có người ốm đau và cầu mong mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Ở đây, gia đình nào cũng làm vậy”, ông L. chia sẻ.

Ba năm trước, người nhà chị Nguyễn Thị Kim N. (SN 1982, trú xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) thường xuyên đau ốm. Chị cùng chồng là Hồ Văn Đ. (SN 1981) bàn nhau tổ chức lễ đâm trâu để xua đuổi tà ma, cầu an cho gia đình thoát cảnh bệnh tật. Tuy nhiên, suốt 3 năm qua gia đình chị N. phải gồng mình trả mà vẫn chưa dứt cảnh nợ nần. “Tính đi tính lại, lễ đâm trâu tốn gần 70 triệu đồng. Giờ nợ ngân hàng 15 triệu mà 3 năm rồi chỉ trả được lãi thôi”, chị N. cho biết.

Theo tập tục của người Xê Đăng, nhà nào tổ chức đâm trâu trên 3 lần là những gia đình thuộc hàng giàu có, quyền uy và thuộc diện có “máu mặt” trong cộng đồng. Có gia đình dù không khá giả gì nhưng để nâng cao uy tín của mình trong làng nên vẫn chạy vạy, vay mượn tiền để tổ chức lễ. Nếu hộ dân nào trong làng tổ chức được 5 lần thì sẽ được “phong” thành già làng.

Theo tính toán để tổ chức lễ đâm trâu thường tốn một khoản chi phí rất lớn, mỗi con trâu có giá trung bình khoảng 20 triệu đồng. Nhiều gia đình phải “chạy tiền” hoặc đem cồng, chiêng, ché để đổi trâu về. Có gia đình phải vay ngân hàng để tổ chức lễ hội, nợ gốc không trả nổi rồi lâm nợ nần. Không có con số thống kê chính xác bao nhiêu con trâu bị giết mỗi năm để phục vụ lễ đâm trâu cho dân làng. Chỉ biết con số này lớn đến mức sau lễ là trâu nông nghiệp bị giảm báo động, người dân thiếu sức kéo để làm ruộng.

Được biết, tục đâm trâu vốn có xuất phát từ tục “cúng máu sống” của các tộc người sống ở dãy Trường Sơn từ Quảng Trị cho đến bắc Tây Nguyên. Xưa kia, dân làng thường có tục “săn đầu người” để hiến tế, cầu mong mùa màng bội thu. Lâu dần, tập tục này bị bãi bỏ do quá man rợ, thay vào đó họ chon trâu để đâm, hiến tế thay người.

Dù đã nhiều lần vận động, tuyên truyền người dân, cộng đồng chung tay tổ chức lễ hội nhằm giảm gánh nặng tài chính cho từng hộ gia đình, thế nhưng vẫn rất không có hiệu quả bởi những tập tục đâm trâu của đồng bào dân tộc là một lễ hội, mang tính tâm linh cổ truyền có từ lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. 

Sơn Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc