Phim truyền hình về đề tài nông thôn

Làng quê đâu rồi?

08:00 | 31/01/2018

795 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi số lượng phim truyền hình Việt Nam ngày càng nhiều, thì chất lượng kịch bản và khả năng tiếp cận đối với khán giả đang bị đánh giá kém hơn rất nhiều, thậm chí có không ít những bộ phim xa lạ với đời sống nông thôn.

Phim “thành thị” chiếm giờ vàng

Đã từng có thời gian những bộ phim phản ánh vấn đề của nông thôn thời hiện đại thường xuyên được chiếu trong khung “giờ vàng”, thu hút được lượng khán giả đông đảo và “gây bão” truyền hình cả nước. Có thể nhắc tới những bộ phim ấn tượng như “Mẹ chồng tôi”, “Chuyện nhà Mộc”, “Đất phương Nam”, “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”... Thế nhưng, từ thành công của bộ phim “Bánh đúc có xương”, những bộ phim “thành thị” với đề tài ngoại tình công sở, tình yêu tuổi teen đã lên ngôi.

lang que dau roi
Một cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai” (đạo diễn Lưu Trọng Ninh)

Nội dung của những bộ phim “thành thị” thường xoay quanh các vấn đề yêu đương, ngoại tình, mối quan hệ đại gia - chân dài, đánh ghen cùng những cảnh nhà giàu, xe hơi, những căn biệt thự xa hoa... Trong khi đó, chiếm đến 70% dân số cả nước, hiếm có điều kiện đến rạp mua vé xem phim, vì thế, đối với đa số người dân nông thôn, phim truyền hình là một trong những phương thức giải trí hiếm hoi. Và đối với một bộ phận không nhỏ nông dân, những cảnh ăn chơi, nhà hàng, biệt thự… gần như là điều xa vời và lạ lẫm.

Nhiều nhà văn hóa nhận định, phim truyền hình để tiếp cận hiện thực khách quan của cuộc sống. Thế nhưng hiện nay, đa phần phim truyền hình chỉ phản ánh một phần hiện thực mà bỏ quên nhiều mảng khác, dẫn tới tình trạng xa rời với nông dân. Năm 2017, dù “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” đã “gây bão” trên sóng truyền hình với lượng người xem cao kỷ lục, nhưng không thể phủ nhận, nhiều chi tiết, hình ảnh trong phim được cường điệu hóa sự thật, mâu thuẫn bị đẩy lên cao trào đến mức vô lý, khiến bộ phim phần nào mất đi sự hấp dẫn.

Cũng trong năm này, “Thương nhớ ở ai” là một trong số phim truyền hình hiếm hoi về đề tài nông thôn lên sóng VTV, thu hút được sự quan tâm của khán giả. Nhưng bộ phim lại dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, kể về những người đàn bà ở vùng quê Bắc Bộ thời chiến.

Phim phục vụ ai?

Sau hàng loạt thành công của “Người thổi tù và hàng tổng”, “Đất và người”, “Ma làng” hay “Chuyện làng Nhô”… có thể nhận thấy các đạo diễn, nhà sản xuất (nhất là phía Bắc) đang rơi vào tình trạng “bí đề tài”, chỉ loanh quanh với những đề tài cũ, nhắc nhớ về thời bao cấp hay trước đổi mới. Tuy đã có một vài phim bước đầu phản ánh câu chuyện về nông thôn đổi mới nhưng chưa tác phẩm nào thực sự “gây sốt”.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Số đạo diễn làm phim về nông thôn ngày càng ít đi. Các đài cũng không đặt ra tỉ lệ làm phim đề tài này nên khó có thể tăng lượng phim. Tôi hơi lo, tương lai sẽ không có đội ngũ làm phim về đề tài nông thôn nữa.

Nhận định về hiện tượng này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng, làm phim về nông thôn hiện nay vô cùng khó. Những làng quê của Đồng bằng Bắc Bộ cũ luôn là những ký ức vô cùng đẹp, nhưng làng quê bây giờ đã phố hóa, bê tông hóa quá nhiều. Chính vì thế, đối với những phim về đề tài nông thôn, tìm kiếm bối cảnh cho phim là công đoạn vô cùng vất vả. Khi làm phim “Thương nhớ ở ai”, đoàn làm phim đã phải tới 18 ngôi làng, thực hiện 2.000 cảnh quay mới tạm hài lòng.

Đạo diễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) nhận định: “Với đề tài này, chỉ có kịch bản nào thực sự đặc biệt, có chất lượng nội dung xứng tầm mới được lựa chọn. Hiện số kịch bản về đề tài nông thôn hằng năm chiếm khoảng 1/3 số lượng kịch bản gửi về VFC, nhưng lựa chọn được rất ít”.

Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, VFC duy trì sản xuất mỗi năm 1 phim, thậm chí là 1 năm rưỡi mới có 1 phim truyền hình về nông thôn.

Còn đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì cho biết: “Kinh phí làm một bộ phim cần phải có sự bù đắp. Trong khi đó, phim nào có tỷ lệ người xem cao, hút nhiều quảng cáo thì các nhà đài sẽ ưu tiên phát sóng, nhất là vào các khung giờ vàng”.

Điều này vô tình khiến những bộ phim về đề tài nông thôn, phục vụ lượng người xem đông đảo phải “cạnh tranh” giờ phát sóng với phim đề tài thành thị. Nếu tình trạng thiếu kịch bản hay, cạnh tranh giờ vàng… vẫn tiếp diễn khốc liệt như hiện nay thì có lẽ trong tương lai, những bộ phim về đề tài nông thôn sẽ dần thui chột. Mà đối với người Việt, dù sống ở đô thị, thậm chí ở nước ngoài, thì ai cũng có một làng quê trong ký ức. Vì thế, nếu không có sự bắt tay của các đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch… thì làng quê sẽ biến mất dần trong những bộ phim truyền hình.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.