Lạnh lùng có nghĩa gốc là cực lạnh

08:00 | 30/04/2016

|
Bạn đọc: Trong bài “Grù không phải là tiếng Việt” (Năng lượng Mới số 516), ông có viết rằng “ở trường hợp kết cấu song tiết đang có quan hệ với một từ đơn âm, kiểu như lạnh lùng có quan hệ với lạnh, thật khó nói rằng âm tiết còn lại là một âm tiết hoàn toàn vô nghĩa” và “làm sao có thể tưởng tượng được, trong hoàn cảnh ngôn ngữ đơn lập, người ta lại có thể đem những vỏ ngữ âm hiếm hoi của ngôn ngữ dùng hoang phí vào những việc hoàn toàn không có lý do, không có mục đích như thế!”. Sẵn đây xin ông vui lòng cho hỏi: Vậy “lùng” trong “lạnh lùng” có nghĩa là gì? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Hữu Ái (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Học giả An Chi: Xin nói lại cho rõ rằng, đó không phải là lời của An Chi. Đó là ý kiến mà chúng tôi cho là mang tính chất tiên phong của bà N.V. Xtankêvich trong Loại hình các ngôn ngữ (NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982, tr.164-65). Chúng tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng, Việt ngữ học trong tương lai sẽ chứng minh và xác nhận tính đúng đắn của quan điểm mà Xtankêvich chính thức đưa ra cách đây đã trên 30 năm. Nhưng dĩ nhiên là công việc thì không hề đơn giản và dễ dàng vì từ nguyên học về các “tiếng đệm” và các “yếu tố láy” của tiếng Việt hiển nhiên không phải là thứ công việc có thể đem lại kết quả trong ngày một ngày hai.

Riêng về chữ “lùng” trong “lạ lùng” mà bạn hỏi thì chúng tôi xin trả lời như sau. Nhưng trước khi nói đến nó, xin nói về chữ “lung” trong phương ngữ Nam Bộ, mà Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên giảng là “nhiều, dồi dào, quá sức” còn Từ điển từ ngữ Nam Bộ của TS Huỳnh Công Tín thì giảng là “nhiều, dồi dào, quá mức ước định”. Với nghĩa này, “lung” là một điệp thức của “long”, chữ Hán là [隆], có nghĩa là “dồi dào, phong phú, phì nhiêu; mãnh liệt, dữ dội [chỉ mức độ cao của tính chất], như có thể thấy trong “hưng long”, “long trọng”, “long thịnh”, v.v... Từ “lung” cũng có nghĩa và công dụng tương tự (với “long” [隆]) nên ta mới thấy Huình-Tịnh Paulus Của giảng nó là “tiếng trợ từ, chỉ nghĩa là nhiều, là mạnh mẽ” trong Đại Nam quấc âm tự vị, với những mục phụ (có tính chất thí dụ) như: giàu lung là giàu lớn; khá lung là khá lắm; sáng lung là sáng dạ lắm; sợ lung là sợ lắm; giận lung là giận lắm; v.v…

Trong những thí dụ trên đây thì “lung” đồng nghĩa với: - “dữ” (trong “lạnh dữ”, “mặn dữ”, “nặng dữ”, “nóng dữ”, v.v…), - với “ghê” (trong “lạnh ghê”, “mặn ghê”, “nặng ghê”, “nóng ghê”, v.v…), - với “gớm” (trong “lạnh gớm”, “mặn gớm”, “nặng gớm”, “nóng gớm”, v.v...), - với “dễ sợ” (trong “lạnh dễ sợ”, “mặn dễ sợ”, “nặng dễ sợ”, “nóng dễ sợ”, v.v...); - với “cực” trong “cực lạnh”, “cực mặn”, “cực nặng”, “cực nóng”, v.v... Vậy, về mặt từ nguyên thì ở đây, ta có “lung” ↔ “long” [隆]. “Long” [隆]  là một chữ thuộc vận bộ “đông” [東], là một vận bộ mà nhiều chữ đã được đọc theo vần UNG, như “cung” [弓], [宮], [恭], “hùng” [雄], [熊], “nhung” [戎], [茸], [狨], “sùng” [崇], “trung” [中], “trùng” [蟲], v.v... Đồng thời, vận bộ này cũng còn có những chữ đã đọc theo vần ONG, như hai chữ “long” [隆], [龍] quen thuộc, rồi những chữ “phong” [封] [峰],[豐], [風], v.v... Dĩ nhiên là nhiều chữ vẫn đọc theo vần ÔNG, như “công” [工], [公],  “đồng” [同], [童], “không” [空], “mông” [蒙], v.v...

Ở đây, ba nguyên âm hàng sau tròn môi U [u], Ô [o], O [ɔ] đã “trà trộn” vào nhau khiến cho vận ÔNG gốc đã biến thành UNG hoặc ONG trong nhiều trường hợp. Chữ “lung” [瓏] trong “lung linh” [瓏玲], vốn thuộc vận bộ “đông” [東] còn có một điệp thức là “long” trong “long lanh”. Hai tiếng này trong câu “Long lanh đáy nước in trời” của “Truyện Kiều” chẳng qua là điệp thức của hai chữ “lung linh” [瓏玲], có nghĩa là ánh sáng chập chờn, nhấp nháy. Vậy ta không nên lấy làm lạ khi thấy  chữ “long” [隆] cũng đọc thành “lung”, như đã biết với những thí dụ trong từ điển của Huình-Tịnh Paulus Của. Điều có thể khiến ta lấy làm lạ là chính “lung” còn có một điệp thức tiền bối là “lùng” trong “lạ lùng” và “lạnh lùng”.

Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng, trong lĩnh vực Hán Việt, với những chữ có phụ âm đầu là D, L, M, N, NG(H), NH và V, nếu chúng có điệp thức, thì điệp thức mang thanh điệu 2 (với dấu huyền) xưa hơn điệp thức mang thanh điệu 1 (không dấu), thí dụ (Xin miễn ghi chữ Hán cho đỡ rườm): - “là” trong “lụa là” xưa hơn “la” trong “ỷ la”; - “làn” trong “làn sóng” xưa hơn “lan” là sóng lớn; - “Lào” trong “Miên Lào” xưa hơn “Lao” trong “Ai Lao”; - “lầm lỳ” xưa hơn “lâm ly” mà nghĩa gốc là buồn rầu đến lặng người; - “lầu” trong “nhà lầu” xưa hơn “lâu” trong “cao lâu” (Cách đây khoảng nửa thế kỷ, trong Nam người ta vẫn nói “cao lầu”); - “liềm” trong “búa liềm” xưa hơn “liêm” trong “cu/câu liêm”; - “liền” trong “nối liền” xưa hơn “liên” trong “liên hợp”; v.v...

Cứ như trên thì ta có thể khẳng định rằng “lùng” xưa hơn “lung” nhưng tất nhiên cùng chỉ mức độ cao như “lung”: “lạ lùng” là lạ dữ, lạ ghê, v.v..., “lạnh lùng” là lạnh dữ, lạnh ghê, v.v... Chẳng qua là hiện nay, trong “lạ lùng” và “lạnh lùng” thì “lùng” đã trở thành một từ cổ nên bị xem là một hình vị phụ thuộc vào “lạ”, vào “lạnh” để tồn tại trong từ vựng của tiếng Việt mà thôi. Rồi vì nó đã mất nghĩa nên người ta không còn nhận thức được rằng đó vốn là một vị từ tĩnh (tính từ) đi sau một vị từ tĩnh khác để chỉ cực cấp tuyệt đối (absolute superlative) của vị từ tĩnh này. Vì vậy cho nên hiện nay “lạnh lùng” mới được hiểu là “lạnh, làm tác động mạnh đến tâm hồn, tình cảm (nghĩa 1) và “không hề biểu hiện một chút tình cảm trong quan hệ tiếp xúc với người, với việc (nghĩa 2), như đã giảng trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên. Nhưng về từ nguyên thì “lùng” đồng nghĩa với “dữ”, “ghê”, “gớm”, “dễ sợ”, “cực”, như đã nêu trong những thí dụ bên trên.

Vậy, cứ như trên thì “lạnh lùng” vốn có nghĩa là lạnh dữ, lạnh ghê, lạnh gớm, lạnh dễ sợ, cực lạnh. Dĩ nhiên là người khác có thể bài bác kết luận này. Nhưng nếu muốn như thế thì người đó phải chứng minh rằng “lùng” trong “lạ lùng” vốn có nghĩa là gì, rồi “lùng” trong “lạnh lùng” vốn có nghĩa là gì nữa. Và dĩ nhiên là phải chứng minh một cách có phương pháp chứ không thể làm theo kiểu “xe thổ mộ” là “xe độc mã” hoặc theo kiểu đi cháp ngầu pín để hỏi xem món này chữ Tàu viết ra sao. Còn ở đây, chúng tôi chứng minh rằng “lùng” vốn là một từ chỉ cực cấp tuyệt đối của tính chất do vị từ tĩnh (tính từ) biểu hiện. Chỉ có với nghĩa đó, nó mới có thể vừa cặp kè với “lạ”, vừa cặp kè với “lạnh” mà thôi.

Năng lượng Mới 518+519