Làm thợ điện giữa rừng Trường Sơn

13:54 | 16/11/2015

812 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày đầu tháng 11, tôi theo chân những người thợ điện của Điện lực Khe Sanh (Công ty Điện lực Quảng Trị) làm nhiệm vụ tại các xã, bản giữa rừng Trường Sơn.
lam tho dien giua rung truong son
Lắp đặt công tơ tại thôn Hu, xã Hướng Phùng.

Tháng 11. Những cơn mưa kéo dài ở Hướng Hóa không ngăn được bước chân của những cán bộ, công nhân Điện lực Khe Sanh thực hiện kế hoạch thay thế, lắp đặt hơn 3.000 công tơ điện tử ở các xã A Túc, A Xing, Thuận, Hướng Phùng, Hướng Linh trong khuôn khổ Công trình sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn khu vực Hướng Hóa bổ sung năm 2015. Bởi kế hoạch đề ra là hoàn thành số lượng công việc trước ngày 15/11/2015 nên ai cũng khẩn trương với phần việc được giao vì mục đích góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và đem lại sự hài lòng nhiều hơn với khách hàng sử dụng điện.

Sau những ngày mưa như trút nước, nhóm thực hiện thay công tơ điện tử phải ghì tay lái, gần như nhích từng mét trên các quãng đường dài lầy lội, nhão nhoét để đến các thôn Phùng Lâm, Cổ Nhổi, Hướng Choa của xã Hướng Phùng mà vẫn đảm bảo số công tơ trên xe máy không bị rơi. Trong lúc tôi mải nhìn ngắm những đám lau lách cao hơn đầu người mọc hai bên con suối nhỏ và hai bên con đường lần đầu tiên mình đi qua thì các anh luôn phải gồng tay lái xe qua những con đường ngoằn ngoèo, lởm chởm đất đá bởi chỉ cần trật bánh xe một chút thôi là sẽ lún sâu vào những hố lầy ngập sắc đỏ của đất bazan.

Với nụ cười thân tình vẫn bừng sáng trên gương mặt bắt đầu thấm mệt, một anh trong nhóm thay công tơ điện tử đi cạnh tôi nói: “Vất vả này có sá chi. Giao thông ở miền núi trong mùa mưa là vậy thôi, đường có khó khăn mấy công nhân Điện lực cũng phải đi, phải qua hết để hoàn thành công việc của mình mà. Vì bà con ở vùng sâu, vùng xa cần có điện để thắp sáng cuộc sống giữa núi rừng. Có nhiều lúc ăn cơm vội vàng vào giờ nghỉ trưa, có khi ăn trưa ngay tại hiện trường để sau đó tiếp tục công việc cho kịp tiến độ đề ra. Nhưng chính sự vất vả này giúp anh em chúng tôi hiểu nhau, chia sẻ và biết quan tâm nhau trong công việc”.

… Bất chợt, tôi nhớ một câu nói đại ý rằng chính trong điều kiện lao động hoặc hoàn cảnh khó khăn thì con người mới phát huy được hết khả năng của bản thân, biết quý trọng giá trị của thời gian và gắn kết với nhau trong tinh thần mang tên “đồng nghiệp”. Và trong những chuyến công tác giữa rừng núi hiểm trở thì ở những cán bộ, công nhân Điện lực Khe Sanh càng lấp lánh vẻ đẹp của sự tương trợ, động viên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Ở những nơi đó và ở những con người đó không có sự hiện diện của lòng ích kỷ, tính chây lười, sự thờ ơ với công việc và với đồng nghiệp của mình. Ở bên họ lúc này, tôi còn hiểu rằng tình cảm các anh dành cho nhau không chỉ dừng lại ở tình đồng nghiệp mà còn là tình thân, tình anh em giữa những con người từ nhiều miền quê khác nhau của tỉnh Quảng Trị và các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Trong không gian xanh mướt giữa núi rừng phía Bắc của huyện Hướng Hóa chợt vang lên tiếng hát trong lành, lanh lảnh của các em nhỏ người dân tộc Vân Kiều. Giọng hát rất khỏe, rất đều và rất hay khiến người nghe ngỡ ngàng trước những nụ cười chân chất, mộc mạc và hồn hậu của người dân trong thôn. Cùng với những nụ cười rất đỗi dễ mến, tiếng hát ấy của trẻ thơ khơi dậy sự yêu đời và niềm đam mê đem ánh điện đến giữa đại ngàn Trường Sơn trong tâm hồn người thợ điện.

Trong sự ngỡ ngàng ấy, tôi tìm cách cắt nghĩa với mình về việc từ người già đến trẻ em vùng bản của Hướng Hóa sống trong nghèo khó về vật chất nhưng rất giàu nụ cười. Đó cũng là lúc những tia nắng lóe lên sau cơn mưa dài chiếu lên nhóm các công nhân đang thay công tơ điện tử, nụ cười và tiếng hát của các em nhỏ vùng bản hệt như một sự đền đáp dành cho các công nhân của Điện lực Khe Sanh không quản ngại nhọc nhằn của công việc trong hôm nay...

Trần Nhi Nhi