Lần đầu tiên phẫu thuật tim cho trẻ sinh non nặng 900 gram

14:19 | 28/03/2017

438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bệnh lý tim bẩm sinh nặng cho trẻ sinh non, nặng chưa đầy 900 gram, bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản để hỗ trợ thở liên tục.

Bé gái, ngụ ở Vĩnh Long, sinh non ở tuần thai 31, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngay sau sinh vào ngày 3/3 để theo dõi điều trị các biến chứng trên trẻ sinh non, nhẹ cân, đặc biệt là bệnh lý hẹp eo động mạch chủ, một động mạch lớn đưa máu nuôi toàn bộ phần thân dưới của cơ thể.

Theo ThS. BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu không được phẫu thuật bệnh nhi sẽ bị thiếu máu nuôi cơ thể, dẫn đến suy thận, viêm ruột hoại tử, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và tử vong. Ngay cả không có bệnh tim cũng có nhiều biến chứng ở trẻ sinh non, nên ca phẫu thuật này là cực kỳ nguy hiểm. Để đưa ra chỉ định mổ các bác sĩ đã phải rất cân nhắc và quyết đoán vì có quá nhiều nguy cơ.

lan dau tien phau thuat tim cho tre sinh non nang 900 gram
Bệnh nhi được chăm sóc tại Khoa Hồi sức Sơ sinh sau ca phẫu thuật tim

Sau hội chẩn nhiều chuyên khoa như: Tim mạch, Gây mê Hồi sức, Phẫu thuật tim, Ngoại Tổng hợp… các bác sĩ nhận định nếu đợi đủ cân nặng để mổ tim sẽ không kịp giữ tính mạng cho trẻ nên quyết định can thiệp ngay. Đây là ca phẫu thuật tim lần đầu được thực hiện tại Khoa Hồi sức Sơ sinh mà không chuyển qua phòng phẫu thuật tim của bệnh viện nhằm kịp thời hồi sức cho bệnh nhi sau ca mổ lớn. Và đây cũng là bệnh nhi nhẹ cân nhất được phẫu thuật tim tại bệnh viện cho đến nay.

BS. Hà Văn Lượng, Phó Khoa Gây mê Hồi sức cho biết, trong ca này để gây mê cho trẻ gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn vì trẻ sinh non chưa hoàn chỉnh hệ hô hấp, thần kinh, nội tiết nên việc lựa chọn thuốc mê và liều lượng phù hợp với bé là không dễ dàng. Bên cạnh đó, do bé quá nhỏ nên các mạch máu cũng rất nhỏ, việc tiếp cận mạch máu để đánh giá mức độ hẹp, cắt nối mạch máu cũng rất khó khăn.

Theo Ths. BS Nguyễn Kinh Bang, Phó khoa Ngoại Tổng hợp, yêu cầu cuộc phẫu thuật phải diễn ra phải chính xác tuyệt đối và phải chạy đua với thời gian để nhanh chóng nối lại động mạch giúp chuyển máu đi nuôi cơ thể bệnh nhi. Do đó, ngay cả những hộ lý, dụng cụ viên cũng phải thật thuần thục, không để xảy ra một sai sót nhỏ nào vì lượng máu cơ thể bé rất ít chỉ 70-80 ml máu, nếu để xảy ra sơ suất làm mất chỉ vài chục ml máu thì bệnh nhân tử vong ngay.

Ngày 23/3, bệnh nhi được phẫu thuật, các bác sĩ nhanh chóng tiếp cận phần động mạch chủ bị hẹp, cắt bỏ và khâu nối lại cho bé. Thời gian kẹp, cắt, nối động mạch diễn ra trong vòng 21 phút. Ca phẫu thuật diễn ra theo đúng kế hoạch, được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, chính xác tuyệt đối và đã thành công.

Ths. BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định, đây là một ca phẫu thuật rất khó. Khó vì cần phải nhanh và chính xác từng li từng tí vì chỉ cần bé bị chảy máu là ca mổ thất bại ngay.

Đến nay, bệnh nhi đã được cai máy thở, ngưng thuốc trợ tim, thuốc vận mạnh, còn phải hỗ trợ thở oxy qua mũi và cho ăn qua ống thông dạ dày, khoảng 4ml sữa/lần, dấu hiệu sinh tồn tốt và đang tiếp tục được chăm sóc, theo dõi, điều trị những biến chứng có thể xảy ra ở trẻ sinh non.

Mai Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc