Làm gì để xử lý mũ bảo hiểm chất lượng kém?

16:34 | 24/11/2017

1,821 lượt xem
|
Qua 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông (Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2007), mặc dù tỉ lệ người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm cao, nhưng mũ rởm, kém chất lượng vẫn còn nhiều.

Theo ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP), sau khi Nghị quyết số 32 của Chính phủ quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông có hiệu lực thi hành, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm tăng cao (từ 30% lên đến 99%). Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 32, Quỹ AIP ước tính cả nước đã tiết kiệm được 3,5 tỉ USD (tương đương 77.000 tỉ đồng) chi phí về y tế, thương tật. Việc đội mũ bảo hiểm đã phòng tránh được khoảng 500.000 trường hợp chấn thương đầu và 15.000 trường hợp tử vong trong các vụ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, ông Greig Craft cho hay, theo khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm dành cho trẻ em, nhất là học sinh còn rất thấp và không duy trì ổn định. Nguyên nhân là do ý thức trách nhiệm của cha mẹ, nhà trường cũng như mức xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe.

lam gi de xu ly mu bao hiem chat luong kem
Mũ bảo hiểm thật - giả, tốt - xấu lẫn lộn trên thị trường

“Ý tưởng đội mũ bảo hiểm giống như tiêm vacxin phòng ngừa chấn thương vùng đầu và Quỹ AIP đã làm cách đây 5 năm để các bậc cha mẹ thấy rằng đó là việc làm thường ngày nhằm bảo đảm sự an toàn cho trẻ em khi lưu thông trên đường phố” - ông Greig Craft nói.

Cũng theo ông Greig Craft, vấn nạn mũ bảo hiểm rởm, chất lượng kém rất nghiêm trọng, tương tự như thuốc giả và thực phẩm bẩn. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Khi có các vụ việc về thực phẩm bẩn và thuốc giả, người dân rất phẫn nộ và cơ quan chức năng xử lý nhà sản xuất rất nghiêm minh. Do đó, việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm rởm, chất lượng kém cũng phải được xử lý nghiêm minh như vậy.

“Chỉ cần đứng chốt giao thông trong vòng 15 phút sẽ thấy được tỉ lệ người dân đội mũ bảo hiểm rởm như thế nào. Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn giảm tỉ lệ chấn thương đầu 40-42%, giảm tỉ lệ qua đời vì chấn thương lên tới 60%. Còn mũ bảo hiểm rởm thì tỉ lệ chỉ là 0% và không bảo vệ người đi đường khi gặp tai nạn” - ông Greig Craft thông tin.

Để “trị” căn bệnh mũ bảo hiểm rởm, cơ quan chức năng cần thu hồi tất cả mũ bảo hiểm kém chất lượng trên thị trường, từ những điểm bán hàng trên phố, đến các cửa hàng và cần phạt nặng những người bán mũ bảo hiểm rởm, kém chất lượng. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần kiểm tra đột xuất, thường xuyên tại các nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm để kiểm tra chất lượng mũ thay vì các nhà máy tự gửi mẫu sản phẩm đến phòng thí nghiệm. Việc rà soát định kỳ như vậy sẽ buộc các nhà máy phải đảm bảo việc sản xuất mũ đạt chuẩn.

lam gi de xu ly mu bao hiem chat luong kem
Ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á.

Bên cạnh đó, hiện có quá nhiều cơ quan cùng tham gia việc kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm như Bộ Khoa học và Công nghệ, Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường... Bởi vậy, việc hợp tác hành động rất phức tạp và cần có quy trình xử lý cũng như trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan. Mặt khác, nếu mức phạt cho việc không đội mũ bảo hiểm được nâng cao hơn giá mua một chiếc mũ đạt chuẩn thì có lẽ các chủ phương tiện sẽ chọn việc đội mũ hơn là bị phạt, đặc biệt sẽ hạn chế mua mũ rởm, kém chất lượng giá rẻ.

Nói về những giải pháp của Quỹ AIP dành cho Việt Nam để giảm tỉ lệ chấn thương do không đội mũ bảo hiểm cũng như việc chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao hơn, ông Greig Craft cho biết, để người dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cần có sự tham gia của nhiều bộ phận xã hội. Việc đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật rất quan trọng để nâng cao tỉ lệ sử dụng mũ bảo hiểm ở trẻ em, đi đôi với đó là giáo dục và các chiến dịch truyền thông để có kết quả ổn định và lâu dài.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc