Làn sóng tẩy chay du lịch ở châu Âu

16:50 | 24/08/2017

1,794 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày càng có nhiều người dân bản địa châu Âu tẩy chay du khách vì cho rằng, những lợi ích kinh tế từ ngành công nghiệp không khói không bù đắp được những thiệt hại về văn hóa, xã hội và môi trường mà du khách gây ra, nhất là trong bối cảnh du lịch giá rẻ đang phát triển đại trà.

Ngày 11-6-2017, hơn 2.000 người đã tuần hành ở Barcelona, Tây Ban Nha, để phản đối tình trạng đầu cơ bất động sản cho phát triển du lịch ở trong trung tâm thành phố. Tham gia tuần hành có đại diện của nhiều tổ chức công đoàn, phong trào xã hội và các hiệp hội môi trường và nhà ở. Số còn lại đến từ các phố cổ ở trung tâm Barcelona như El Raval hay Barrio Gotico. Với khẩu hiệu “Barcelona không phải để bán”, người biểu tình tố cáo tình trạng gom bất động sản để kinh doanh du lịch, từ đó khiến giá nhà cho thuê tại đây cao vượt quá khả năng của người dân lao động địa phương.

Theo Idealista, trang web về bất động sản số 1 Tây Ban Nha, giá cho thuê nhà ở Barcelona trong 2 năm qua đã tăng từ 14,4 lên 19 euro/m2. Hậu quả là làn sóng du khách đã buộc nhiều cư dân của Barcelona phải rời bỏ trung tâm thành phố đi sang nơi khác thuê nhà và kiếm sống. Theo Tòa thị chính Barcelona, thành phố này mỗi tháng có khoảng 104 người dân bản địa rời nơi ở đến nơi khác. “Ở phố El Raval, các cửa hàng tiện lợi đang dần biến mất, thay vào đó là các quán bar, khách sạn, nhà nghỉ dành cho khách du lịch”, Juanjo Buenas, một cư dân Barcelona nói với AFP.

lan song tay chay du lich o chau au
Người Barcelona biểu tình phản đối du lịch

Không chỉ riêng ở Barcelona, nhiều địa phương khác ở Tây Ban Nha từ vùng Catalunya đến đảo Balears, người dân bản địa ngày càng ghét du lịch. Do không thể làm gì khác ngoài xuống đường biểu tình để phản đối sự xâm lấn của du khách nước ngoài, người dân ở những địa phương trên đã có một số hành động tiêu cực. Mới đây, vào cuối tháng 7-2017, 4 người bịt mặt thuộc hội Arran, một phong trào thanh niên cực tả, bỗng chặn một xe khách du lịch ở Barcelona. Họ rạch lốp xe rồi viết lên tấm kính trước “Du lịch giết các khu phố”. Thành viên của phong trào này phản đối một mô hình du lịch mang lại lợi nhuận cho ít người, nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đến điều kiện sống của phần đông dân cư. Ngành du lịch sử dụng đến 13% số người ở độ tuổi lao động tại Tây Ban Nha, thậm chí là 20% ở vùng Catalunya, nhưng người lao động lại bị trả lương thấp và phải làm thời vụ, gây cảm giác “một đất nước bồi bàn” như báo chí từng cảnh báo.

Trong một báo cáo của năm 2016, UNESCO xếp du lịch vào nhóm nguy cơ đe dọa đối với các di sản văn hóa thế giới ngang hàng với chiến tranh, ô nhiễm môi trường hay sự thay đổi của khí hậu trái đất.

Mặc dù vậy, ngành du lịch đóng góp tới 11,2% GDP của Tây Ban Nha và vừa đạt được kỷ lục mới về số du khách, với hơn 36 triệu người, tăng 11,6% so với năm 2016. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos hồi đầu năm 2017, Tây Ban Nha được đánh giá là đất nước cạnh tranh nhất thế giới trong lĩnh vực du lịch nhờ thu hút lượng khách du lịch của Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia vì an ninh bất ổn. Nên biết rằng chính ngành công nghiệp không khói này đã giúp Tây Ban Nha thoát khỏi khủng hoảng nợ công hồi năm 2011. Chính phủ Tây Ban Nha đang phải đối mặt với một vấn đề tế nhị, đó là làm thế nào để cân bằng được lợi ích kinh tế và những tác động của du lịch đối với cuộc sống của người dân các địa phương.

Không chỉ riêng ở Tây Ban Nha, làn sóng tẩy chay du lịch cũng diễn ra tại nhiều quốc gia khác ở châu Âu, đặc biệt mạnh mẽ tại Italia và Đức. Số báo ra ngày 3-8-2017 của tờ Panorama đã đăng ngay trang bìa hình ảnh một du khách đang “xoạc háng” trên đấu trường Colosseum ở Roma để phản đối làn sóng du khách đang làm xuống cấp các di sản văn hóa của Italia. Trong khi đó, tờ Corriere della Serra với lời cảnh báo và kêu cứu “Các di sản văn hóa lâm nguy” nói rằng, sự xuống cấp của Venise giờ không còn là một “âm mưu” từ bên ngoài mà một phần do lỗi của chính người Italia. Tờ báo cho biết, chỉ có 12 toa-lét công cộng được bố trí trong Venise mà thành phố này mỗi năm tiếp đón khoảng 28 triệu du khách.

lan song tay chay du lich o chau au

Trong vòng 10 năm qua, thủ đô Berlin của Đức trở thành một trong những điểm đến du lịch ưa thích bậc nhất châu Âu với 30 triệu lượt du khách mỗi năm. Đi kèm với đó là giá thuê nhà tăng 20% trong vòng 5 năm qua. Người dân Berlin cáo buộc du khách phá hoại cuộc sống yên bình của họ có được sau khi nước Đức thống nhất. Những khu phố vốn yên ả trước đây giờ biến thành các nhà hàng, quán bar, khách sạn, rạp hát… dành cho du khách. Người dân ở quận Kreuzberg-Friedrichshain, Berlin, còn phàn nàn rằng nhiều du khách vào các quán bar nhậu nhẹt say xỉn đã nôn ói đầy ra lối đi vào các khu dân cư ở đây. Chính quyền quận này gần đây đã phải thành lập “khu ăn chơi” dành cho du khách để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân địa phương.

Hiện ở Đức đang xuất hiện nhiều diễn đàn tẩy chay du lịch. Từ các trang mạng xã hội cho tới các bức tường ở Berlin, đâu đâu người ta cũng thấy những dòng chữ như “No more Rollkoffer” (tạm dịch là “Không còn những chiếc vali du lịch”) hay “Berlin doesn't love you” (“Berlin không chào đón bạn”)…

Những tác động tích cực của du lịch

Không thể phủ nhận rằng, du lịch tham gia tích cực vào việc làm tăng thu nhập quốc dân thông qua thu ngoại tệ, đóng góp vai trò to lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Sự phát triển du lịch nội địa góp phần đáp ứng được nhu cầu tinh thần của người dân, tăng cường giao lưu, tiếp cận với cuộc sống hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Du lịch có vai trò phục hồi sức khỏe và tăng cường năng lực cho người dân.

Theo các công trình nghiên cứu về y sinh học, nhờ chế độ nghỉ ngơi và du lịch tối ưu, bệnh tật của dân cư giảm trung bình 30%. Đặc biệt, bệnh tim mạch giảm 50%, bệnh thần kinh giảm 30%, bệnh tiêu hóa giảm 20%. Tuy nhiên, du lịch cũng gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.

S.Phương (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc