Làm những việc có lợi cho dân

22:40 | 26/07/2017

1,411 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm mới đây, nghe tin Văn phòng UBND TP Hà Nội có công văn đề nghị các sở, ngành liên quan không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng của dịch vụ GrabShare, nhiều người cảm thấy có điều gì đó chưa ổn.

Bởi lẽ, dường như người tiêu dùng đang bị một mệnh lệnh hành chính tước đi một phần quyền lợi chính đáng của mình.

Kể từ khi xuất hiện loại hình dịch vụ vận chuyển taxi mới như Uber, Grab, nhiều tranh cãi đã diễn ra, phân tích giữa cái được và cái mất, rồi cuối cùng mới thấy rằng, đây là sự phát triển tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp mới trên toàn cầu, né tránh cũng không được. Vì thế, nhiều địa phương đã cho làm thí điểm.

Tuy nhiên, do sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, tại Việt Nam gần đây, “taxi điện tử” ra đời với các thương hiệu như Uber, Grab. Người tiêu dùng chỉ cần qua điện thoại thông minh, có thể ngay lập tức tìm được chiếc xe gần nhất, có thông tin đầy đủ về số xe, người lái xe, giờ đến giờ đi, khoản tiền phải trả... và tự quyết định. Điều đặc biệt, giá lại thường thấp hơn 20-30% giá của taxi truyền thống.

lam nhung viec co loi cho dan

Do đây là loại hình dịch vụ mới, hệ thống pháp luật của ta chưa kịp thích ứng để có thể điều chỉnh nhằm bảo đảm cho sự cạnh tranh công bằng giữa “taxi điện tử” và taxi truyền thống nên một số địa phương mới phải thực hiện thí điểm để tránh sai sót.

Thế nhưng, đã gọi là “bão” thì sự phát triển công nghệ không thể tạm dừng để chờ đợi bất cứ quốc gia nào và cùng với đó, người tiêu dùng cũng không thể vì thế mà không tận dụng để tìm kiếm cơ hội tiết kiệm chi phí.

Và dịch vụ “taxi điện tử” lại tiến thêm một bước mới, GrabShare đã ra đời, có thể nôm na gọi là “taxi đi chung”. Có nghĩa là qua công nghệ thông tin, bạn biết có người có nhu cầu cùng đi trên một đoạn đường, nếu bạn đồng ý thì cùng đi và giá sẽ giảm được khoảng 30%. GrabShare cũng khuyến cáo rằng chỉ nhận nhiều nhất một cuộc đặt hàng là 2 khách và mỗi phương tiện trên một tuyến vận chuyển không nhận quá 2 đơn đặt hàng, có nghĩa là không quá 4 người và điểm đón và trả khách không quá 2 nơi.

Quả là một dịch vụ thượng tôn người tiêu dùng, khai thác tối đa năng lực của hệ thống vận tải công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

lam nhung viec co loi cho dan

Thế nhưng nghe tin Hà Nội không cho phép áp dụng dịch vụ này. Quả là điều đáng bàn.

Lý lẽ của Hà Nội đưa ra là theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Còn theo lý lẽ của Bộ GTVT, tại khoản 1, khoản 2 Điều 45 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7-1-2014 đã quy định: Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.

Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mọi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách.

Ý kiến chuyên gia

Dịch vụ đi chung xe được xem là giải pháp tối ưu cho những người có nhu cầu trên một tuyến đường chia sẻ xe chung. Cần ủng hộ các dịch vụ mới ra đời như một tiện ích đáp ứng nhu cầu của xã hội, giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tài sản chung, phục vụ tiện ích đi lại của người dân. Nếu những cái mới này chưa phù hợp luật hiện hành, cần điều chỉnh luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, thay vì cấm. Nhiều nước khác đang áp dụng mô hình này như một cách thức giảm thiểu tình trạng kẹt xe, tăng hiệu quả sử dụng phương tiện vận chuyển.

Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản: Thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về (trong đó ghi rõ điểm khởi hành, lộ trình, các điểm đón, trả khách trên cả hai chiều, điểm kết thúc hành trình); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.

Từ đó, Bộ GTVT yêu cầu tất cả các đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng không triển khai dịch vụ tương tự (hình thức đi chung xe) đối với xe hợp đồng.

Khi đọc kỹ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT thì mới thấy rằng, xe hợp đồng và xe taxi là hai loại hình vận tải rất khác nhau, ở các mục khác nhau và có những quy định quản lý cũng rất khác nhau.

Một câu hỏi được đặt ra: Vậy taxi GrabShare sẽ được xếp vào loại hình nào là thỏa đáng? Và việc quyết định không cho GrabShare hoạt động tại Hà Nội đã cân nhắc đến quyền và lợi ích của đông đảo người tiêu dùng mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định chưa?

Sau khi khảo sát dịch vụ “taxi đi chung”, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nhận xét: “Về dịch vụ GrabShare, chúng ta xác định, trên cùng một phương tiện, nếu chỉ có một khách thì thật lãng phí, mà có thể có 2, 3 khách... Dịch vụ này sẽ góp phần làm giảm số chuyến đi bằng ôtô tham gia giao thông, trong khi số người đi lại sẽ tăng lên. Rõ ràng, nguy cơ ùn tắc giao thông cũng sẽ được giảm đi, rủi ro tai nạn giảm đi, góp phần giảm thiểu mức phát thải ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông, vận tải đô thị”.

Đến đây, lại nhớ đến lời căn dặn của Bác Hồ với những “công bộc” của nhân dân rằng: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

lam nhung viec co loi cho dan
Taxi trên phố Hàng Buồm những năm 1940

Lịch sử từ "tắc xi" trong tiếng Việt thì biết rằng, đó là bắt nguồn từ tiếng Pháp "taxi". Trên Nam Phong tạp chí số 205 năm 1934 trang 129 có một mẩu tin ngắn như sau: Mới bắt đầu có xe ô-tô “tắc-xi” (taxis) chạy ở Hà Nội. Ô-tô tắc-xi là một thứ xe ô-tô chở thuê hành khách chạy khắp các đường phố Hà Nội; ngày mồng 8 Octobre, hiệu Thuận-thái phố Hàng Buồm đã mời quan Đốc-lý Hà Nội đến chứng-kiến để cho sáu chiếc xe bắt đầu chạy.

Như vậy, theo khái niệm cổ xưa và đến bây giờ vẫn đúng, taxi là “một thứ xe ô-tô chở thuê hành-khách chạy khắp các đường phố Hà Nội”, không theo tuyến cố định và có thể dừng đỗ bất cứ chỗ nào.

Từ đó đến nay, taxi trở thành một loại hình vận tải công cộng không thể thiếu trong đời sống đô thị của những thành phố lớn.

Nguyễn Long Vân