Làm giàu nhờ gắn bó với bonsai, cây kiểng

09:15 | 21/04/2011

2,762 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ vườn cây ăn trái đến bonsai, cây kiểng và... giàu.

Từ khi đất nước đổi mới, nền kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng ổn định và khấm khá hơn trước. Những món ăn tinh thần mang đậm nét văn hóa, nghệ thuật cũng dần định hình rõ nét, tạo điều kiện cho nhiều người cảm nhận, thưởng thức những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống. Nhiều văn nghệ sĩ, nghệ nhân cũng tạo cho mình một thế đứng trong xã hội. Trong số họ, có nhiều nghệ nhân kinh doanh bonsai, cây kiểng khấm khá và vươn lên làm giàu dựa vào tính cần cù lao động và sự sáng tạo đầy trí tuệ của cá nhân mình. Đó là anh Trần Văn Phong ở phường Bình Hưng Hòa. quận Bình Tân.

Khởi nghiệp từ vườn cây ăn trái

Chúng tôi đến thăm vườn kiểng của nghệ nhân Trần Thanh Phong ở khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa vào những ngày đầu tháng 8. Trước mặt chúng tôi, nhiều chậu kiểng cổ đủ chủng loại với hàng chục năm tuổi, to có, nhỏ có đan xen cùng những chậu mai vàng xinh xắn và những chậu bonsai được sắp xếp ngay ngắn trong khu vực sân vườn. Với nụ cười hiền lành, thân thiện, anh cho chúng tôi biết. Quê anh ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (còn có tên gọi là Cái Mơn, Bến Tre), đa số người dân địa phương ở đây đều sinh sống bằng nghề làm vườn cây ăn trái. Chính từ môi trường này, đã giúp anh Phong nắm bắt khá tường tận cách ươm cây giống, việc chăm sóc cây khi tăng trưởng cũng như khi cho thu hoạch trái. Dần dà, tìm hiểu qua sách, tạp chí chuyên viết về cây kiểng, bonsai, anh cảm thấy tương đối khá gần gũi với cuộc sống của mình nên đâm ra yêu thích và bắt đầu mua cây kiểng, bonsai về trưng bày quanh khu vực nhà vườn của gia đình. Từ đó, anh càng đam mê hơn và bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về cách chăm sóc, tạo dáng cho các loại bonsai, cây kiểng. Ý nghĩ có thể làm giàu từ bonsai, cây kiểng cũng nhen nhúm trong suy nghĩ của anh, nhưng nếu chỉ quanh quẩn kinh doanh tại quê nhà thì chưa "ăn – thua” gì. Thế là năm 1987, gom góp tiền, anh rời bỏ quê để lên thành phố tìm cách mưu sinh bằng cách thuê mặt bằng 300 m2 tại quận Tân Bình (trước cổng A4 của sân vận động Quân khu 7) để kinh doanh bonsai, cây kiểng. Dần dà sau nhiều năm tích lũy vốn, anh mua một mảnh đất 1.300 m2 tại ấp 2, xã Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh cũ, nay được chia tách thành khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (thời điểm lúc bấy giờ, đất ruộng ở huyện Bình Chánh cũ vẫn còn tương đối nhiều và người dân chưa đông đúc như quận Bình Tân hiện nay) để vừa là nơi gia đình cư ngụ, vừa làm điểm sản xuất, chăm sóc các loại bonsai, cây kiểng.

Đến niềm đam mê bonsai, cây kiểng

Vạn sự khởi đầu nan, từ không dần lên có, từ có ít xích ra có nhiều. Đến nay, trong khu vườn nhà anh đã có trên 1.000 chủng loại cây khác nhau, trong đó, có trên 500 chậu bonsai và gần 200 gốc mai vàng và nhiều giống cây quý hiếm khác như Kim Quýt, Cần Thăng, Vạn Niên Tùng, Nguyệt Quế, Mai Chiếu Thủy…

Anh Phong tâm sự : " Với niềm đam mê bonsai, cây kiểng, tôi cất công sưu tập đủ chủng loại cây về chăm sóc làm cho khu vườn kiểng nhà mình ngày thêm phong phú, đa dạng. Công việc kinh doanh bonsai, cây kiểng và xử lý kỹ thuật từ các cây nguyên liệu đã hỗ trợ cho nhau rất nhiều. Quá trình kinh doanh giúp tôi tiếp cận với thị trường trong cả nước và tích lũy vốn dần dần. Còn quá trình xử lý kỹ thuật sửa, uốn cây theo yêu cầu của những người ưa thích bộ môn cây kiểng đã cho tôi khá nhiều kinh nghiệm để nâng cao tay nghề. Không dừng lại đó, tôi còn thường xuyên học tập và ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào việc sản xuất và chăm sóc cây. Việc kết hợp vừa sản xuất, vừa kinh doanh đã giúp gia đình tôi có thu nhập (sau khi trừ mọi chi phí) bình quân hàng năm từ 60 đến 100 triệu đồng và giá trị vườn kiểng nhà tôi ngày một tăng lên, hiện ước tính cũng trên một tỷ đồng. Công việc này huy động cả gia đình tôi đều bắt tay vào làm, đồng thời còn tạo việc làm cho từ 6 đến 10 lao động giúp việc cho gia đình tôi ”.

Tuy nhiên, hiện nay do biến động về giá cả bởi ảnh hưởng phần nào của sự lạm phát nên việc sản xuất, kinh doanh của anh Phong dường như cũng chậm lại. Một phần do diện tích đất khu vườn nhà anh hiện tại không đủ để trồng và sắp xếp các loại cây, một phần nhu cầu sử dụng các loại bonsai, cây kiểng của người tiêu dùng cũng giảm đáng kể. Nhưng không vì thế mà anh chịu "bó tay”, ngoài việc sản xuất kinh doanh, anh Phong còn nhận thêm dịch vụ chăm sóc tại chỗ hoặc cho thuê cây kiểng cho khá nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân thích trưng bày bonsai, cây kiểng để tăng thêm vẻ đẹp quang cảnh nơi làm việc, sân, vườn. Bình quân hàng tháng, anh đến tận nơi để chăm sóc từ 2 đến 4 lần (tùy vào hợp đồng đã ký kết với khách hàng) hoặc cho thuê, mượn nhiều loại cây kiểng để các cơ quan, tổ chức đoàn thể trưng bày trong các dịp lễ, hội. Đây cũng là hình thức lấy ngắn nuôi dài trong việc sản xuất kinh doanh của gia đình anh.

Và những mong ước trong tương lai

Đạt được kết quả như hôm nay là cả quá trình lao động cần cù, sáng tạo của một người nông dân chân chất – Anh Phong cho biết thêm – Muốn trở thành người trồng, chăm sóc bonsai, cây kiểng phải có quyết tâm, cần cù chịu siêng, chịu khó. Từ khâu học hỏi ở trường lớp, sách báo, tạp chí cũng cần học thêm nơi bạn bè, những người đi trước, nhất là phải biết tích lũy kinh nghiệm từ trong thực tiễn sản xuất. Muốn kết hợp vừa sản xuất, vừa kinh doanh phải biết cách thức tổ chức khoa học, phù hợp với điều kiện kinh tế của mình. Đi dần từ ít đến nhiều, từ nhỏ đến lớn. Nếu chưa rành về mặt kỹ thuật thì chỉ nên sản xuất, kinh doanh đơn thuần vừa và nhỏ một vài chủng loại cây mà nhiều người ưa thích, không nên làm quy mô lớn rất dễ thất bại rồi mau sinh chán nản. Bên cạnh, cũng phải tích cực tham gia các công tác xã hội, phải biết đi tham quan nhiều mô hình khác nhau để qua đó có thêm điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Khi được hỏi về những mong ước trong tương lai, anh Trần Thanh Phong bộc bạch : " Để phát triển nghề trồng cây kiểng, tạo dáng bonsai, trước hết phải đào tạo tay nghề cho bà con, chủ yếu là nông dân, qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, kết hợp lý thuyết với thực hành bằng hình thức tổ chức đi tham quan thực tế các bộ môn đã học. Đồng thời, tạo điều kiện giúp đỡ cho họ có đất để trồng và chăm sóc các loại bonsai, cây kiểng. Nếu không có đất của gia đình thì có thể thuê đất dài hạn để làm. Nếu không có vốn thì giúp họ vay từ nhiều nguồn vốn của Nhà nước để họ yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Như tôi, hiện nay, cũng rất muốn mở rộng công việc sản xuất, kinh doanh nhưng diện tích vườn kiểng gia đình tôi có giới hạn. Trong thời gian chờ đợi để kiếm thêm mặt bằng sản xuất, kinh doanh mới, tôi từng bước san lấp mặt bằng vườn kiểng hiện có bằng cát để hạn chế cỏ dại và bố trí cây nhỏ ở dưới, cây lớn ở trên để tận dụng tối đa diện tích đất và không gian sử dụng. Cách tôi làm đã có rất nhiều lượt người đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Hy vọng sau tôi, sau anh Trần Văn Bạch, chị Trần Thị Thọ… quận Bình Tân sẽ có thêm nhiều nghệ nhân bonsai, cây kiểng, hoa lan, hoa mai… ”.

Thay lời kết

Với những việc đã làm được, nghệ nhân Trần Thanh Phong xứng đáng nhận Bằng khen của Hội Sinh vật cảnh thành phố vào năm 2003 về thành tích xuất sắc bộ môn mai vàng, bonsai trong công tác Hội ; Huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2005 của UBND thành phố vì đã có thành tích sản xuất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố ; Bằng khen của UBND thành phố vào năm 2007 vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm liền (2003 – 2007)… và rất nhiều Giấy khen của huyện Bình Chánh, của xã Bình Hưng Hòa cũ, Giấy khen của quận Bình Tân, của phường Bình Hưng Hòa và nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2010), ông vinh dự được nhân Huy hiệu thành phố Hồ Chí Minh và bằng khen của Uỷ ban nhân dân thành phố dành cho "Người nông dân tiêu biểu” năm 2010.

Hồng Văn Khoa

Hồng Văn Khoa - Nguồn: hoinongdan.hochiminhcity.gov.vn