Làng sản xuất "hàng hiệu" Gucci, Hermes, Chanel...

18:00 | 03/04/2015

16,003 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù không phải là làng nghề truyền thống của xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nhưng hiện nay Thao Nội lại trở thành lò chuyên sản xuất hàng nhái “nổi tiếng” hơn cả các làng nghề trên cùng địa bàn. Sở dĩ có sự cắc cớ này cũng bởi người làng Thao Nội đã bắt kịp xu hướng thị trường, để cho ra đời những sản phẩm đẹp mã với giá cả rất phải chăng.

Năng lượng Mới số 410

Kỹ năng… “nhái”

Có đến “thiên đường” túi xách này mới thấy, hàng trăm loại mẫu mã túi đang được bày bán trên thị trường có lẽ đều từ Thao Nội mà ra. Không khó để tìm những cơ sở sản xuất túi gia công ở Thao Nội. Theo quan sát của phóng viên thì trục đường chính của làng Thao Nội có hàng chục tấm biển quảng cáo với cùng nội dung: “Cơ sở sản xuất, chuyên bán buôn - bán lẻ túi xách thời trang”. Đương nhiên, việc buôn bán túi xách cũng được diễn ra rất rôm rả.

Trong vai người có nhu cầu đặt hàng với số lượng lớn, chúng tôi vào một cơ sở sản xuất túi xách và bị choáng ngợp bởi loạt túi sách với rất nhiều mẫu mã. Một người phụ nữ đon đả chạy ra chào hàng: “Các cô vào xem túi xách, chỗ chị có nhiều mẫu mã đẹp, đặt mẫu nào cũng OK hết”. Đúng lời bà chủ, trước mắt chúng tôi là hàng loạt túi xách đa dạng về mẫu mã và chủng loại.

Hàng hiệu “Made in Thao Nội” bắt chước các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới

Cầm trên tay túi xách nhái có logo Chanel, bà chủ cửa hàng nói: “Các cô cứ đưa mẫu đây, mẫu nào bên chị cũng làm được hết. Mà các cô xem, mẫu nào mới ra là ở đây đã có hết nên khách chỉ việc đến nhặt. Với giá bèo thế này, đảm bảo buôn không sợ lỗ”.

Theo tiết lộ thì giá một chiếc túi nếu như mua tại các đại lý ở thủ đô có giá 250.000-300.000 đồng/chiếc thì giá nhập ở Thao Nội lại rất hời chỉ 40.000-100.000 đồng/chiếc.

Như vậy mỗi sản phẩm nhập từ Thao Nội khi được đưa đến các điểm phân phối thì giá được đội lên 2-3 lần. Thậm chí, với chiêu bán hàng online thì “túi xách” hàng hiệu ở Thao Nội còn được đội lên 4-5 lần. Đơn cử một chiếc túi Michael Kors giá nhập là 60.000 đồng/chiếc, các cửa hàng sẽ bán 150.000-200.000 đồng, khi bán qua mạng chiếc túi này được rao với giá 300.000 đồng/chiếc.

Khi hỏi, nguyên liệu làm túi được lấy ở đâu thì chủ đại lý vô tư trả lời đều nhập của Trung Quốc. Những nguyên liệu này được nhập với giá rẻ nên khi thành phẩm mỗi túi xách ở Thao Nội cũng ở xuất phát điểm quá rẻ so với thị trường.

Thực tế thì “tiền nào của nấy” nên tùy theo từng đơn đặt hàng mà chất lượng được nâng lên. Tuy nhiên, hàng “bình dân Thao Nội” hay hàng “cao cấp Thao Nội” thì từ đường kim, mũi chỉ cho đến mẫu mã, nhãn mác của túi xách đa phần được các thợ may hoàn thiện theo khuôn mẫu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Marc Jacobs, Chanel, Hermes, Louis Vuitton…

Theo quan sát thì những mẫu mới nhất cũng đã được “cập nhật” tại Thao Nội. Trầm trồ trước sự nhanh nhạy của cơ sở này thì bà chủ phân trần: “Không nhanh thì làm sao mà lấy khách được. Các em xem, nhìn những túi này không khác hàng hiệu là bao. Tất nhiên chất lượng không cao nhưng cơ bản là phù hợp với túi tiền của đại đa số khách hàng”.

Lối đi nào cho một làng nghề?

Cũng bởi nắm bắt được thị hiếu khách hàng nên những năm gần đây số cơ sở sản xuất túi ở Thao Nội được mở rộng hơn cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ riêng ở Thao Nội mà địa bàn lân cận cũng ăn nên làm ra nhờ… “ăn theo” làm nghề. Và nghiễm nhiên, nghề làm túi xách đang trở thành nguồn thu nhập chính cũng như giải quyết khâu việc làm cho hàng trăm lao động trong làng.

Túi xách được sản xuất ở làng Thao Nội

Ban đầu những cơ sở đầu tiên sản xuất túi da như: Ngọc Linh, Hoa Phương, Chín Na... cũng khá chật vật để làm nghề. Phần do tay nghề chưa cao, phần do chưa nắm bắt kịp xu thế người tiêu dùng nên không có nguồn khách ổn định. Nhưng gần đây, nhờ có nhiều cải tiến và nhanh nhạy với thị trường nên “kinh đô túi hiệu made in Việt Nam” được nhiều người biết đến.

Hằng ngày, Thao Nội đón cả trăm “con buôn” đến xem hàng. Phần lớn khách hàng đều mua buôn để mang về bán lẻ trong nội thành Hà Nội, rải rác ở các chợ như: chợ Nhà Xanh, chợ Phùng Khoang, chợ đêm phố cổ, thậm chí là tuồn vào các cửa tiệm thời trang, rồi được tiếp thị tại các hội chợ thương mại.

Công bằng nhìn nhận thì thấy rằng, tay nghề của bà con ở đây không đến nỗi tồi. Với các sản phẩm đòi hỏi “nhái”… có kỹ nghệ thì người dân Thao Nội cũng đáp ứng được cả. Một vấn đề là nếu vốn đầu tư cao, nhân lực giỏi thì giá thành lại phải đội lên. Khi giá cả cao thì người dân lại khó bán. Điều này đem đến một bất cập không nhỏ và tưởng chừng như việc “ăn nên làm ra” của các hộ gia đình trong làng Thao Nội đang có hiện nay lại chỉ là… bề nổi.  Còn thực chất bên trong đang là “cái chết mòn” của một làng nghề.

Bởi thực tế, việc làm của làng Thao Nội đang vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ khi mẫu mã của các sản phẩm làm ra đa phần là “nhái” hàng hiệu. Thế nhưng khi phóng viên đưa câu hỏi về việc sản xuất hàng fake thì không mấy người dân ở đây quan tâm. Nhiều người dân khi được hỏi còn kỳ vọng Thao Nội sẽ còn phát triển hơn các làng nghề khác. Như vậy việc ý thức về bản quyền cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm của người dân là chưa có. Đáng buồn, đây lại là thực trạng chung của các làng nghề, thậm chí làng nghề truyền thống của chúng ta hiện nay.

Về điều này, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam băn khoăn: Ý thức về việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu là tình trạng chung của các làng nghề hiện nay rất kém. Ngay như những làng nghề có tiếng như Bát Tràng mà vẫn có tình trạng người dân mua gốm Trung Quốc về rồi đóng mác gốm Bát Tràng, sau đó đem bán cho khách. Thử hỏi còn gì đáng buồn hơn!

 Tại sao lại có tình trạng như vậy? Ông Dần cho rằng: Người dân quá nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ về lâu dài. Trong khi đó, con đường lâu dài là bảo tồn thương hiệu của mỗi làng nghề lại chưa được sát sao. Đặt vấn đề cái khó của Thao Nội, ông Dần cho rằng: Cái khó của chúng ta là không thiết kế ra được những mẫu mã mới nên đành phải… ăn theo. Nhưng một cái lãng phí là hiện nay chúng ta có thợ có tay nghề, nhưng thử hỏi các sản phẩm này đưa ra thị trường nào ai biết đấy là đâu. Như vậy là chúng ta đang không biết bảo vệ chính mình. Khi anh “bắt chước” người khác là tự anh đã hạ thấp tất cả các giá trị. Và các sản phẩm này mãi mãi không bao giờ ra được với bạn bè quốc tế.

 Trong khi đó, luật pháp chưa chặt nên chưa quản lý được hết tình trạng “nhái” mẫu mã và ý thức về thương hiệu sản phẩm lại chưa thành ý thức lớn. Giữa các hiệp hội sản xuất và các làng nghề cũng không có sự ràng buộc lẫn nhau mới dẫn đến “mạnh ai người nấy làm”. Vậy nên theo ông Dần thì việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của mỗi làng nghề là cần từ trong ý thức của mỗi người dân, tới cộng đồng.

Trước thực trạng cả làng làm hàng giả của Thao Nội, ông Dần cho rằng: “Vai trò của lãnh đạo, chính quyền địa phương và ý thức của người dân là rất quan trọng. Thay vì làm nhái các sản phẩm có thương hiệu thì làng nên tận dụng nhân công lao động, những người đã có tay nghề để xây dựng các sản phẩm riêng của Thao Nội. Có như vậy thì làng nghề mới đứng vững về lâu dài. Trong thời điểm hội nhập như hiện nay thì ý thức xây dựng thương hiệu của Dương Nội nói riêng và bảo vệ thương hiệu của các làng nghề truyền thống Việt Nam nói chung là rất quan trọng, nhất là khi cuối năm nay chúng ta ra nhập cộng đồng kinh tế ASEAN”.

Huyền Anh