Lãng tử Hà thành & Nơi tôi đứng

07:00 | 23/02/2018

421 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một nghệ sĩ Saxophone mang danh “lãng tử Hà thành” từng lang thang khắp các miền sơn cước, từng theo tiếng biển gọi để có được những trải nghiệm, thỏa mãn nỗi khát khao, niềm đam mê sáng tạo... Đó là nghệ sĩ, giảng viên Saxophone Phan Anh Dũng.

Một ngày cuối thu 2017, tôi tình cờ gặp Phan Anh Dũng (bạn bè hay gọi là Dũng “xắc”) ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, sau chuyến phiêu lưu vào đất phương Nam. Một góc bãi biển vắng, một nhà báo, một nghệ sĩ Saxophone, một... chai rượu Hà Nội, chuyện nghề, chuyện đời, chuyên vui buồn, chuyện được mất... cứ thoang thoảng theo gió biển. Đôi lúc lặng im, nhìn Dũng nhìn xa xăm ra mênh mông biển, trông cô đơn quá, tôi bất giác nhớ câu thơ của cố nhà thơ Trịnh Thanh Sơn: “Một cộng với một bằng đôi/Anh cộng cô đơn thành biển/Nắng tắt mà người không đến/Anh ngồi rót biển vào chai”.

lang tu ha thanh noi toi dung

Tôi gợi hỏi: “Trông Dũng có vẻ mệt mỏi?”. Dũng nói: “Tôi vừa có chuyến đi khá dài đến các bãi biển phía Nam, cũng để có thêm nhiều trải nghiệm mới, dài mà vui, mệt nhưng thích”. “Cũng hay. Tiếng biển phương Nam gọi có khác tiếng gọi của miền sơn cước phía Bắc không?” - tôi hỏi nhỏ. Dũng trầm ngâm: “Lãng từ Hà thành đi tìm chiếc áo bà ba Nam Bộ, đi mãi không muốn về. Chắc tôi còn đi với biển nhiều lần nữa. Tiếng biển gọi lạ lắm... không cưỡng lại được!”...

Thầm nghĩ, là cử nhân đầu tiên của Việt Nam chuyên ngành Saxophone (khóa 1995-1998), giảng viên bộ môn Saxophone tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, nhưng Phan Anh Dũng luôn bị “ma lực” sân khấu quyến rũ, “bộ ba Dũng-Sax-Jazz” thăng hoa với nhiều liveshow ở Nhà hát Lớn Hà Nội (trong đó có 2 đêm diễn được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Chưa hết, những CD, VCD album với những sắc màu khác lạ của Dũng “xắc” đã mang nhạc Jazz từ sân khấu đến tận giường ngủ của khán thính giả yêu nhạc.

Album “Suối mơ” (2003) được coi như “cuộc khảo cổ miền ký ức”. Những tình khúc tiền chiến chơi theo phong cách Blue&Jazz, giai điệu nhẹ nhàng, đằm sâu, người yêu nhạc tiền chiến nghe sẽ thấy rất quen nhưng mới lạ, như thấy người tình mặc áo mới, như gặp vợ yêu xa cách lâu ngày tái hợp thành đêm tân hôn...

lang tu ha thanh noi toi dung

“Cánh diều” (2005) là album tuyển chọn những nhạc phẩm đặc sắc về Hà Nội, một món quà “thời trang” đa sắc, khi sang trọng, hào hoa, lúc lắng đọng, đầy suy tư... trong đó có bài “Cõi tạm” do Dũng sáng tác, có tiếng thổn thức của trái tim đau đớn, có lời thì thầm tâm sự, hổn hển xưng tội, có tiếng khóc, có tiếng cười, có những “dấu lặng” da diết, có những khúc hoan ca bừng lên hạnh phúc... trong “cõi tạm” của cuộc đời.

Rồi những album “Riêng một góc trời” (2007), “Làm quen”, “Tình yêu Hà Nội” (2009). Hay Dũng còn “làm mối” cho tiếng kèn Saxophone “kết duyên” với âm thanh huyền ảo guitar Hawaii của nghệ sĩ Đoàn Đính - con trai cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - trong album “Gửi người em gái miền Nam” (2009). Đây là một cuộc “khảo cổ” thành công khi mà tiếng đàn guitar Hawaii gần như bị người đời quên lãng...

Phải chăng tất cả chỉ gói gọn trong mấy chữ: Sự khát khao được trải nghiệm? Không phải tự nhiên Dũng “xắc” từng nói với bạn bè rằng: Dũng là kẻ chơi hết mình những ý tưởng mới lạ, dù ý tưởng đó chỉ lóe sáng trong phút giây thăng hoa giữa cuộc đời, trên sân khấu hay... trong mơ. Đã thích thì phải làm bằng được!...

Miên man nghĩ ngợi xa gần, chiều xuống tự lúc nào. Tôi thủng thẳng:

- Thiên hạ thường bảo Dũng chơi Saxophone theo một phong cách Jazz khá lạ, không bốc lửa, mà chỉ là những ngẫu hứng nhẹ nhàng gợi cảm, như nụ hôn trong tưởng tượng của kẻ cô đơn, như sự thăng hoa vụt đến rồi vụt tắt, như nỗi nhớ mong manh run rẩy... Lang thang khắp các vùng sơn cước, bây giờ xuống biển, tiếng kèn Saxophone chắc vẫn thế?

- Từ lâu tôi đã chơi khá nhiều bài về biển, như “Thuyền và biển” (Phan Huỳnh Điểu), “Biển nhớ” (Trịnh Công Sơn), “Biển nỗi nhớ và em”, “Biển hát chiều nay” (Hồng Đăng)... Hoặc bài “Khát vọng biển xanh” trong DVD album “Làm quen” của nghệ sĩ Lê Quân - Dũng trả lời - Những năm trước, tôi thường xuyên được mời biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật vào các dịp 30-4, 1-5 tại các bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng... Một lần, cảm xúc trào dâng, tôi đã sáng tác bản nhạc “Nơi tôi đứng”, diễn tả tình yêu thiên nhiên và cảm xúc của nghệ sĩ trước biển trời Tổ quốc. Năm 2008, tôi có dịp được biển diễn tại dàn khoan dầu khí ở Vũng Tàu, một chuyến đi đáng nhớ...

- Dũng ra Trường Sa lần nào chưa? - Tôi ngắt lời.

- Tiếc lắm, Trường Sa vẫn... rất xa với tôi!

- Không sao, bây giờ chưa ra thì sẽ có dịp chơi bài “Nơi tôi đứng” ở Trường Sa. Mà nghe nói Dũng có nhiều học trò Saxophone, chắc sẽ có người thay thầy giáo mang tiếng kèn Saxophone ra đảo?

- Vâng, dạy Saxophone là câu chuyện khá dài. Thực ra, với mong muốn truyền cảm hứng, thỏa mãn đam mê chơi Saxophone cho mọi người, nhiều năm trước, thấy thiếu tài liệu giảng dạy kèn Saxophone cho người Việt, tôi đã bắt tay vào biên soạn và biên tập 6 cuốn sách dạy Saxophone từ năm 2004, trong đó có 2 cuốn được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đến nay, số học sinh do tôi trực tiếp dạy Saxophone tới gần 500 người trên 40 tỉnh, thành phố của đất nước, trong đó có cả người theo Cơ đốc giáo, Hồi giáo... Chắc chắn có người sẽ mang tiếng kèn Saxophone đến với biển đảo, theo tiếng gọi của biển đảo!...

Tôi nghĩ, không riêng Dũng, mà với tất cả các nghệ sĩ Việt Nam, biển đảo luôn vô cùng thiêng liêng trong tim óc và ai cũng khát khao theo tiếng biển gọi!...

Và tôi tin rằng, lửa đam mê âm nhạc trong trái tim nghệ sĩ Saxophone Phan Anh Dũng luôn cháy sáng một tình yêu với đất nước, với biển đảo và không bao giờ nhạt phai.

Trần Phương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.