Làm gì để không tái diễn vấn nạn 'hình sự hóa'?

07:00 | 24/08/2016

610 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có những vụ việc bản chất đơn thuần chỉ là những quan hệ kinh tế, dân sự nhưng lại bị Cơ quan điều tra (CQĐT) khởi tố hình sự, hai vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua xảy ra trên địa bàn TP HCM là: vụ “Quán cà phê Xin chào” tại huyện Bình Chánh, hay mới gần đây là vụ “Buôn bán điện thoại cùi bắp” tại quận 10 là ví dụ điển hình. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng “hình sự hóa” này? Và làm thế nào để không tái diễn những sự việc tương tự? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với những chuyên gia tư pháp và các luật sư để tìm câu trả lời.

Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội:

Cần chỉ ra cái sai

van nan hinh su hoa co the phong ngua

Động cơ nào đã khiến các cơ quan chức năng khởi tố hình sự hai vụ việc “Quán cà phê Xin chào” và “Cửa hàng bán điện thoại cùi bắp” ở TP HCM khiến tôi rất thắc mắc.

Tôi cho rằng, việc hình sự hóa các quan hệ dân sự một cách tự phát như vậy là điều không nên một chút nào. Nhất là trong thời gian qua, Quốc hội đã có những hành động cụ thể trong việc sửa đổi một số điều luật, bộ luật, nhằm điều chỉnh một số mối quan hệ xã hội theo hướng sát hơn với thực tế. Tuy nhiên, việc này vẫn đang tồn tại một số hạn chế nhất định.

Riêng ở hai vụ việc nói trên, tôi thấy có hai cái sai cần phải chỉ ra là: Một, trình độ nhận thức của các cán bộ thực thi pháp luật ở cơ sở vẫn chưa được chắc. Từ đó, dẫn tới hành động có dấu hiệu lạm quyền trong việc xử phạt đối với chủ quán “Cà phê Xin Chào” và anh bán điện thoại cũ.

Hai, quy định của pháp luật vẫn còn một số điều, khoản chưa được giải thích một cách rõ ràng. Khiến cán bộ ở các địa phương có thể hiểu sai hoặc hiểu không đúng mục đích của các nhà làm luật, từ đó dẫn tới việc hành xử chưa thật chính xác.

Ngoài ra, thực tế trong xã hội hiện nay có những hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nếu không được xem xét một cách cẩn trọng thì ranh giới giữa Luật Hành chính và Luật Hình sự sẽ là rất mong manh. Nếu tính chất vụ việc không nghiêm trọng mà lại áp dụng xử lý hình sự thì quá nặng, dẫn tới sự bức xúc của người dân.

Bà Trần Thị Quốc Khánh - nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở có vấn đề

van nan hinh su hoa co the phong ngua

Thông qua hai sự việc có tính chất khá tương đồng này, chúng ta cần nhìn nhận lại năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số địa phương trong việc thừa hành pháp luật. Dù đây chỉ là các trường hợp cá biệt, không đại diện cho cả nền quản lý hành chính của Việt Nam, nhưng cũng chỉ ra một số hạn chế trong ngành tư pháp.

Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm cải cách thủ tục hành chính và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân kinh doanh, khởi nghiệp mà lại xuất hiện những trường hợp như “Quán cà phê Xin chào” và “điện thoại cùi bắp” là không thể chấp nhận được.

Từ sự yếu kém trong nhận thức của cán bộ quản lý cơ sở, cộng thêm sự thiếu đồng bộ trong phối hợp hoạt động của các bộ, ngành, nên hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua là chưa rõ rệt. Đặc biệt, hai vụ việc trên đều xảy ra ở TP HCM - nơi đáng nhẽ ra phải là địa phương đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Vấn đề này sẽ khiến các lãnh đạo thành phố phải có các biện pháp rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động của bộ máy công quyền cấp cơ sở. Không thể để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, gây mất lòng tin của nhân dân.

Mặt khác, tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ thị cho lãnh đạo TP HCM nhanh chóng làm rõ, giải quyết dứt điểm hai vụ việc trên. Đồng thời báo chí cũng đã góp tiếng nói quan trọng trong công tác thông tin các hiện tượng chưa tốt của xã hội này để cùng lên tiếng phản ánh, đấu tranh bảo vệ cái đúng, lẽ phải cho người dân lao động chính đáng.

Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội):

Giao quyền hạn quá lớn cho CQĐT

van nan hinh su hoa co the phong ngua

Thời gian vừa qua, có một số vụ việc có bản chất đơn thuần là những quan hệ kinh tế, dân sự nhưng lại bị CQĐT khởi tố hình sự. Điển hình là vụ “Quán cà phê Xin chào” xảy ra tại huyện Bình Chánh và vụ buôn bán điện thoại “cùi bắp” xảy ra tại quận 10 đều ở TP HCM làm ai ai cũng phải bất bình. Rất may, vì có sự tác động của dư luận xã hội, các chuyên gia pháp luật, luật sư và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cấp có thẩm quyền can thiệp kịp thời và không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Nhờ đó mà quyền lợi của các cá nhân trong hai vụ án trên đã được trả lại công bằng, đồng thời cũng chỉ ra sai phạm của các cán bộ điều tra. Đây là điểm cộng của nền tư pháp nước ta. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ không còn xảy ra những vụ việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự như trên nữa.

Từ góc độ của người làm công tác pháp luật, tôi cho rằng nguyên nhân của tình trạng “hình sự hóa” là do trình độ nghiệp vụ, nhận thức pháp luật của một số cán bộ thuộc CQĐT còn non nớt, hạn chế, tác phong làm việc tùy tiện, thậm chí trong hoạt động khởi tố có lồng ghép cả động cơ cá nhân.

Khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều thân chủ ở giai đoạn tiền tố tụng (chưa khởi tố vụ án), tôi thấy có một thực trạng thế này: Nhiều khi những vụ việc có dấu hiệu hình sự ba năm rõ mười, cộng thêm những phân tích của luật sư về các dấu hiệu cấu thành tội phạm, chỉ rõ căn cứ, có cơ sở khởi tố vụ án vững chắc, CQĐT lại không tiến hành khởi tố dù luật sư kiến nghị nhiều lần. Trái lại, có những vụ việc dấu hiệu tội phạm rất mờ nhạt, điển hình như hai vụ việc nêu trên thì CQĐT lại rất tích cực, khẩn trương trong hoạt động khởi tố, điều tra. Qua đó có thể thấy rằng, hiện nay việc khởi tố vụ án hình sự đang có dấu hiệu rất tùy tiện, thích thì khởi tố, không thích thì thôi.

Về nguyên nhân của hiện tượng “hình sự hóa” này thì tôi cho rằng, việc CQĐT có quyền hạn quá lớn, trong khi các cán bộ thi hành pháp luật lại không chính công vô tư, thậm chí quyết định nhiều việc mang dấu ấn chủ quan. Và để giải quyết vấn đề này thì tôi cho rằng cần phải có sự thay đổi tích cực tới từ tất cả các cơ quan hữu quan.

Ở góc độ của Viện Kiểm sát (VKS): Với tư cách là cơ quan giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan pháp luật nhưng có thể thấy hoạt động giám sát việc khởi tố, điều tra của VKS chưa thật sự hiệu quả. VKS đang thiếu cá tính, bản lĩnh, thường dễ dàng đồng thuận với quan điểm của phía CQĐT (có lẽ do xuất phát từ vị thế chính trị của Cơ quan Công an lớn hơn vị thế của VKS) nên phía VKS thường có tâm lý “ngại” phản biện, ngại đưa ra những quan điểm trái ngược dẫn đến tình trạng nể nang trong khi thực thi pháp luật.

Trong các vụ án oan sai tôi có tham gia bào chữa trước đây, đứng trước hội đồng xét xử, nhiều lần tôi đã phát biểu thẳng thắn về việc kiểm sát viên và thẩm phán có biểu hiện nể nang, không có ý kiến của riêng mình trước hồ sơ của CQĐT chuyển lên. Như vụ “Quán cà phê Xin chào”, nếu VKS làm đúng theo chức năng nhiệm vụ thì có lẽ sẽ không dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay. Để xảy ra vụ việc này có thể là do vị thế chính trị của VKS yếu hơn CQĐT thành ra dẫn tới việc kiêng nể, thấy sai không dám nói và kết quả là án oan. VKS cần phải ý thức rõ trách nhiệm mà nhân dân và Nhà nước giao phó. Vai trò của họ là cực kỳ quan trọng trong việc đẩy lùi oan sai.

Ở góc độ của CQĐT: Cần phải liên tục nâng cao trình độ của các cán bộ điều tra bằng cách tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm trao đổi chuyên môn với các chuyên gia, luật sư… để thống nhất về nhận thức chung để từ đó nâng cao chất lượng điều tra.

Ở góc độ của các cơ quan báo chí: Từ trước đến nay, báo chí đã làm rất tốt công việc phản biện, tuy nhiên vẫn cần duy trì và phát huy tốt chức năng nhiệm vụ của mình với toàn thể xã hội, cụ thể là trong các hoạt động tố tụng hình sự để ngăn chặn việc lạm quyền của CQĐT trong việc khởi tố vụ án.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội:

“Hình sự hóa” là điều bất thường gây ảnh hưởng tiêu cực

van nan hinh su hoa co the phong ngua

Hình sự hóa vụ việc dân sự, kinh tế là hiện tượng tiêu cực trong đời sống pháp lý ở nước ta hiện nay. Theo một cách hiểu chung nhất thì hình sự hóa được hiểu là trường hợp những hành vi vi phạm trong các quan hệ kinh tế, dân sự bị các cơ quan, cá nhân thực thi quyền điều tra, truy tố, xét xử chuyển hóa thành các hành vi phạm tội và áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết.

Nhìn từ vụ việc “Quán cà phê Xin chào” đến “Buôn bán điện thoại cùi bắp” bị khởi tố hình sự về tội “kinh doanh trái phép” có thể thấy hiện tượng “hình sự hóa” đang có dấu hiệu tăng cao. Việc áp dụng biện pháp và thủ tục tố tụng hình sự cho những hành vi không đủ cấu thành tội phạm, không được coi là tội phạm và không được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự Việt Nam là áp dụng không đúng pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của chủ thể. Rõ ràng, những hành vi sai phạm của ông Tấn (chủ quán cà phê Xin Chào) và anh Dương Trọng Tiến (chủ cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại cũ) là không đủ các yếu tố cấu thành tội “kinh doanh trái phép” theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự.

Tại Điều 159 Bộ luật Hình sự về hành vi kinh doanh trái phép thì vụ án, bị can chỉ bị khởi tố khi có đầy đủ các dấu hiệu như kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng.

Như vậy, việc Cơ quan Công an huyện Bình Chánh đã căn cứ khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tấn về hành vi kinh doanh trái phép là không đúng vì rõ ràng hành vi của ông Tấn chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. “Dân không biết, chính quyền phải có trách nhiệm hướng dẫn dân làm”. Tuy nhiên, Công an huyện Bình Chánh không những không hướng dẫn ông Tấn làm các thủ tục hợp pháp cho “Quán cà phê Xin Chào”, mà còn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, rồi ngay sau đó ra quyết định khởi tố bị can và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND huyện Bình Chánh.

Còn đối với vụ việc của anh Tiến - chủ cửa hàng điện thoại “cùi bắp”, chỉ vì tìm thấy “40 chiếc điện thoại” ở khu vực trưng bày trong cửa hàng mà anh đã bị khởi tố về hành vi “Kinh doanh trái phép”. Sau đó, cuối tháng 6-2016 anh Tiến được mời lên trụ sở Công an quận 10 để nhận quyết định khởi tố bị can với hành vi “Mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh”. Theo tôi đây là một hành vi mua bán rất thông thường trong các quan hệ dân sự nhưng lại bị quy kết thành tội “kinh doanh trái phép” và nhận được “Quyết định khởi tố bị can về tội Kinh doanh ngoại tệ trái phép” là một điều rất bất thường trong quá trình áp dụng pháp luật.

Hậu quả của vấn đề hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, cụ thể: Một là, hình sự hóa sẽ khiến người dân sẽ mất lòng tin vào chế độ xã hội được kiểm soát bởi pháp luật từ đó họ sẽ không yên tâm bỏ vốn lớn để kinh doanh lâu dài. Hai là, hình sự hóa làm cho uy tín của công dân và doanh nghiệp bị giảm sút thậm chí là mất an toàn, thiệt hại này không thể xác định được bằng tiền mà đó được đánh đổi bằng những uy tín và danh dự, cơ hội kinh doanh. Ba là, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, nếu xu hướng hình sự hóa không được khắc phục trong con mắt cộng đồng quốc tế, hệ thống pháp luật của chúng ta sẽ bị đánh giá là thiếu an toàn.

Đôi khi trong thực tế, ranh giới giữa hình sự và hành chính, kinh tế, dân sự rất mong manh, dễ nhầm lẫn và đây chính là lý do cho những ý đồ và hành vi cố ý “hình sự hóa” vụ lợi các quan hệ kinh tế, dân sự. Để hạn chế sau đó là chấm dứt hiện tượng này, theo tôi các giải pháp cần đặt ra là:

Một, xây dựng hệ thống pháp luật hình sự đảm bảo cho các dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi khách quan được miêu tả cụ thể, rõ ràng.

Hai, tăng cường trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân - người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền trong việc giám sát, thực thi bảo vệ pháp luật. Đây là yếu tố quyết định tới việc khắc phục tình trạng oan sai nói chung và tình trạng “hình sự hóa” nói riêng.

Ba, nâng cao ý thức pháp luật của các chủ thể trong giao dịch dân sự, kinh tế là vấn đề có tính nền tảng nhằm đảm bảo sự tự giác chấp hành pháp luật, tuân thủ và thực thi những cam kết trong quan hệ dân sự, kinh tế; tạo văn hóa tuân thủ pháp luật của mỗi người dân.

Như vậy, việc thực hiện được đồng bộ các giải pháp nêu trên mới có thể làm giảm tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, từ đó vừa khẳng định được tính nghiêm minh, công bằng của hệ thống pháp luật vừa tăng cường niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Diễn biến vụ khởi tố người bán điện thoại cũ

Anh Dương Trọng Tiến (31 tuổi, tạm trú tại quận 10, TP HCM) từng đi bộ đội, nhận sửa chữa điện thoại ngay tại nhà và mua bán điện thoại cũ.

Tới tháng 6-2016, một vị khách lạ tới cửa hàng anh Tiến nằng nặc đòi mua bằng được dòng điện thoại Nokia 6700 đã dừng sản xuất 7 năm nay. Tuy nhiên, khi vị khách này vừa bước ra khỏi cửa hàng điện thoại thì bỗng đâu xuất hiện hàng chục cán bộ công an mặc cảnh phục ập vào khám xét.

Rất nhanh chóng, lực lượng công an quận 10 đã thu giữ toàn bộ điện thoại có trong cửa hàng của anh Tiến (gồm cả điện thoại khách gửi sửa), sạc, sổ sách, giấy biên nhận sửa chữa.

Ngày hôm sau, anh thợ sửa điện thoại được “mời” lên trụ sở Công an quận 10 làm việc, một điều tra viên đã “mớm cung” cho anh Tiến là: “Nên chọn phạt hình sự vì từ ngày 1-7, tội kinh doanh trái phép cũng bị bãi bỏ, không còn hiệu lực” như thế sẽ “không hề hấn gì”.

Tuy nhiên, khi vị điều tra viên kia đưa cho anh thợ sửa chữa điện thoại tội nghiệp xem quyết định khởi tố của mình thì lại thành tội danh “Có hành vi mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh”.

Vụ việc sau đó được báo chí phản ánh và được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải làm rõ vụ việc. Sau đó, Công an quận 10 đã lên tiếng rằng “Không hề có quyết định khởi tố bị can với anh Tiến”.

Tú Cẩm - Thảo Phượng - Xuân Hinh

Năng lượng Mới 551